Sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo nhưng đất canh tác của xã Trực Thanh (Trực Ninh) không nhiều, bình quân ruộng đất chỉ 1,5 sào/người. Do vậy, thời gian nông nhàn nông dân lại phải tranh thủ đi các nơi làm đủ ngành nghề để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vì thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết để giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã NTM Trực Thanh bền vững và phát triển.
Sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen tại Cty CP VLXD Minh Trang, xã Trực Thanh (Trực Ninh). |
Để phát huy tối đa tiềm năng đất đai và lao động, xã đã đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, cơ giới hóa làm đất, thu hoạch; vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất các cây, con có giá trị hàng hóa, tiêu thụ tốt. Xã chỉ đạo Ban Nông nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật về quy trình gieo cấy, theo dõi, phòng trừ kịp thời các loại sâu, bệnh hại lúa. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân nhiều năm của xã đạt 125-130 tạ/ha (năng suất lúa xuân năm 2018 đạt 71,5 tạ/ha, dự kiến cả năm 2018 đạt năng suất 126 tạ/ha). Ngoài trồng trọt, xã đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có diện tích cấy lúa, trồng màu năng suất thấp, kém hiệu quả chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi thủy sản theo mô hình VAC. Các hộ tham gia mô hình chuyển đổi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho con nuôi. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 10 gia trại tổng hợp; trong đó có một số gia trại của các ông: Nguyễn Phi Khanh, xóm 12; Nguyễn Văn Quy, xóm 13; Vũ Văn Minh, xóm 4 thường cho thu nhập thực tế từ 100-150 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm vất vả đến nay, 1.000m2 ruộng trồng lúa kém hiệu quả và vườn tạp chuyển đổi thành 2 sào ao thả các loại cá truyền thống, trên bờ bố trí hệ thống chuồng trại hợp lý để nuôi 10-15 lợn nái; 80-100 lợn thịt... ở gia trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Phi Khanh, xóm 12 đã đạt thành quả tốt, mỗi năm đạt doanh thu từ 300-400 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực, đến năm 2018 bình quân thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác của xã ước đạt 110 triệu đồng/ha/năm. Song song với đổi mới sản xuất nông nghiệp, để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, UBND xã đã xây dựng đề án phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề, cơ chế hỗ trợ về đất đai; tạo điều kiện cho các hộ dân, các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, đưa nghề mới về địa phương. Hằng năm xã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Nam Định tổ chức từ 3-5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các nghề: cơ khí, mây tre đan, mộc, điện dân dụng… thu hút hàng trăm lượt học viên tham gia. Nhờ đó, ngoài nghề đan cót, trên địa bàn xã đã phát triển thêm các nghề: sản xuất đồ mộc gia dụng, cơ khí, xây dựng dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, chẻ tăm hương, làm hương xuất khẩu, may công nghiệp… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1.500 lao động phi nông nghiệp và hàng trăm lao động thời vụ lúc nông nhàn. Nghề đan cót truyền thống tại các thôn: Ngọc Đông, Duyên Lãng vẫn được duy trì, tạo việc làm và thu nhập thêm cho gần 300 lao động với mức thu nhập từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Cơ sở sản xuất tăm hương của anh Phạm Văn Oánh ở xóm 12 có tổng giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng; toàn bộ các khâu: sơ chế nguyên liệu, vót tăm, cắt, đánh bóng sản phẩm… đều được thực hiện bằng các loại máy chuyên dụng, tạo việc làm cho 15 lao động trực tiếp có thu nhập từ 120 nghìn đồng/người/ngày và hàng chục lao động nhận gia công tại nhà với mức thu nhập từ 70-80 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn xã Trực Thanh còn có 10 cơ sở sản xuất cơ khí, 4 xưởng sản xuất mộc dân dụng, mỗi cơ sở đã tạo việc làm cho từ 3-5 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Trên vùng bãi sông Ninh Cơ của xã, Cty CP Sản xuất VLXD Minh Trang đã đầu tư trên 54 tỷ đồng xây dựng 1 dây chuyền sản xuất VLXD theo công nghệ lò tuy-nen, công suất thiết kế 12 triệu viên/năm trên tổng diện tích 3ha, tạo việc làm cho trên 100 lao động chủ yếu là người địa phương. Ngoài ra, xã hiện có gần chục đội thợ xây dựng, mỗi đội có từ 7-10 lao động ổn định, thợ chính có thu nhập từ 200 nghìn đồng/người/ngày công, thợ phụ cũng đạt mức thu nhập từ 130-150 nghìn đồng/người/ngày công. Nhờ sự năng động, nhạy bén của người dân kết hợp các chính sách khuyến khích kịp thời của địa phương nên ngoài sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề phi nông nghiệp trên địa bàn xã Trực Thanh đã phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ lao động nhàn rỗi, không có việc làm giảm. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành xây dựng - công nghiệp - dịch vụ. Ngoài lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất CN-TTCN, xã còn có gần 800 lao động trong độ tuổi đang làm công nhân tại các doanh nghiệp ở CCN Cổ Lễ và các xã lân cận.
Nhờ phát triển đa dạng ngành nghề, đến năm 2018, cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng các ngành xây dựng - công nghiệp - dịch vụ đã chiếm trên 55% cơ cấu kinh tế toàn xã; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực với trên 60% số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018, xã phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 12% trở lên, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm trên từ 55-60% cơ cấu kinh tế./.
Bài và ảnh: Thành Trung