Chăn nuôi an toàn dịch bệnh - cơ hội xuất khẩu sản phẩm thịt lợn

07:11, 06/11/2018

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng liên tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2010-2017 tăng 4,7%/năm. Năm 2017 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 150 nghìn tấn. Với nhu cầu sử dụng thịt lợn của tỉnh khoảng 80 nghìn tấn/năm nên lượng dư thừa khoảng 70 nghìn tấn/năm chủ yếu tiêu thụ ở những thị trường không ổn định như: xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, hoặc tiêu thụ nội địa ở các thành phố lớn như: Hải Phòng, Hà Nội… Trước thực trạng thị trường diễn biến phức tạp, bất ổn, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị nhằm giảm bớt chi phí trung gian, xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) hướng tới thị trường xuất khẩu.

Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh được đầu tư xây dựng tại xã Nam Cường (Nam Trực) nhằm phục vụ lợn giống cho 20 HTX trong tỉnh.
Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh được đầu tư xây dựng tại xã Nam Cường (Nam Trực) nhằm phục vụ lợn giống cho 20 HTX trong tỉnh.

Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có nội dung hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng cơ sở ATDB đồng bộ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Về công tác giống, tỉnh đang thực hiện Đề án “Xây dựng, phát triển ngành sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phấn đấu đưa Nam Định trở thành trung tâm giống của vùng đồng bằng sông Hồng”. Hiện tỉnh đã đầu tư trên 70 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tại xã Nam Cường (Nam Trực) nuôi giống lợn ông bà để sản xuất giống bố mẹ và đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng trại thực nghiệm công nghệ cao giống gia súc, gia cầm đặc sản tại xã Hải Sơn (Hải Hậu); tạo điều kiện về đất đai để các doanh nghiệp xây dựng trại lợn giống bố mẹ sản xuất giống thương phẩm như doanh nghiệp Phúc Hải nuôi 1.200 con nái đảm bảo cung cấp đủ con giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh, nhất là cho vùng, cơ sở ATDB. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 100% vắc-xin dịch tả lợn để tiêm phòng cho đàn lợn; 100% vắc-xin lở mồm long móng tuýp O tiêm phòng cho đàn trâu, bò, dê trong 2 đợt tiêm chính vụ trong năm và tiêm bổ sung hằng tháng cho những gia súc mới phát sinh với tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm (ATTP); nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, chất cấm đối với ngành chăn nuôi và sức khỏe con người. Nhân rộng các điển hình về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo ATDB, ATTP gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi; hướng dẫn áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm… Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và cấp chứng nhận cơ sở ATDB cho 13 cơ sở. Trang trại chăn nuôi của ông Mai Ngọc Tú, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) vừa được công nhận là cơ sở ATDB vào ngày 20-9-2018 vừa qua. Ông Tú cho biết: Hiện trang trại của ông nuôi 1.200 con lợn nái để sản xuất và cung ứng con giống cho các hộ chăn nuôi quanh vùng. Trang trại có biện pháp hạn chế người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; có hố sát trùng trước cổng vào khu chăn nuôi; có biện pháp xử lý chất thải, nước thải đảm bảo vệ sinh; có khu nuôi nhốt, cách ly động vật mới mua về, động vật ốm để điều trị; thực hiện vệ sinh khử trùng chuồng trại định kỳ trong suốt quá trình nuôi nên không để xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn. Cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Lương, xã Hải Giang (Hải Hậu) nuôi 50 con lợn nái và 250 con lợn thịt. Ông Lương cho biết: Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, ông từng bước chuyển đổi sang chăn nuôi theo quy mô trang trại phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của địa phương. Trang trại của ông thường thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, chấp hành các quy định của cơ sở ATDB. Đặc biệt tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn lợn theo quy định như: vắc-xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, vắc-xin tai xanh… Chủ động tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Thực hiện tốt chăm sóc, nuôi dưỡng lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển với mật độ nuôi phù hợp cho từng lứa tuổi lợn. Từ tháng 11-2017, trang trại của ông Lương đã được công nhận là cơ sở ATDB. Cũng trong những năm qua, tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Qua đó tạo điều kiện để phát triển 2 dòng sản phẩm chính từ chăn nuôi lợn là: lợn thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và lợn sữa, các sản phẩm chế biến từ lợn sữa. Điển hình là đã hỗ trợ Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông đầu tư dự án xây dựng “Nhà máy chế biến thực phẩm sạch - khu chăn nuôi xanh” tại xã Hải Nam (Hải Hậu) với công suất 250-300 con lợn/giờ. Từ đó hình thành chuỗi liên kết xuất khẩu lợn thịt giữa các trang trại chăn nuôi lợn của tỉnh với Cty Biển Đông, hiện đang tiến hành các bước để thành lập HTX chăn nuôi lợn xuất khẩu Nam Định. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có chuỗi liên kết Minh Long và Nam Phát sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước đã đi vào hoạt động, đang từng bước hoàn thiện chuỗi liên kết khép kín; chuỗi liên kết xuất khẩu lợn sữa giữa các hộ chăn nuôi lợn nái Móng Cái với Cty TNHH Công Danh…

Theo mục tiêu kế hoạch đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 50 trang trại chăn nuôi lợn được công nhận là cơ sở ATDB và 83 xã, thị trấn phía tả sông Ninh Cơ (gồm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh) được Bộ NN và PTNT công nhận là vùng ATDB để hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu. Để hoàn thành kế hoạch trên, về giải pháp tổ chức sản xuất chăn nuôi, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, tổ chức quản lý và thực hiện đúng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương gắn với nhu cầu của thị trường và chuỗi liên kết. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô trang trại tập trung công nghiệp, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao tại các vùng quy hoạch gắn với nhu cầu thị trường. Tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh theo mô hình liên kết chuỗi, lấy doanh nghiệp là trung tâm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất lợn giống đảm bảo cung cấp đủ con giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, thảo dược nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, ATTP và bảo vệ môi trường. Về giải pháp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần khuyến khích các mô hình sản xuất theo chuỗi áp dụng hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận nông sản đảm bảo ATTP, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP để xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc. Tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và tổ chức chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm… Về công tác thú y, ngành Chăn nuôi và Thú y cần thực hiện tốt các vấn đề về kiểm dịch; kiểm soát giết mổ; an toàn sinh học và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tiêm phòng vắc-xin; giám sát lâm sàng. Ngoài ra, các ngành liên quan và các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng kinh doanh vật tư chăn nuôi thú y, con giống không đúng quy định. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về ATTP, tiêm phòng, kiểm dịch, giết mổ động vật, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất, chất cấm trong chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com