Theo thống kê của cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 800 cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); trong đó có gần 20 đơn vị chiết nạp gas và tổng đại lý của các doanh nghiệp lớn như: Phúc Thái, Trung Hiếu, Petrolimex, Shell, Total, Gia Định, Vạn Lộc... Các sản phẩm gas được cung cấp ra thị trường dưới dạng bình tiêu chuẩn 12-13-45kg, do doanh nghiệp chiết nạp tổ chức phân phối trực tiếp hoặc thông qua các chi nhánh, tổng đại lý, đại lý của nhà máy sản xuất với khối lượng tiêu thụ khoảng 1.000 tấn/tháng. Sự đa dạng về hình thức cung ứng, sản phẩm gas đã đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên việc phát triển quá nhanh các cửa hàng kinh doanh gas tạo sức ép cạnh tranh gay gắt dẫn đến người kinh doanh áp dụng mọi biện pháp cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm, làm phức tạp cho công tác quản lý. Cũng từ đó nảy sinh nhiều vi phạm pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh khiến thị trường gas đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn cho nhiều người tiêu dùng và cộng đồng xã hội. Đặc biệt, tình trạng kinh doanh gas không có giấy phép, không đủ điều kiện; sự chủ quan của nhiều chủ cửa hàng coi khí gas như những hàng hóa thông thường khác. Để chấn chỉnh tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2018, thay thế Nghị định 19-2016/NĐ-CP. Đây là cơ hội để chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh khí gas trên địa bàn.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát mặt hàng gas lưu thông trên địa bàn huyện Giao Thủy. |
Một thay đổi quan trọng của Nghị định 87/2018/NĐ-CP là chuyển thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán LPG chai từ Sở Công thương về cho UBND huyện thực hiện. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai cũng được giản lược, gồm: Giấy đề nghị (theo Mẫu số 05 của Nghị định 87/2018/NĐ-CP); bản sao hợp đồng bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực; tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy. Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa liên thông của UBND cấp huyện là 15 ngày làm việc (trường hợp cấp lại là 7 ngày làm việc), thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện là 10 năm kể từ ngày cấp mới. Nghị định đề cao vai trò của chính quyền cũng như các cơ quan chuyên môn ở địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động thương mại, an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn, đồng thời giải quyết được những khó khăn của các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh gas thời gian qua như: Tình trạng nhiều hộ kinh doanh chưa đủ các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Nhà nước do quy mô nhỏ lẻ (số lượng từ 3-5 bình); cửa hàng kinh doanh nằm ngay trong khuôn viên nhà ở, sâu trong địa bàn thôn, xóm và không mở cửa thường xuyên… gây khó khăn cho việc giám sát, kiểm tra, thẩm định khi cấp Giấy chứng nhận. Việc đăng ký kinh doanh tại UBND các huyện cũng tránh được những lãng phí về thời gian và chi phí đi lại đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh gas ở xa. Bên cạnh đó vấn đề khác tác động đến việc phân cấp việc cấp phép, quản lý kinh doanh gas cho cấp huyện là hiện nay lực lượng Cảnh sát PCCC đã thành lập các bộ phận đơn vị nghiệp vụ theo các vùng, sát hơn với cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt cùng ngành Công thương và các ngành chức năng thực hiện vai trò kiểm soát trong cấp phép, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống cháy nổ trong kinh doanh LPG (thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Để Nghị định nhanh chóng đi vào đời sống, Sở Công thương và các ngành chức năng đã hướng dẫn các địa phương tổ chức niêm yết công khai văn bản; giải thích, hướng dẫn cho tổ chức, công dân các quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG; Thực hiện việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các chuyên viên phụ trách việc thẩm định các điều kiện đảm bảo an toàn kinh doanh khí gas, tập huấn nghiệp vụ cho 100% nhân viên tham gia kinh doanh gas. Định kỳ 6 tháng, hằng năm các địa phương tổng hợp tình hình công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh LPG, báo cáo Sở Công thương, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan theo quy định. Phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với cơ sở bán lẻ LPG chai trên địa bàn; quản lý, thực hiện quy hoạch hệ thống cửa hàng chuyên kinh doanh khí gas đã được UBND tỉnh phê duyệt. Định kỳ, đột xuất thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền về việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở bán lẻ LPG chai trên địa bàn.
Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ngành chức năng thực hiện Nghị định 87 và các văn bản liên quan, hy vọng thị trường kinh doanh gas sẽ sớm khắc phục được những hạn chế, sai phạm đang tồn tại như: chiết nạp gas lậu, gas giả, gas kém chất lượng, chiếm giữ trái phép vỏ bình gas của nhau, “cắt tai, mài vỏ”, sơn sửa lại nhãn mác, thương hiệu cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại kinh tế và nguy cơ mất an toàn cháy nổ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương