Những năm gần đây, huyện Nghĩa Hưng đã phát triển các vùng sản xuất dược liệu trên địa bàn. Những kết quả bước đầu cho thấy đây là hướng đi đúng góp phần tạo vùng sản xuất dược liệu ổn định, bền vững phục vụ ngành công nghiệp dược phẩm trong tỉnh và đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Sơ chế cây dược liệu tại xã Nghĩa Minh. |
Hiện tại huyện Nghĩa Hưng có tổng diện tích 230ha trồng cây dược liệu, cho thu nhập bình quân mỗi ha 240-310 triệu đồng/năm. Trong đó, diện tích trồng đinh lăng 200ha, diện tích trồng cây ngưu tất 30ha. Các vùng trồng dược liệu tập trung đã đạt tiêu chuẩn Thực hành trồng và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO); phần lớn sản lượng đinh lăng, ngưu tất được Cty CP Traphaco và Cty TNHH Hoa Thiên Phú ký hợp đồng thu mua. Nếu như trước đây, phương thức trồng đinh lăng của người dân địa phương chủ yếu phân tán trong các hộ gia đình thì những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã liên kết tạo ra một số vùng trồng tập trung. Hiện tại, huyện đã xây dựng được vùng trồng cây dược liệu trên diện tích 230ha; phần lớn sản lượng đinh lăng, cây ngưu tất được Cty CP Traphaco và Cty TNHH Hoa Thiên Phú ký hợp đồng thu mua. Trong đó, diện tích trồng cây đinh lăng đạt khoảng trên 200ha tập trung tại các xã Nghĩa Thắng, Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Lạc, Nghĩa Bình... Huyện Nghĩa Hưng cũng được Viện Dược liệu và Cty CP Traphaco chọn thực hiện Dự án phát triển dược liệu đinh lăng theo “Hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới”. Tiêu biểu trong trồng dược liệu (chủ yếu đinh lăng) là xã Nam Điền với tổng diện tích đạt 60ha; xã Nghĩa Thắng với diện tích trồng khoảng 50ha; Thị trấn Rạng Đông với tổng diện tích trồng 40ha; xã Nghĩa Bình 20ha; xã Nghĩa Lạc 15ha… Từ năm 2015, Cty Dược phẩm Hoa Thiên Phú phối hợp với huyện Nghĩa Hưng triển khai thực hiện dự án phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Dự án đã thu hút trên 600 hộ dân tham gia trên tổng diện tích gần 30ha tại 2 xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh với các dược liệu được trồng là: đương quy, bồ công anh, ích mẫu, nhân trần; đặc biệt là ngưu tất - loại dược liệu quý với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tham gia dự án, ngoài những chính sách hợp tác và hỗ trợ giúp nông dân đảm bảo đầu ra với giá ổn định, Cty còn cung cấp giống, vật tư có chất lượng, thu mua và đầu tư cơ sở chế biến dược liệu tại địa phương, đồng thời người trồng dược liệu còn được cam kết hỗ trợ kỹ thuật canh tác, kỹ thuật trồng, chăm sóc…
Phát triển các vùng trồng dược liệu tại Nghĩa Hưng không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng nguồn dược liệu an toàn mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương phát triển. Để phát triển vùng trồng cây dược liệu bền vững cần có các giải pháp thích hợp, trong đó, mô hình liên kết 3 nhà (nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) để trồng dược liệu đang được thực hiện là mô hình rất phù hợp, hiệu quả ở Nghĩa Hưng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc mở rộng diện tích trồng dược liệu phải theo các quy định của Luật Đất đai. Bên cạnh đó rất cần sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, sự tham gia tích cực và phối hợp đa ngành (Y tế, NN và PTNT, KH và CN,…) để xác định được diện tích và số lượng loại dược liệu còn khả năng khai thác, dự tính được sản lượng mỗi loại có thể khai thác được hằng năm tại địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch và phương pháp khai thác hợp lý đảm bảo tái sinh và phát triển bền vững cây thuốc tại vùng trồng của địa phương. Trong đó, cần tiến hành khảo sát, đánh giá và xác định số loại, trữ lượng thuốc tự nhiên có khả năng khai thác, đặc biệt là vùng ngập mặn trên địa bàn. Cùng với phát triển trồng dược liệu, cần bảo tồn các cây thuốc truyền thống như củ gấu biển, sâm đất tại bãi bồi của huyện; sưu tầm, lưu giữ các loài cây thuốc quý gắn với việc xây dựng các mô hình; nâng cấp các vườn cây thuốc tại các trạm y tế xã, thị trấn; xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng, thu hái, bảo quản, sơ chế nguồn nguyên liệu thảo dược; xây dựng các mô hình trình diễn và nhân rộng ra sản xuất đại trà. Các ngành liên quan cần ban hành các cơ chế, chính sách; khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất nguyên liệu dược liệu làm thuốc cũng như các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện. Có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, nguồn vốn nhằm giúp các doanh nghiệp, nông dân hình thành và phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng” của WHO đối với các dược liệu. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hiểu biết về bảo tồn và phát triển cây thuốc, hướng dẫn thu hái dược liệu hợp lý đi đôi với tái sinh phát triển trồng mới cây dược liệu và phổ biến kinh nghiệm sử dụng dược liệu làm thuốc./.
Bài và ảnh: Minh Thuận