Đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ đông

07:10, 31/10/2018

Đảm bảo nước đầy đủ, kịp thời có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sinh trưởng và năng suất của cây vụ đông, song đây là nhiệm vụ khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy ngành Nông nghiệp, các địa phương, các Cty KTCTTL và nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất vụ đông.   

Nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) chủ động nguồn nước tưới cho cây vụ đông.
Nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) chủ động nguồn nước tưới cho cây vụ đông.

Vụ đông năm 2018, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh ký hợp đồng tưới, tiêu cho 1.520ha cây vụ đông của 37 các xã, thị trấn, HTX thuộc 2 huyện: Nam Trực, Trực Ninh và Thành phố Nam Định. Trước khi vào vụ, Cty tập trung tu bổ, sửa chữa các trạm bơm, cống đập, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy… Đến nay, các công trình đã cơ bản hoàn thành để phục vụ cho sản xuất. Đồng chí Trần Văn Dân, Giám đốc Cty cho biết: Do thời gian sản xuất cây vụ đông trùng với thời kỳ làm thủy lợi nội đồng nên Cty phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng chi tiết, cụ thể kế hoạch tưới tiêu nước cho từng vùng và từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng. Về nước tưới, Cty sử dụng các trạm bơm điện nhỏ, máy bơm dầu bơm nước vào kênh để các xã, HTX, các hộ nông dân chủ động lấy nước tưới. Cty cũng chủ động kiểm tra, rà soát tình trạng các trạm bơm đảm bảo vận hành tiêu úng nhanh và hiệu quả để ứng cứu cây vụ đông nếu có mưa lớn xảy ra. Không chỉ riêng Cty KTCTTL Nam Ninh, trong thời gian qua, tất cả các Cty KTCTTL trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra và sửa chữa kịp thời các sự cố, hư hỏng công trình; hoàn thành sửa chữa các cống đầu mối dưới đê, các trạm bơm, các đập điều tiết quan trọng, các trục kênh chính và kênh cấp I, cấp II liên xã. Hoàn thành tu bổ, sửa chữa thiết bị máy móc, đảm bảo vận hành tốt phục vụ sản xuất ngay từ đầu vụ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, phân loại, lập phương án và tổ chức giải tỏa các vi phạm, khơi thông dòng chảy. Vận hành công trình đảm bảo đúng quy trình, sát với diễn biến của thời tiết, thủy văn và phù hợp với thực tiễn sản xuất, chủ động tiêu rút nước đệm khi có dự báo thời tiết xấu. Ngoài việc quy hoạch, bố trí các vùng sản xuất vụ đông tập trung đảm bảo chủ động tưới - tiêu, các địa phương phối hợp với các Cty KTCTTL chủ động xây dựng phương án tiêu úng đầu vụ và tưới nước tạo nguồn giai đoạn giữa đến cuối vụ. Tại vùng bơm điện, các Cty lấy nước tưới chủ yếu qua kênh nổi; duy trì đúng mực nước khống chế trong hệ thống theo từng thời kỳ. Vùng thủy triều, các Cty khai thác phù sa ở thời kỳ làm đất khi điều kiện thời tiết cho phép thực hiện lấy nhanh - tiêu nhanh. Việc đóng mở cống dưới đê được thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và quy trình vận hành hệ thống. Hầu hết các địa phương cùng các hộ nông dân tích cực chuẩn bị thêm máy bơm dầu, bơm điện chủ động tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Đối với diện tích trồng vụ đông trên đất 2 lúa, các xã, thị trấn tập trung nạo vét kênh mương, chỉnh trang bờ vùng, bờ thửa, đồng thời tổ chức sản xuất gọn vùng tạo thuận lợi cho việc tưới, tiêu nước... Xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) là địa phương đã có tập quán sản xuất 3 vụ trong năm (2 vụ lúa và 1 vụ đông), riêng vụ đông cho thu nhập gấp 2 lần trồng lúa. Đồng chí Đoàn Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đối với những vùng khó khăn về nước tưới, xã chỉ đạo nông dân chuyển sang trồng cây vụ đông “dễ tính” như bí xanh. Nguồn nước tưới đều được lấy từ sông, sau đó bơm tát vào mương dẫn vào ruộng cho nông dân. Ngoài ra, xã cũng chủ động chuẩn bị tối đa 10 máy bơm dã chiến cho 5 vùng có truyền thống sản xuất vụ đông để chống úng khi có mưa lớn xảy ra. Tại những vùng đồng màu truyền thống cũng có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo trong việc tưới, tiêu nước. Tại các đội 4, 5, 12 của xã Hải Tây (Hải Hậu) là những vùng khó khăn về nước cho sản xuất vụ đông, đã chuẩn bị gần 50 máy bơm dã chiến được huy động từ các hộ dân và của HTX đang hoạt động liên tục đêm, ngày để tích nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất. Ngoài sự nỗ lực của các Cty KTCTTL và các địa phương, người nông dân cũng hiểu việc đảm bảo nguồn nước sẽ quyết định rất lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng nên rất chú trọng việc đảm bảo tưới, tiêu nước cho cây vụ đông. Ông Nguyễn Văn Thực, nông dân thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực) cho biết: Vụ đông năm nay, gia đình tôi gieo trồng 5 sào su hào và súp lơ. Đây là những cây trồng đòi hỏi phải bảo đảm nước tưới thường xuyên. Từ đầu vụ đông đến nay, mặc dù điều kiện thời tiết hanh khô nhưng nhờ sự chủ động về nguồn nước tưới cung cấp đủ cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng nên toàn bộ diện tích gieo trồng của gia đình ông đang phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong các tháng cuối năm, lượng mưa phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 15-30%; nguồn nước trên các sông có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20% kết hợp thủy triều mạnh dẫn đến xâm nhập mặn sâu vào trong sông gây khó khăn cho đời sống và sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố; các Cty KTCTTL triển khai xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ nông, nạo vét kênh tưới, tiêu, cửa cống, đắp bờ vùng, bờ thửa, khoanh vùng làm dầm, làm ải để chủ động điều tiết và chống lãng phí nước. Giải tỏa các vật cản đăng, đó, vó bè, bèo, bè mảng... trên hệ thống kênh, mương để khơi thông dòng chảy. Chú trọng vùng chuyên sản xuất giống, vùng chuyển đổi cơ cấu, vùng cánh đồng mẫu lớn, vùng cây vụ đông tập trung theo quy hoạch và những vùng thấp trũng. Các Cty KTCTTL thuộc tỉnh cân đối nguồn kinh phí được cấp, sắp xếp thứ tự ưu tiên, triển khai thực hiện, hoàn thành việc tu bổ, sửa chữa danh mục công trình thủy lợi đã được thông báo theo trình tự, thủ tục quy định, đảm bảo phục vụ tốt, kịp thời việc tưới, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 5.689ha cây vụ đông, đạt 44% so với kế hoạch, trong đó: ngô 1.605ha, khoai tây 180ha, khoai lang 335ha, cà chua 253ha, bí xanh 651ha và 2.655ha các loại cây khác. Các huyện đã gieo trồng được nhiều là: Nghĩa Hưng 850ha, Ý Yên 830ha, Hải Hậu 810ha, Nam Trực 710ha… Hiện Sở NN và PTNT đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các cây vụ đông còn thời vụ như khoai tây và các cây rau ngắn ngày đảm bảo kế hoạch đã đề ra, đồng thời chủ động các biện pháp phòng chống mưa úng cho các cây đã trồng. Việc đảm bảo nước tưới cho cây trồng vụ đông trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển là yếu tố quan trọng để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế sản xuất vụ đông, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com