Phát huy thế mạnh về vị trí địa lý với 32km đường bờ biển; 11,4km sông Hồng và 15km sông Sò, huyện Giao Thủy có lợi thế, tiềm năng dồi dào về kinh tế thủy sản. Huyện đã tiến hành quy hoạch vùng nuôi trồng, khai thác, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho phát triển sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản và trên 90 trại, cơ sở sản xuất con giống thủy sản. Ngoài ra, huyện còn có 847 tàu khai thác thủy, hải sản với tổng công suất 53 nghìn CV; trong đó có 348 tàu có công suất từ 90CV trở lên. Sản lượng khai thác hằng năm đạt hơn 13 nghìn tấn hải sản các loại. Riêng 7 con tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 cũng đạt giá trị khai thác hải sản từ 130-300 triệu đồng/chuyến.
Ngư dân xã Giao Hải sửa chữa phương tiện chuẩn bị ra khơi. |
Nuôi thủy sản là thế mạnh của huyện, nhất là thủy sản mặn lợ. Hiện nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện đạt trên 5.100ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt là trên 1.100ha, nuôi mặn lợ gần 4.000ha, bao gồm các vùng nuôi chuyên tôm, nuôi quảng canh kết hợp và nuôi ngao. Với việc tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nên diện tích nuôi thủy sản mặn lợ của huyện phát triển mạnh, tăng nhanh cả về diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm. Đặc biệt là những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, ngao, cua, cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng... được nhiều hộ đưa vào nuôi trồng. Với vùng nuôi nước ngọt, ngoài các loại cá truyền thống, các hộ nuôi thả đa dạng con nuôi trong ao như cá trắm cỏ, trôi Mrigan, rô phi đơn tính, chim trắng, chép 3 màu... nên cũng đạt hiệu quả kinh tế khá. Ở vùng chuyển đổi, không chỉ nuôi thủy sản, các hộ còn kết hợp nuôi các loại gia cầm, trồng cây có giá trị kinh tế nên doanh thu của một số hộ cũng đạt từ 100-200 triệu đồng/ha, năng suất thủy sản đạt từ 3-5 tấn/ha/năm. Tính đến hết tháng 9-2018, tổng sản lượng nuôi thủy sản toàn huyện đã đạt 29.289 tấn, đạt 78,9% kế hoạch và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thủy sản mặn lợ đạt 25.183 tấn; thủy sản nước ngọt đạt 4.106 tấn. Hiện tại, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2 của toàn huyện đã đạt khoảng 320ha, tập trung ở các vùng nuôi chuyên canh của các xã: Giao Thiện, Giao Phong, Bạch Long... Các diện tích nuôi ngao thương phẩm, nuôi cá nước ngọt ở các vùng chuyển đổi và nuôi tôm xen cá vẫn được duy trì theo đúng kế hoạch. Là một trong 5 xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Thiện, có hơn 1.000ha nuôi thủy sản, trong đó có 150ha thuộc vùng chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp. Được sự hỗ trợ của xã, các phòng chức năng về kỹ thuật, nguồn vốn, các hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, nguồn nước để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ đó, vùng chuyển đổi nuôi tôm thẻ chân trắng của xã đã đạt sản lượng từ 3-5 tấn/ha, đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Để chủ động cung ứng con giống cho các vùng nuôi quảng canh và chuyên canh, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển được trên 90 trại, cơ sở sản xuất giống, đã sản xuất thành công các loại giống như: ngao, hàu, cá hồng mỹ, cá bống bớp, tôm sú, cua rèm... cung ứng cho nhu cầu nuôi tại chỗ và các huyện bạn. Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện, 9 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã sản xuất được 8.357 triệu con giống thủy sản các loại. Hiện tại, các cơ sở sản xuất giống đang tiếp tục cho sinh sản giống hàu, cá hồng mỹ và tiếp tục ương dưỡng đàn cá bống bớp bố mẹ để chuẩn bị cho sinh sản. Bên cạnh lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt, khai thác thủy sản cũng là thế mạnh của huyện Giao Thủy. Với đội tàu đông đảo, tập trung nhiều ở 9 xã, thị trấn ven biển, ngư dân trong huyện đã bám biển khai thác nguồn lợi thủy sản tại các ngư trường vịnh Bắc Bộ và ra cả các vùng xa như: Quảng Bình, Quảng Trị, tạo việc làm thường xuyên cho 3.380 lao động. Để tăng cường công tác thông tin về ngư trường, hỗ trợ nhu yếu phẩm trong các chuyến biển, UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền vận động và hướng dẫn ngư dân thành lập các đoàn, tổ hợp tác khai thác thủy sản. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 25 tổ, đội khai thác thủy sản. 9 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện ước đạt 11.519 tấn, đạt 84,4% kế hoạch và tăng 9,5% so với cùng kỳ. Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, lĩnh vực chế biến được duy trì và phát triển ở một số địa phương có nghề truyền thống, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, cá khô tập trung ở xã các Giao Hải, Giao Châu, Giao Yến và các xã ven biển. Các sản phẩm chế biến truyền thống của địa phương như nước mắm Sa Châu đã có thương hiệu và được tiêu thụ trên khắp cả nước.
Để tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản bền vững tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Giao Thủy đã tiến hành rà soát lại những diện tích trồng lúa, làm muối kém hiệu quả để đưa vào quy hoạch chuyển đổi sang phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn tới. Theo đó, toàn huyện hiện có 190ha đất làm muối tại các xã, thị trấn: Quất Lâm (70ha); Bạch Long (70ha); Giao Phong (50ha) đang bỏ hoang có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản mặn lợ; vùng chuyển đổi xã Giao Thiện theo quy hoạch đã được phê duyệt là 170ha mới thực hiện được 90ha nuôi tôm thẻ chân trắng; vùng nội đồng ở các xã: Giao Thịnh, Giao Hải, Giao Long với tổng diện tích khoảng 157ha... đang được đề xuất các cấp chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, phát triển các trại sản xuất giống thủy sản hiện có, khuyến khích tạo điều kiện phát triển thêm các cơ sở mới để đáp ứng yêu cầu cung cấp đủ lượng con giống chất lượng cao cho nuôi thủy sản trong huyện và vươn mạnh ra thị trường ngoài. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi thủy sản tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh, nuôi bán công nghiệp và công nghiệp... Tăng cường quản lý vùng bãi bồi, nuôi trồng thủy, hải sản để đảm bảo an ninh trật tự, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Khuyến khích ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển. Có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện làm nghề đánh bắt hải sản trên biển. Phát triển công nghiệp chế biến thủy, hải sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế của sản phẩm thủy sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Những tháng cuối năm 2018, huyện Giao Thủy phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch mục tiêu tổng sản lượng thủy sản 59.770 tấn./.
Bài và ảnh: Thành Trung