Chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi

07:11, 07/11/2018

Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 730 nghìn con lợn, 7,2 triệu con gia cầm và 38 nghìn con trâu, bò. Từ đầu năm đến nay, do chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa nên tình hình dịch bệnh động vật ở các địa phương được kiểm soát tốt; sức khỏe đàn vật nuôi ổn định. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đang giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút phát triển, làm gia tăng nguy cơ gây bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại chợ Bể, xã Giao Nhân (Giao Thủy).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại chợ Bể, xã Giao Nhân (Giao Thủy). 

Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm chuyển mùa, ngành Thú y tỉnh đã tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Trong công tác giám sát dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân công cán bộ tăng cường cho Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố cùng cán bộ của trạm bám sát cơ sở nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên các đối tượng nuôi; xác minh, báo cáo kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Thực hiện Dự án giám sát cúm gia cầm do FAO hỗ trợ, Chi cục đã phối hợp với các địa phương lấy 240 mẫu dịch hầu họng gia cầm, 64 mẫu môi trường dưới lồng nhốt gia cầm tại chợ; kết quả xét nghiệm không phát hiện vi-rút cúm gia cầm. Lấy 17 mẫu bệnh phẩm tại các cơ sở giết mổ lợn để xét nghiệm nhanh bệnh tai xanh, kết quả các mẫu đều âm tính. Hiện các dịch bệnh động vật nguy hiểm ở địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo an toàn. Các dịch bệnh thông thường được báo cáo, xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Riêng dịch cúm gia cầm xuất hiện 3 ổ dịch nhỏ lẻ ở Ý Yên: tháng 8-2018 phát sinh dịch tại 2 hộ chăn nuôi của xã Yên Khánh (tiêu hủy 1.088 con gia cầm) và tháng 10-2018 phát sinh dịch tại 1 hộ chăn nuôi của xã Yên Dương (tiêu hủy 700 con vịt). Các ổ dịch đều được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Trong Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2018 từ ngày 20-8 đến 20-9, các huyện đã cấp 2.120 lít hóa chất sát trùng xuống cơ sở. Các xã, hộ chăn nuôi đã chủ động mua 843 lít thuốc sát trùng và hơn 44 tấn vôi thực hiện tiêu độc, khử trùng, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. 

Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát sinh tại huyện Ý Yên cộng với nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là dịch cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường tuyên truyền để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển lợn, gia cầm và sản phẩm nhập lậu, nhất là từ Trung Quốc, vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ. Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, gia cầm tại địa phương, nếu phát hiện gia súc, gia cầm có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi hoặc nghi nhập lậu trái phép thì phải thông báo cho cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống, không để dịch lây lan. Các sở, ngành: Công thương, GTVT, Công an phối với ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và gia cầm bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2018 từ ngày 10-9 đến ngày 10-10 đảm bảo đúng kế hoạch tỉnh giao. Yêu cầu các hộ chăn nuôi gia cầm chủ động mua vắc-xin cúm để tiêm phòng theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Đến nay, các huyện, thành phố đã nhập 320 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn, gần 26 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng, 16 nghìn liều vắc-xin dại để tiêm phòng vụ thu năm 2018. Đến ngày 8-10-2018, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả cho 296.518 con lợn, đạt 82,4% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho 24.416 con trâu, bò, dê, đạt 76,1% kế hoạch; tiêm vắc-xin dại cho 17.053 con chó, đạt 18% kế hoạch. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh và Thành phố Nam Định đã cơ bản tiêm xong cho đàn gia súc; huyện Vụ Bản và Ý Yên đã tiêm xong cho đàn lợn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 4.558 giấy kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; cụ thể đã kiểm dịch vận chuyển 127.034 con lợn, 2.061.029 con gia cầm giống, 929.866 con gia cầm thịt và hơn 4,3 nghìn sản phẩm động vật góp phần ngăn ngừa các dịch bệnh phát sinh, lây lan. Ngày 19-9-2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 714/UBND-VP3 về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trong đó yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện Tháng Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 3 từ ngày 20-9 đến ngày 20-10. Đến nay, tổng số thuốc sát trùng cấp cho các huyện, thành phố là 1.677 lít; cấp xuống xã, thị trấn 500 lít. Các hộ chăn nuôi và xã tự mua 830 lít thuốc sát trùng và 31,9 tấn vôi bột, làm 30 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền và tổ chức 39 đội phun tập trung để phun thuốc sát trùng tại các khu vực công cộng... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao cho Sở NN và PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch hành động ứng phó ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, tổ chức triển khai các nội dung của kế hoạch. Yêu cầu các địa phương và các sở, ngành liên quan tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của chính quyền cơ sở và người sản xuất, kinh doanh động vật.

Hiện nay, cùng với thực hiện tốt công tác thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; gia cố chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng, chắc chắn, chống dột, chống mưa tạt, gió lùa. Rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần; tăng cường chăm sóc đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com