Thời gian qua, việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) và thẩm định danh mục các dự án, công trình đưa vào kế hoạch SDĐ hằng năm của tỉnh đặc biệt là cấp huyện, còn nhiều bất cập; chất lượng quy hoạch, kế hoạch SDĐ chưa cao. Trong đó, những bất cập phổ biến là: nhu cầu SDĐ cho các ngành, lĩnh vực trong phương án quy hoạch, kế hoạch SDĐ không đáp ứng đầy đủ phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương. Việc xác định vị trí SDĐ của một số công trình, dự án chưa phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân là do các địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch SDĐ. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch SDĐ sau khi được xét duyệt chưa nghiêm và chưa có chế tài mạnh. Đặc biệt, việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các KCN, khu kinh tế, khu đô thị, CCN có diện tích lớn, dẫn đến tình trạng đất đai bị khoanh bao, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Đặc biệt, phải bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch SDĐ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu; phải tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch SDĐ với quy hoạch xây dựng, trong đó có phân tích không gian nhu cầu SDĐ và công khai, tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch. Nhờ đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ các cấp trong thời gian gần đây từng bước được cải thiện về chất lượng, đảm bảo phân bổ và sử dụng tài nguyên đất thực sự là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như trong quy hoạch hai bên đường dẫn cầu Tân Phong, tỉnh đã chỉ đạo phải bảo đảm phát huy lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở quy mô khu vực vùng mở rộng Thành phố Nam Định. Quy hoạch đã xác định cụ thể quỹ đất cho các mục đích, chức năng: Đất thương mại dịch vụ gồm khu thương mại dịch vụ tổng hợp tại các phân khu dọc theo tuyến Quốc lộ 21 và tuyến đường ra cảng sông Nam Định, các khu thương mại dịch vụ trong các khu vực ở bố trí chung vào phần đất công cộng; Đất nông nghiệp sinh thái ở vùng trồng hoa, cây cảnh truyền thống Vị Khê, xã Điền Xá và khu vực đất nông nghiệp phía nam xã Nam Mỹ (Nam Trực); Đất ở khu đô thị mới với 4 phân khu để xây dựng các mô hình đô thị phù hợp như đô thị mới và tái định cư; khu dân cư nông thôn; đất cây xanh công cộng đô thị; đất kho tàng; đất sử dụng hỗn hợp; đất hạ tầng kỹ thuật. Với mục tiêu đánh thức tiềm năng đất đai, xây dựng một trọng điểm đô thị gắn kinh tế và sinh thái biển của tỉnh, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, có môi trường phát triển bền vững; định hướng trở thành đô thị loại IV trước năm 2025; có khả năng kết nối với đô thị Thịnh Long để trở thành đô thị loại III, loại II hoặc vùng đô thị lớn phía nam tỉnh sau năm 2030, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Quy hoạch chung đô thị Rạng Đông với diện tích khoảng 4.398ha gồm Thị trấn Rạng Đông và 5 xã Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nam Điền (Nghĩa Hưng). Theo đó, tỉnh đã chủ động định hướng xây dựng quy hoạch chung đô thị Rạng Đông trên quan điểm dành quỹ đất hợp lý để phát triển khu, CCN, các làng nghề truyền thống, phát triển các đô thị. Đặc biệt là quỹ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững lâu dài, tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp CNH-HĐH. Phân bổ sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa phù hợp theo từng giai đoạn phát triển đảm bảo an ninh lương thực. Khai thác, sử dụng đất phải đặc biệt coi trọng mục tiêu phòng thủ, an ninh quốc gia, ưu tiên những địa thế tự nhiên thuận lợi kết hợp với quốc phòng; đi đôi với BVMT, đảm bảo môi trường ổn định và bền vững. Đồ án Quy hoạch chung đô thị Rạng Đông được Bộ Xây dựng đánh giá về cơ bản phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện, bổ sung đánh giá hiện trạng, phân loại cụ thể đối với đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (diện tích gần 2600ha, chiếm khoảng 60% diện tích khu vực lập quy hoạch); việc chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa trong khu vực lập quy hoạch cần tuân thủ Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Việc xác định chỉ tiêu đất xây dựng đô thị, đất dân dụng, đất ở bảo đảm trên nguyên tắc tiết kiệm đất đai, phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008, đảm bảo bảo vệ được khu vực bãi bồi Rạng Đông, rừng ngập mặn Nghĩa Hưng, khai thác được đặc trưng cảnh quan sinh thái tự nhiên của vùng duyên hải Bắc Bộ cho phát triển du lịch...
Ngoài các quy hoạch trọng điểm cấp tỉnh, tỉnh đang giao Sở TN và MT trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và Kế hoạch SDĐ kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố sớm lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch SDĐ đến năm 2020 cấp huyện để trình duyệt theo quy định. Bên cạnh đó, ngành TN và MT, các địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, kế hoạch SDĐ, đáp ứng nhu cầu về đất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Thanh Thuý