Phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ở Giao Thủy

08:10, 23/10/2018

Phát triển kinh tế và gia tăng sự ảnh hưởng môi trường là hai mặt của một vấn đề luôn song hành với nhau. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Giao Thủy đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường.

Vùng nuôi ngao theo quy hoạch của xã Giao Xuân (Giao Thủy).
Vùng nuôi ngao theo quy hoạch của xã Giao Xuân (Giao Thủy).

Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên bảo vệ thực vật (BVTV) ở cấp xã về sử dụng thuốc BVTV hợp lý, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa và rau màu. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép, xây dựng các mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV cho người dân tham khảo rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, sạch theo quy trình tiêu chuẩn, các hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững góp phần bảo vệ môi trường. Hỗ trợ xây dựng vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Giao Phong. Để ngăn chặn, hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường, huyện đã triển khai một số mô hình: sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm rau màu ngay tại ruộng để tái tạo mùn, chất hữu cơ cho đất; trồng khoai tây trên đất hai lúa bằng phương pháp phủ rơm, rạ… Cùng với nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ và kinh phí xã hội hóa để thực hiện chương trình xây dựng NTM, các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng các bể chứa tập kết bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên các cánh đồng, tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom các loại chất thải, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng bỏ vào các bể chứa để xử lý an toàn theo quy định; xây dựng quy chế thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc BVTV qua sử dụng về nơi tập kết. Từ đó, nhận thức của cộng đồng và người sản xuất trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động được nâng cao. Toàn bộ lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được các xã, thị trấn ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý với Cty CP Đầu tư và kỹ thuật Tài nguyên môi trường ETC. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn để phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi đều nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhiều trang trại đã mạnh dạn vay vốn, tìm hiểu ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất từ thiết kế chuồng trại đến chăm sóc, chế độ dinh dưỡng... Nhờ môi trường chăn nuôi sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả sản xuất từ các trang trại cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Đối với các cơ sở chăn nuôi không thuộc đối tượng phải lập thủ tục môi trường (diện tích dưới 50m2) đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể bi-ô-ga, ao sinh học, cam kết không xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định. Phong trào nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển sôi động, nhất là nuôi mặn lợ; chuyển dịch mạnh từ nuôi quảng canh sang nuôi tập trung, thâm canh. Nhiều trang trại nuôi ngao, cá vược, cá hồng mỹ, tôm… được hình thành tại các vùng nuôi theo quy hoạch ở các xã, thị trấn: Bạch Long, Giao Phong, Giao Thiện, Giao Xuân, Quất Lâm… vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và làm giàu chính đáng của người dân vừa bảo vệ môi trường ở các vùng nuôi. Những vùng NTTS tập trung của các xã đều phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường: chất thải được thu gom, xử lý theo quy định; phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động NTTS; bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản.

Các cơ sở NTTS đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường như: không được sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong NTTS; bao bì đựng thuốc, hóa chất dùng trong NTTS sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng trong ao NTTS được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải. Trong lâm nghiệp, hằng năm, huyện Giao Thủy đã chú trọng chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ tốt trên 1.776ha rừng, trong đó có 722ha rừng phòng hộ ven biển; đồng thời tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, tổ chức trồng rừng ngập mặn và rừng phi lao. Nhằm bảo vệ rừng hạn chế tác động xấu của việc khai thác tài nguyên, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy thực hiện một số dự án khuyến khích người dân phát triển các mô hình sinh kế chia sẻ lợi ích bền vững và thân thiện với môi trường như: trồng nấm, nuôi ong, nuôi giun quế… Những mô hình kinh tế này đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Có thể nói, những năm qua công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn toàn huyện Giao Thủy nói chung đã có những chuyển biến tích cực. Mức độ gia tăng ô nhiễm được kiềm chế, giảm đáng kể, suy thoái môi trường đã dần được hạn chế, công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt, góp phần quan trọng vào xây dựng thành công NTM. Thời gian tới huyện Giao Thủy tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích và thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng, đẩy mạnh xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tái sử dụng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và ý thức của người dân; tăng cường kiểm tra, xử lý, đình chỉ sản xuất các cơ sở chăn nuôi, NTTS gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh các biện pháp xử lý ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com