Tỉnh ta là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng với tổng diện tích cây trồng hằng năm gần 200 nghìn ha, trong đó diện tích sản xuất lúa trên 150 nghìn ha; diện tích sản xuất cây rau màu, cây công nghiệp gần 35 nghìn ha. Chăn nuôi cũng là ngành chủ lực với tổng đàn khoảng 800 nghìn con lợn; 7,2 triệu con gia cầm; 40 nghìn con trâu, bò. Do đó, nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp của tỉnh là rất lớn. Nhằm kiểm soát tốt “đầu vào” sản xuất, một nhiệm vụ được ngành NN và PTNT tỉnh đặc biệt chú trọng là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhóm hàng vật tư nông nghiệp.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có trên 2.200 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Các mặt hàng vật tư nông nghiệp đa dạng, dồi dào là điều kiện thuận lợi cho nông dân lựa chọn để đầu tư phát triển sản xuất. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định sản xuất, kinh doanh theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và thuốc thú y nhưng vẫn hành nghề, bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn công bố hoặc còn bán sản phẩm đã hết hạn sử dụng… ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, gián tiếp gây ô nhiễm môi trường khi nông dân sử dụng các vật tư đó. Trước tình trạng đó Sở NN và PTNT chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp các đơn vị thanh tra chuyên ngành tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực quản lý của ngành, nhằm tuyên truyền, nhắc nhở, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý của ngành. Năm 2017 Thanh tra Sở đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tiến hành 2 cuộc thanh tra 43 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón hữu cơ, phân bón khác; 2 cuộc thanh tra 53 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Đồng thời phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành thanh tra: 39 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; 31 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Kết quả đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị vi phạm về: chất lượng thuốc thú y không đảm bảo theo tiêu chuẩn công bố; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y; thuốc BVTV không đảm bảo tiêu chuẩn công bố; giống cây trồng khảo nghiệm nhưng không thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng; thức ăn chăn nuôi không đảm bảo tiêu chuẩn công bố. Đồng thời yêu cầu 5 đơn vị thu hồi toàn bộ lô hàng vi phạm về Cty để khắc phục theo quy định của pháp luật. Từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra Sở đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tiến hành 2 đợt thanh tra việc chấp hành pháp luật của 56 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón; kết quả không có đơn vị nào vi phạm. Trong vụ xuân 2018, đã tiến hành thanh tra tại 37 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV; lấy 13 mẫu thuốc để phân tích chất lượng. Đã xử lý hành chính 2 trường hợp vi phạm về chất lượng thuốc BVTV không đảm bảo tiêu chuẩn công bố là Cty CP Khoa học công nghệ cao America (Hà Nội) và Cty CP Thuốc BVTV Việt Trung (Long An), phạt tiền mỗi trường hợp 20 triệu đồng. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thanh tra 41 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; lấy 4 mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm định chất lượng. Kết quả 2 đơn vị có vi phạm bị xử lý là Cty TNHH Vĩnh Hà (Hà Nội) với lỗi hàm lượng Protein thô trong mẫu thức ăn chăn nuôi chỉ đạt 94,27%; phạt cảnh cáo Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi NASACO (Hà Nam) có hàm lượng Protein thô trong mẫu thức ăn chăn nuôi chỉ đạt 98%. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y; đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và hoạt động sản xuất chăn nuôi tại các trang trại, các cơ sở ấp nở gia cầm, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến thực phẩm từ thịt gia súc, gia cầm. Chi cục Trồng trọt và BVTV chịu trách nhiệm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, giống cây trồng, phân bón. Đồng chí Lê Văn Chiêm, Chánh Thanh tra Sở NN và PTNT cho biết: Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhóm hàng vật tư nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của ngành. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh phải đúng quy định pháp luật; quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng được lợi ích của người dân. Với trình độ dân trí ngày càng cao, nông dân trong tỉnh đã có ý thức lựa chọn những sản phẩm chất lượng của các đơn vị có uy tín để sử dụng. Tuy nhiên việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhiều và phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong khi lực lượng thanh tra còn mỏng. Một số ít các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vẫn chưa tự giác, nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả trong quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp, thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường công tác thông tin, phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc lựa chọn vật tư nông nghiệp “đầu vào”, nên mua ở những cơ sở đã được cơ quan quản lý Nhà nước công bố, chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Đối với người dân, khi có bất kỳ thông tin phản ánh hoặc nghi ngờ các vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp như: thuốc thú y, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, phân bón... nên báo cho cơ quan chức năng để xử lý./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh