Với 32km bờ biển, huyện Hải Hậu có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020", đến nay huyện Hải Hậu đã phát triển được diện tích nuôi trồng thủy sản rộng 2.321ha (gồm 1.865ha nuôi nước ngọt và 456ha nước mặn lợ). Tổng sản lượng thủy sản năm 2017 của huyện đạt gần 13 nghìn tấn. Các diện tích nuôi đa số tập trung thành các vùng lớn như: vùng ven đê xã Hải Nam có diện tích 39ha; xã Hải Phúc có 32ha; xóm Hợp Thành, xã Hải Đông trên 30ha; xóm Tang Điền, xã Hải Chính trên 40ha; xóm Tây Bình, xã Hải Triều 15ha; xóm Hưng Thịnh, xã Hải Hòa 12ha...
Nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ ông Nguyễn Văn Hạo, xã Hải Đông. |
Đồng chí Nguyễn Minh Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Hải Đông cho biết: Nghề nuôi thủy sản của xã Hải Đông manh nha từ khoảng năm 2003 với một vài hộ tận dụng diện tích vùng trũng không sản xuất nông nghiệp được ở xóm Hợp Thành (sát đê biển) nuôi quảng canh cua biển, tôm sú. Sau một vài vụ đầu người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao; địa phương nhìn thấy một hướng phát triển kinh tế mới ngoài sản xuất nông nghiệp. Vì thế xã từng bước khuyến khích phát triển; đến khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 và đặc biệt là xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xã đã quy hoạch gọn diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xóm Đông Biên, Hợp Thành để phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Xã tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi. Nhờ đó, từ chỗ chỉ nuôi quảng canh, nhỏ lẻ, bán công nghiệp, đến nay, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng của xã Hải Đông đã được các hộ nuôi đầu tư quy mô, bài bản nên năng suất thường đạt 11 tấn/ha/năm; tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng mỗi năm của xã đạt trên 400 tấn. Nhờ phát triển nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ trong xã như các ông: Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Hạo, Lê Văn Côi, Nguyễn Văn Lân, Lê Văn Đông... đã có khoản thu nhập từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Tại xã Hải Nam, năm 2018 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đã đạt 62,88ha; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ là 50,95ha, cá nước ngọt truyền thống là 11,93ha.
Để các vùng nuôi thủy sản tập trung phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp với các phòng chuyên môn, căn cứ vào các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, quy hoạch, chuyển đổi các diện tích đất trũng, sản xuất nông nghiệp khó khăn, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Phòng NN và PTNT đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt nguồn giống, thức ăn, hoá chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong công tác nuôi thủy sản. Vận động các hộ trong vùng nuôi thành lập HTX, tổ hợp tác, dịch vụ để hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi. Hệ thống hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt tại các vùng nuôi tôm công nghiệp, đang được quan tâm, từng bước được cải tạo và nâng cấp. Nhờ đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh thủy sản tiếp tục duy trì, phát triển về quy mô và diện tích, đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác tập huấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hộ nuôi thủy sản được tăng cường nhằm trang bị, cập nhật kiến thức giúp người nuôi chủ động trong sản xuất, đảm bảo hiệu quả, hạn chế rủi ro. Người nuôi thủy sản nước ngọt đã từng bước chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi quảng canh cải tiến, kết hợp cho ăn bổ sung thức ăn công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 110ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt kết hợp giữa nuôi tôm thẻ chân trắng với cá diêu hồng cho hiệu quả kinh tế cao. Một đối tượng nuôi nước ngọt khác cũng cho hiệu quả kinh tế cao là cá lóc bông với tổng diện tích khoảng 15ha được nuôi tập trung ở 2 vùng chính là xóm Xuân Phong (Hải Hòa) và khu 7 (Thị trấn Thịnh Long). Với thời gian nuôi trong 6 tháng, cá lóc bông đạt trọng lượng 1 kg/con, mỗi ha đạt năng suất 30 tấn, với giá bán từ 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha cá cho thu nhập từ 350-400 triệu đồng/năm. Tại xã Hải Ninh, mô hình nuôi ếch Thái Lan đang được phát triển và nhân rộng với khoảng 30 hộ nuôi, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục tấn ếch thịt. Năm 2017 diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 540ha, tăng 77ha so với năm trước với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao là: tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng, cá lóc bông. Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện, diện tích nuôi thủy sản theo phương thức thâm canh cho thu nhập thực tế bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha/năm (gấp từ 4-6 lần so với nuôi quảng canh); nuôi bán thâm canh cho thu nhập từ 200-230 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng nếu trôi chảy có thể cho thu nhập đến 800-900 triệu đồng/ha/năm.
Phát huy hiệu quả các vùng nuôi tập trung, thời gian tới huyện Hải Hậu tiếp tục chủ trương quản lý phát triển nuôi thuỷ sản bền vững theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung gồm: xây dựng đồng bộ các công trình thuỷ lợi, công trình điện, đường giao thông đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi diện tích đất làm muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành diện tích chuyển đổi từ đất làm muối. Tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất theo chuỗi trong nuôi trồng thuỷ sản. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống trong huyện đẩy mạnh sản xuất các con giống truyền thống, kết hợp giống nuôi mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với môi trường, điều kiện tự nhiên của huyện; quản lý chặt các nguồn giống thuỷ sản nhập về đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ và được kiểm dịch, những đối tượng giống mới phải được nuôi khảo nghiệm trước khi nhân ra diện rộng. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch bệnh, khi có dịch bệnh phát sinh phải kịp thời khoanh vùng dập tắt, không để dịch bệnh lây lan, hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường, sử dụng thuốc phòng, chữa bệnh của các hãng sản xuất có uy tín đúng hướng dẫn đảm bảo không để lại dư lượng hoá chất độc hại trong sản phẩm nuôi trồng./.
Bài và ảnh: Thành Trung