Tiến độ tiêm phòng vụ thu cho gia súc, gia cầm còn chậm

08:10, 03/10/2018

Công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo với phương châm là một trong những biện pháp chủ lực, quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Theo kế hoạch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong vụ thu 2018 được triển khai từ ngày 10-9 đến ngày 10-10. Tuy nhiên đến nay tiến độ tiêm phòng của các địa phương trong tỉnh còn chậm so với kế hoạch chỉ đạo.

Tiêm phòng vắc-xin cho lợn tại xã Giao Nhân (Giao Thủy).
Tiêm phòng vắc-xin cho lợn tại xã Giao Nhân (Giao Thủy).

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến ngày 1-10-2018, đã có 211 xã, phường, thị trấn triển khai tiêm phòng vắc-xin vụ thu cho đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho lợn được 273.775 con, đạt 76% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê được 20.535, đạt 64,2% kế hoạch; tiêm vắc-xin dại cho đàn chó được 14.168 con. Các huyện Hải Hậu, Trực Ninh cơ bản tiêm xong. Các huyện có tiến độ tiêm chậm là: Nam Trực, Vụ Bản, Nghĩa Hưng. Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mặc dù nửa tháng qua thời tiết rất thuận lợi cho công tác tiêm phòng nhưng đến nay, tiến độ tiêm chung của toàn tỉnh vẫn chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân do giá thịt lợn xuống thấp trong khoảng hơn 1 năm đã khiến nhiều hộ chăn nuôi không mặn mà chăm sóc lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương, đặc biệt là cấp xã, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác tiêm phòng nói riêng, chăn nuôi thú y nói chung. Nhiều địa phương thậm chí còn phó mặc cho hệ thống thú y xã. Nhiều xã chỉ có 1 Trưởng thú y, không có thú y viên nên triển khai công tác tiêm phòng còn gặp nhiều khó khăn. Với tỷ lệ tiêm đến nay mới chỉ đạt 14,9% thì công tác tiêm phòng dại cho đàn chó trong vụ thu 2018 sẽ đạt kết quả thấp, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hầu hết chính quyền địa phương mới chỉ kêu gọi chứ chưa có chế tài xử lý các hộ chống đối tiêm phòng, cũng như các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm khi tham gia chăn nuôi. Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chủ động nhập 375 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; gần 23 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng gia súc; 17 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh dại chó, mèo và cung ứng cho các địa phương nhằm triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi trong vụ thu 2018. Bên cạnh đó, Chi cục tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng về quy trình sử dụng vắc-xin bao gồm các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm. Tổ chức tiêm điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng phải tiêm phòng bắt buộc và chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai tiêm phòng nhằm đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Vận động người chăn nuôi chủ động mua những loại vắc-xin cần thiết nhưng không trong diện hỗ trợ để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm theo quy định. Các xã, thị trấn giao trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi; báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng của xã và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra. Theo kế hoạch tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2018 của huyện Giao Thuỷ, toàn huyện sẽ tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho 30 nghìn con lợn trong đợt chính vụ và tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho 3.500 con trâu, bò, dê; tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho 11 nghìn con chó, mèo. Để thực hiện được mục tiêu này, từ ngày 7-9, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện đã tiến hành cấp phát vắc-xin cho đội ngũ thú y các xã, thị trấn. Đồng thời giao cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức tiêm phòng nhanh gọn, đúng thời gian, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn vật nuôi được thuận lợi. Đồng chí Phan Văn Khoa, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết, đến nay huyện đã tiêm vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn đạt 60% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê được 85,7%; tiêm vắc-xin dại cho đàn chó được 13,6%. Toàn huyện phấn đấu tiêm chính vụ trong 10 ngày tới và tập trung tiêm bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới nhập. Cùng với triển khai kế hoạch tiêm phòng, huyện Giao Thủy giao cho các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại huyện Hải Hậu, công tác tuyên truyền về tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu 2018 được phổ biến sâu rộng đến tận hộ chăn nuôi và có văn bản chỉ đạo đôn đốc kịp thời. Đến nay, huyện đã tiêm cho trên 50 nghìn con lợn, đạt trên 89,1% kế hoạch; tiêm cho đàn trâu, bò đạt 89,5% và đàn chó đạt gần 42,7%. Các xã tổ chức tiêm phòng tốt, nhanh gọn là: Hải Thanh, Hải Đông, Hải Long, Hải Sơn… Kết thúc đợt tiêm chính vụ, các xã, thị trấn trong huyện sẽ tập hợp kết quả gia súc, gia cầm đã được tiêm phòng, rà soát những gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng và những gia súc, gia cầm mới nhập về để tổ chức tiêm bổ sung. 

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, đảm bảo chất lượng và số lượng trong đợt tiêm phòng vụ thu theo đúng kế hoạch. Kết thúc đợt tiêm phòng chính vụ, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho những con gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng trong đợt chính vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra. Ngoài các loại vắc-xin được tỉnh hỗ trợ, các trang trại, gia trại cần chủ động mua vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn tiêm cho đàn lợn; Niu-cát-sơn, tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, Gumboro, đậu gà... tiêm cho đàn gia cầm. Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh ta, các ngành chức năng và các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể nhân dân về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm và biện pháp phòng chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Song song với việc tiêm phòng vụ thu, các địa phương cần thực hiện tốt Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 3 năm 2018 từ ngày 20-9 đến 20-10 do tỉnh phát động./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com