Những năm qua, các mô hình HTXNN trong tỉnh phát triển đa dạng. Nhiều mô hình HTX mới ra đời hoạt động hiệu quả làm thay đổi nhận thức về bản chất và giá trị đích thực của HTX. Thông qua vai trò HTX, kinh tế hộ được bảo đảm quyền lợi, phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn có bước phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng cao. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, kết cấu hạ tầng được mở mang hiện đại, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường đều có sự tham gia thiết thực của các HTX... Quan hệ sản xuất tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, ngày càng khẳng định vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được khẳng định.
Cùng với việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, các HTX đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ; ứng dụng cơ giới hoá; chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu; trọng tâm sản xuất chuyển từ sản lượng sang chất lượng và hiệu quả; nhiều mô hình HTX có các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình các HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX, từng bước đi vào hoạt động theo cơ chế thị trường, nhiều HTX thuộc tốp yếu đã tự giải thể để thành lập HTX mới. Riêng huyện Hải Hậu cả 54 HTX (100%) đều giải thể tự nguyện, đến nay chỉ còn 6 xã chưa thành lập được HTX mới. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 80 HTX mới trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập, đưa tổng số HTX lĩnh vực nông nghiệp là 325 HTX; trong đó có 283 HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX sản xuất chế biến nấm, 8 HTX chăn nuôi, 6 HTX cây dược liệu rau hoa và cây cảnh, 6 HTX sản xuất muối và 15 HTX thủy sản. Kết quả trên thể hiện sự thay đổi về chất của HTX với việc góp vốn tự nguyện, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng cường các dịch vụ đầu vào đầu ra, hình thành một số mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các HTX. Đến nay hầu hết các HTX đã tự cân đối được thu chi, 80% HTX kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít mặt tồn tại trong hoạt động của HTXNN, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò hiệu quả hoạt động. Nguyên nhân do nhận thức về vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một số cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ, toàn diện, chưa tạo điều kiện để HTX được hình thành, được tiếp cận với các chính sách, nhất là chính sách đất đai theo Nghị định 107/2017/NĐ-CP của Chính phủ để các HTX xây dựng cơ sở chế biến, kho tàng bảo quản sản phẩm… HTXNN là tổ chức kinh tế chủ yếu và quan trọng ở nông thôn nên cần xác định rõ cơ cấu sản xuất để có sản phẩm chủ lực tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tiến tới nông nghiệp sạch. Song hiện tại vấn đề này lại do Ban Nông nghiệp xã tham mưu cho UBND xã là cơ quan quản lý Nhà nước nên khó sát với yêu cầu thị trường, không tận dụng được ưu việt của kinh tế thị trường. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nông nghiệp từng vùng, quy mô nhỏ, phân tán, chủ yếu là kinh tế hộ, cơ chế hợp tác gắn kết còn hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa nhiều; giá trị xuất khẩu thấp. Việc liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp, nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học chưa hiệu quả. Tổ chức sản xuất chưa gắn với quy hoạch vùng sau dồn điền đổi thửa. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản tuy được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hoá.
Với mục tiêu xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu có 100% số HTXNN tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012; 40% HTX hoạt động khá trở lên, giảm dần HTX yếu kém; không còn HTX không hoạt động. Xây dựng các mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng các mô hình HTX liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; 100% cán bộ chủ chốt được bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức về HTX và pháp luật liên quan... Để thực hiện mục tiêu đề ra, Liên minh HTX tỉnh tham mưu với UBND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện cơ chế chính sách; huy động các nguồn lực; tăng cường đào tạo bồi dưỡng; nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước và HTX. Phát huy vai trò của Liên minh HTX và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán các hoạt động của HTX. Triển khai quyết liệt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ như: hỗ trợ thành lập mới HTX; bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTXNN trong nền kinh tế thị trường, tham gia để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình thành viên; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng HTXNN. Chỉ đạo, thực hiện xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Củng cố bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác và tham mưu thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở cấp huyện. Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở KH và ĐT, Tài chính, Liên minh HTX tỉnh, UBND các huyện, thành phố điều tra, thu thập dữ liệu về sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thực trạng tài chính, tình hình nợ đọng, nhất là các HTXNN theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17-4-2017 của Bộ NN và PTNT. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các HTX. Liên minh HTX tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai, khoa học công nghệ, vốn... Định hướng và tạo điều kiện cho các HTX phát huy thế mạnh tổ chức sản xuất theo quy hoạch sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với đẩy mạnh liên kết chuỗi nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Tuyên truyền các mô hình HTX điển hình trong và ngoài nước để các HTX học tập. Đối thoại chính sách, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của HTX để có hướng xử lý hiệu quả, kịp thời; hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho các HTX đẩy mạnh xúc tiến công nghệ và thương mại, mở rộng thị trường./.
Hoàng Tuấn