Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) (gọi tắt là HTX Mỹ Thành) được giao quản lý trên 380ha đất canh tác. Thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, ngay sau đại hội xã viên, từ đầu năm 2016 đến nay, HTX đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận đáp ứng yêu cầu của thành viên HTX.
Đồng chí Trần Tất Tạo, Chủ tịch HĐQT HTX Mỹ Thành cho biết, thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012, sau khi kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, HTX đã có nhiều thay đổi tích cực. Hoạt động của HTX dần đi vào ổn định với nhiều dịch vụ mới, trong đó, 3 dịch thiết yếu: thủy nông, diệt chuột và bảo vệ đồng ruộng đảm bảo theo đúng kế hoạch, mùa vụ. Các dịch vụ thỏa thuận: cung ứng giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rác thải vệ sinh môi trường, bao tiêu sản phẩm... từng bước cân đối và có lãi. Dịch vụ bao tiêu sản phẩm nông sản của HTX đã góp phần tiêu thụ nông sản cho các thành viên. Để thực hiện dịch vụ này, đến kỳ thu hoạch, HTX đứng ra bao tiêu toàn bộ lúa cho bà con nông dân với giá thỏa thuận, đảm bảo cao hơn giá thị trường 5-10%. Như vụ mùa 2018 vừa qua, HTX đã thu mua thóc theo giá đã ký kết trong đó, giống BC15 giá 5.600 đồng/kg, Dự hương 5.800-6.000 đồng/kg; Bắc thơm số 7 giá 6.600-6.800 đồng/kg. Trường hợp giá lúa thời điểm thu hoạch tăng mạnh, HTX vẫn mua theo giá thị trường, nếu lúa tụt giảm dưới giá sàn, HTX vẫn đảm bảo mua theo giá đã cam kết. Để tiêu thụ nông sản, HTX ký kết hợp đồng cung ứng thóc với một doanh nghiệp tại xã Hợp Hưng (Vụ Bản), bình quân mỗi vụ, HTX đã thu mua trên 300 tấn thóc, riêng vụ mùa 2018, HTX đã thu mua và cung ứng trên 340 tấn. Anh Hoàng Văn Bắc, thành viên của HTX chia sẻ: "Trước đây, nếu như nông dân phải tự tìm đầu ra cho hạt thóc từ khâu sản xuất và tiêu thụ, đến nay đã được HTX Mỹ Thành bao tiêu đầu ra, giá cả ổn định, nông dân cũng thấy yên tâm hơn". Đặc biệt, vụ mùa năm 2018, nhằm mở rộng hoạt động dịch vụ, HTX đã đầu tư trên 400 triệu đồng để lắp đặt máy sấy thóc. Nguồn vốn này do các thành viên HĐQT HTX góp cổ phần đầu tư. Máy sấy thóc có công nghệ dùng than đá, củi, trấu để cấp nhiệt cho lò sấy. Lò có công suất trung bình 10 tấn, tối đa 15 tấn/mẻ, bình quân một mẻ sấy thời gian từ 10-12 giờ. Đây là HTX đầu tiên trên địa bàn huyện Mỹ Lộc đã mạnh dạn đầu tư máy sấy thóc mang lại hiệu quả thiết thực. "Với hướng đầu tư này, HTX đã giải quyết được nhiều khâu quan trọng cho bà con nông dân. Đặc biệt là hạn chế được tình trạng phơi thóc lấn chiếm lòng, lề đường. Hơn nữa, khi thóc được đưa qua lò sấy, chất lượng gạo sau xay xát đạt yêu cầu về kỹ thuật, hạt gạo tròn, mẩy, bóng và giữ nguyên mùi hương; nhất là khi gặp thời tiết mưa gió, người nông dân không lo thóc bị ẩm, mốc do không có nắng để phơi thóc", đồng chí Chủ tịch HĐQT HTX chia sẻ thêm.
Trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bảo vệ môi trường, từ tháng 3-2016, HTX Mỹ Thành đã ký hợp đồng với UBND xã để thu gom trên địa bàn 13 xóm. Bình quân mỗi tháng, HTX thu gom 25-30 tấn rác thải; phí thu 7.000 đồng/khẩu theo quy định. Để tổ chức dịch vụ, HTX đã thành lập tổ thu gom rác thải gồm có 4 người với 2 xe thu gom đồng thời ký hợp đồng xử lý rác thải đối với Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định; bình quân 2-3 lần/tháng, HTX thuê xe vận chuyển rác ở bãi tập kết ra khu vực nhà máy xử lý rác thải của Cty. Với việc tổ chức dịch vụ thu gom, xử lý rác thải này, HTX đã góp phần giúp địa phương trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, hoàn thành tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ diệt chuột của HTX cũng góp phần quan trọng trong việc giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng. Thực hiện dịch vụ này, HTX ký hợp đồng với Cty CP Dịch vụ đầu tư nông nghiệp Xanh để đánh mối bả, đảm bảo vệ sinh môi trường và diệt chuột hiệu quả tốt. Chị Nguyễn Thị Hoa, nông dân thôn Đồng Phấn, xã Mỹ Thành cho biết, nạn chuột phá hoại mùa màng luôn là bài toán nan giải đối với bà con nông dân, nếu không có các biện pháp xử lý tích cực, kịp thời có thể bị mất trắng hoặc gây thiệt hại hàng trăm héc-ta lúa mỗi năm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Đã có năm, diện tích bị chuột cắn phá thiệt hại đến 40% diện tích gieo cấy. Trước thực tế đó, những năm qua, HTX Mỹ Thành đã tổ chức dịch vụ diệt chuột bằng phương pháp đánh bả sinh học. Nhờ vậy, diện tích lúa của bà con đã hạn chế được chuột cắn phá. Với giá thành dịch vụ 35 nghìn đồng/sào/vụ, hiệu quả của dịch vụ diệt chuột đã đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, năng suất lúa cũng đảm bảo hơn.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tổ chức các dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận, HTX đang tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả, xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với chương trình mục tiêu xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp. Đồng thời phát triển mô hình HTX nông nghiệp vừa sản xuất tập trung vừa làm dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất hộ thành viên, nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm./.
Hoàng Tuấn