Bất cập trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công

07:10, 03/10/2018

Rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Theo các Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 và Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ, các hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công phải đáp ứng những điều kiện như: có giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh; sản xuất phải có đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm rượu trong nước và nhập khẩu phải có tem, nhãn trên bao bì; các hộ kinh doanh rượu phải có hợp đồng buôn bán, tiêu thụ rượu... Đặc biệt kể từ ngày 1-11-2017, rượu sản xuất thủ công còn phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên, đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ở tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại bất cập trong cả quản lý và thực thi.

Một cơ sở sản xuất rượu thủ công tại xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Một cơ sở sản xuất rượu thủ công tại xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

Tỉnh ta nổi tiếng với nhiều thương hiệu rượu quê chưng cất thủ công như rượu nếp Yên Phú (Ý Yên), Kiên Lao (Xuân Trường), Bỉnh Di (Giao Thủy), Hải Hậu… với sản lượng tiêu thụ lên đến hàng nghìn lít mỗi ngày. Thực hiện quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, Sở Công thương, Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố và các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức thống kê, rà soát đánh giá các cơ sở sản xuất rượu thủ công và các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh rượu. Chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất rượu thủ công; mở lớp đào tạo, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở, cá nhân, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 50 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu và bán sản phẩm tiêu dùng tại chỗ. Trong đó, 2 huyện Hải Hậu và Xuân Trường là những đơn vị thực hiện bài bản nhất nhưng kết quả vẫn chưa cao. Tại huyện Hải Hậu đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và Giấy phép sản xuất cho 18 trên tổng số hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; huyện Xuân Trường mới chỉ cấp được giấy phép cho 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn. Việc dán tem thuế trên mỗi chai rượu khi xuất bán thì chưa có đơn vị nào thực hiện. Kết quả là việc sản xuất rượu thủ công, kinh doanh rượu không nhãn mác... vẫn cứ công khai hoạt động. Ngay trong tháng 7-2018, lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại xã Trực Đại (Trực Ninh) về việc chấp hành pháp luật đối với quy định dán tem sản phẩm rượu sản xuất trong nước và lấy mẫu trưng cầu giám định chất lượng sản phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ sản phẩm của cơ sở không được dán tem theo quy định và đã tiến hành thu giữ toàn bộ sản phẩm (khoảng gần 850 lít rượu các loại) để xử lý theo quy định. Những bất cập trong quản lý, thực thi pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công được xác định nguyên nhân là do phần lớn các hộ nấu rượu thủ công hoặc bán lẻ rượu trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng gạo để nấu rượu bán lẻ quanh thôn xóm, số lượng không đáng kể và không thường xuyên nên rất khó yêu cầu họ làm đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Một số hộ sản xuất rượu thủ công có mục đích kinh doanh muốn được cấp giấy phép nhưng lại không đáp ứng được các điều kiện theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP (quy định về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy sản phẩm, quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm…). Bên cạnh đó, theo phản ánh từ các hộ sản xuất rượu thủ công, thủ tục cấp phép sản xuất còn quá phức tạp, nhiều giấy tờ mà họ khó đáp ứng được đầy đủ như: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, liệt kê tên sản phẩm rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu dự kiến sản xuất. Mặt khác hoạt động kinh doanh rượu thủ công tại các huyện còn nhỏ lẻ, phân tán, các hộ kinh doanh thường bán lẫn với nhiều loại hàng hóa khác nên khó kiểm soát, quản lý. Đây cũng là một trong những khó khăn đối với ngành Công thương và các địa phương trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công của một số địa phương chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. 

Sở dĩ, việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công được xiết chặt quản lý bởi một thời gian dài do việc quản lý bị buông lỏng dẫn đến tình trạng sản xuất rượu giả, không an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. Nhiều vụ ngộ độc rượu thủ công đã xảy ra, thậm chí dẫn đến chết người. Để hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công đi vào nền nếp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến luật, hướng dẫn các hộ chấp hành các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là quy định bắt buộc dán tem thuế tiêu thụ đặc biệt trên mỗi sản phẩm rượu khi bán ra thị trường. Thực hiện nghiêm chính sách thuế đối với mặt hàng rượu, bia và đồ uống có cồn khác nhằm giảm sử dụng, lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn cũng như hạn chế buôn lậu và sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn không đạt tiêu chuẩn. Sở Công thương đề nghị Bộ Công thương kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2012/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu thủ công để việc thực thi công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn. Bên cạnh sự nỗ lực quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên thận trọng khi mua bán, sử dụng rượu thủ công và chỉ mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định công bố hàm lượng andehit, methanol rõ ràng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



Chivas 12 chính hãng giá tốtMẫu giỏ quà Tết 1 triệu cao cấpMua vang ý nhập khẩu giá tốt may áo thun đồng phục sửa khóa Bộ sưu tập vang trắng đẳng cấp

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com