Những năm gần đây, những yếu tố từng là lợi thế như thủ phủ ngành dệt may của toàn quốc không còn sức nặng đáng kể so với những điểm bất thuận trong tương quan với các tỉnh ở khu vực. Để xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hầu hết phải thông qua cảng biển, riêng xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao chủ yếu phải sử dụng cảng hàng không nhưng tỉnh ta không có cảng hàng không và cảng biển công suất lớn. Đường bộ nội tỉnh đã tương đối phát triển nhưng hệ thống quốc lộ kết nối với các trục giao thông huyết mạch chưa thuận lợi, phải dịch chuyển thêm trên dưới 100km mới đến cảng biển Hải Phòng hay cảng hàng không ở Hà Nội. Tỉnh có hệ thống đường sắt Bắc Nam đi qua, hiện đã được nằm trong hướng tuyến đường sắt cao tốc theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhưng tiến trình đầu tư, hoàn tất còn lâu dài. Giao thông đường thủy nội địa tuy đã có cảng biển Hải Thịnh nhưng quy mô, công suất hoạt động, lưu lượng hàng hóa qua cảng chưa nhiều. Về thổ nhưỡng của tỉnh là đất đồng bằng, nền đất yếu đòi hỏi chi phí giải phóng mặt bằng, xử lý nền móng cao khi đầu tư xây dựng nhà xưởng, chi phối đến sự lựa chọn, quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phân cấp địa giới hành chính, tỉnh ta có 4/9 huyện được Chính phủ phê duyệt nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư sản xuất, gồm: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Đặc biệt với tinh thần thẳng thắn, tỉnh đã rất nghiêm túc và quyết liệt trong chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành phân tích kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI thực hiện để nhận biết những điểm yếu kém của tỉnh, nhất là trong việc hỗ trợ thu hút doanh nghiệp từ đó có giải pháp thiết thực để khắc phục. Trong đó, có nhiều vấn đề “nổi cộm” mà doanh nghiệp nêu lên trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh đáng chú ý như chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, vẫn còn tình trạng cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng thường gây “khó dễ” cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí không chính thức. Đáng bàn nữa là tình trạng vướng mắc về quy hoạch gây trở ngại cho việc thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn như FLC, Vingroup với những dự án được kỳ vọng có thể tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ những nhận định kể trên cho thấy việc tăng cường tính chủ động hỗ trợ doanh nghiệp khi thu hút đầu tư là yêu cầu cấp bách.
Cán bộ các sở, ngành, địa phương tỉnh ta tham quan sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Vĩnh Phúc. |
Hiện tại hạ tầng giao thông của tỉnh đã và đang được đầu tư tích cực theo hướng nâng cao khả năng kết nối liên vùng với các tuyến tỉnh lộ 488 đoạn từ Quốc lộ 21 đến Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489C, tỉnh lộ 490B (đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), cầu Thịnh Long trên tuyến đường bộ ven biển... Tiếp tục tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; cải tạo nâng cấp các tuyến tỉnh lộ 485B, 487B, 488B... Nỗ lực đề nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, giảm tải cho Quốc lộ 10, Quốc lộ 1, sân bay Nội Bài; sớm cho tỉnh được sử dụng nguồn vốn dư của dự án cầu Thịnh Long để đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cường, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng phía nam tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn ODA để xây dựng cầu Đống Cao trên Quốc lộ 37B, xây dựng cầu Bến Mới trên Quốc lộ 38B… Để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư hạ tầng các khu đô thị thị trấn các huyện, ngoài nguồn kinh phí nội tỉnh, hiện tỉnh đang trình Chính phủ cho áp dụng phương án vay vốn Trung ương hoặc vay vốn nước ngoài để ưu tiên đầu tư một số đô thị trọng điểm. Các dự án KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận; các CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy), CCN Yên Dương (Ý Yên), mở rộng CCN Xuân Tiến (Xuân Trường), CCN Đồng Côi (Nam Trực)… đang được chỉ đạo triển khai. Tích cực phối hợp cùng nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục xây dựng Nhà máy nhiệt điện tại Hải Hậu; trong đó sớm hoàn tất các hợp đồng thành phần để trình Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập doanh nghiệp BOT. Về vấn đề cán bộ, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước, gồm chất lượng cán bộ, chất lượng tham mưu chất lượng giải đáp công việc. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành 3 bộ thủ tục hành chính về đất đai áp dụng cho 3 cấp tỉnh, huyện, xã; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cấp, điều chỉnh quyết định chỉ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài KCN; ban hành chỉ thị về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính các cấp của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.752 thủ tục hành chính công được cung cấp trực tuyến; trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2 và trên 300 thủ tục đạt mức độ 3. Sở KH và ĐT, Ban quản lý các KCN thực hiện hệ thống “một cửa” của Bộ KH và ĐT trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tỉnh chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế; thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đã giảm từ 1/4 đến 1/3 so với trước, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp... Công tác nâng cao chất lượng quy hoạch được chỉ đạo tăng cường để tăng sức thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong đó đã hoàn thiện quy hoạch phân khu chức năng của đô thị Rạng Đông, Phủ Dầy, quy hoạch 4 xã huyện Ý Yên lên đô thị, đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố Nam Định mở rộng.
Các dịch vụ hành chính ứng dụng công nghệ thông tin được thúc đẩy phát triển, tỉnh đã chỉ đạo phát huy hiệu quả đường dây nóng hỏi - đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; nâng cao chất lượng đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp để tiếp nhận và nhanh chóng xử lý các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhằm đảm bảo các chủ trương, chính sách của tỉnh được thực hiện tốt ở cấp sở, ngành và cấp huyện, xã. Định kỳ tổ chức gặp mặt đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn; lãnh đạo tỉnh tích cực đi thăm, động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xử lý triệt để tình trạng chồng chéo trong công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ chỉ thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu trục lợi doanh nghiệp. Triển khai thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, không phát sinh thêm thủ tục. Nâng cao chất lượng dịch vụ liên quan đến công nghệ, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tốt nhất và tạo thuận lợi cho mọi doanh nghiệp phát triển./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy