Dưa lưới thuộc họ bầu bí (tên khoa học là Cucumis melo L), là một trong những loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Thấy loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt nên một số nông dân trong tỉnh đã trồng thử nghiệm nhưng đều chưa thành công. Nguyên nhân do đây là loại cây trồng có nguồn gốc từ châu Phi và Ấn Độ, có đặc tính ưa nhiệt và yêu cầu kỹ thuật canh tác cao. Nắm bắt nhu cầu của người dân, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (Sở KH và CN) đã tổ chức trồng thử nghiệm giống dưa lưới nhằm tổng hợp hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện của địa phương để chuyển giao, phổ biến cho người sản xuất.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (Sở KH và CN) và Cty KimLong Farms kiểm tra quá trình phát triển cây dưa lưới giống Thái Lan TL3. |
Theo kết quả phân tích thành phần dưỡng chất, quả dưa lưới có chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón. Đây còn là nguồn thực phẩm cung cấp tiền vitamin A (β-carotene), acid folic, kali và vitamin C là những chất hỗ trợ chống ôxy hóa, góp phần tăng cường hoạt động miễn dịch và hỗ trợ phòng ngừa nhiễm bệnh. Thời gian trung bình một vụ dưa lưới từ lúc trồng tới lúc thu hoạch là 65-75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng từ 3-4 vụ nếu điều chỉnh được nhiệt độ, tiểu khí hậu vùng trồng phù hợp. Mỗi vụ có thể đạt năng suất hơn 3 tấn quả/1.000m2. Hiện tại hầu hết sản phẩm dưa lưới tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ta đều được vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra nên giá bán cao và sản phẩm đến tay người dùng cũng bị ảnh hưởng chất lượng về độ tươi ngon. Do vậy dưa sản xuất tại chỗ đảm bảo chất lượng sẽ có lợi thế tiêu thụ hơn. Trong khi đó các điều kiện cơ sở vật chất để canh tác nông nghiệp công nghệ cao như nhà màng, điều khiển nhiệt độ vùng trồng và trồng bán thủy canh… phù hợp với trồng cây dưa lưới đã được một số doanh nghiệp, HTX, hộ dân trong tỉnh đầu tư từ trước để trồng các loại cây khác, có thể khai thác sử dụng trồng dưa. Qua tìm hiểu nguyên nhân không thành công của một số hộ tự phát trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh được xác định do đây là giống cây trồng mới du nhập vào Việt Nam được gần 2 năm nay nên nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của loại cây trồng này. Bên cạnh đó chất lượng giống dưa lưới nhập ở nước ngoài về không đảm bảo. Từ việc phân tích nguyên nhân chưa thành công của nông dân, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ đã phối hợp với Cty KimLong Farms (Bà Rịa - Vũng Tàu) xây dựng mô hình thí điểm trồng dưa lưới với 1.000 gốc giống dưa lưới Thái Lan TL3 trên diện tích 400m2 nhà màng ứng dụng công nghệ cao. Dưa được trồng trong hệ thống nhà màng vừa che mưa, che gió, ngăn côn trùng xâm nhập gây hại cây trồng và vừa điều khiển được nhiệt độ môi trường sinh trưởng, các chế độ kỹ thuật chăm bón cây được lập trình tự động. Cây được trồng trong các giá thể, không trực tiếp tiếp đất và cách ly riêng biệt từng gốc cây với nhau để quản lý chặt chẽ nguồn dinh dưỡng cũng như hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các cây. Phân bón cũng phải dùng đúng cách, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học để bón cho cây, tuyệt đối không dùng phân hóa học; các công đoạn bắt ngọn cho cây leo dàn, bấm ngọn; tỉa cành và ngắt bỏ quả non để tập trung dinh dưỡng cho quả trưởng thành phát triển… đều được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Toàn bộ quá trình canh tác dưa lưới đều do cán bộ kỹ thuật của Cty KimLong Farms hướng dẫn. Với điều kiện cơ sở hạ tầng đạt chuẩn, kỹ thuật đồng bộ và các cán bộ trực tiếp chăm bón vườn dưa có nhiều kinh nghiệm canh tác trong nhà màng nên vụ dưa đã thành công ngay lần đầu thử nghiệm. 100% cây ra hoa, đậu quả đúng thời gian kỹ thuật; trọng lượng quả đạt yêu cầu từ 1-1,5kg/quả; bề mặt nổi vân lưới bóng đẹp; các chỉ số về độ đường, thành phần dinh dưỡng đều đạt các chỉ tiêu. Tổng thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch cho phép trong khoảng 63-65 ngày. Toàn bộ số dưa thành phẩm đạt yêu cầu cung ứng ra thị trường. Theo tính toán, với giá bán dưa thành phẩm trên thị trường hiện nay từ 30-35 nghìn đồng/kg thì người nông dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Từ thành công của mô hình thí điểm trồng dưa lưới theo công nghệ cao, các cán bộ kỹ thuật của Cty KimLong Farms và Trung tâm đã đúc kết để hoàn thiện quy trình chăm bón, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật khắc phục những rủi ro do đặc điểm thời tiết miền Bắc nói chung và tỉnh ta nói riêng để đảm bảo cho thành công khi sản xuất đại trà. Ông Hoàng Mạnh Hùng, đại diện kỹ thuật Cty KimLong Farms cho biết: Cây dưa lưới trồng trong điều kiện điều chỉnh tiểu vùng khí hậu như ở tỉnh ta chỉ áp dụng được 2 vụ trong năm (so với 3-4 vụ ở các tỉnh phía Nam). Một số yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đối với cây dưa là phải đảm bảo duy trì nhiệt độ từ 28-30 độ C trở lên; đặc biệt vào thời điểm cây ra hoa và thụ phấn cần tránh tuyệt đối mưa, gió mạnh và nhiệt độ hạ thấp. Ngoài yếu tố nhiệt độ thì cây dưa lưới tuyệt đối không trồng được trong môi trường tự nhiên tại miền Bắc. Ngay sau vụ này, Cty tiếp tục phối hợp với Trung tâm mở rộng diện tích trồng thử nghiệm dưa lưới lên 1.200m2; đồng thời nghiên cứu hợp tác phát triển nhiều mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh theo cơ chế Cty hỗ trợ kỹ thuật, dinh dưỡng, các điều kiện phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Dưa lưới có nhiều tiềm năng trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao với bà con nông dân, nhất là những hộ đã đầu tư cơ sở hạ tầng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao có thể khai thác để đa dạng hóa cây trồng. Do đó Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới chuyển giao cho nông dân; đồng thời kết nối doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bảo đảm đầu ra chắc chắn ổn định cho người sản xuất. Đối với người dân để sản xuất dưa lưới thành công, cần chủ động về vốn để đầu tư công nghệ cao, kỹ thuật, nhân công và phải sản xuất theo hợp đồng với các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Người dân có ý định trồng dưa lưới thì liên hệ với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương