Năm 2017 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát gồm 10 chỉ số thành phần và 128 chỉ tiêu cơ sở (tăng 17 chỉ tiêu so với khảo sát năm 2016). Kết quả khảo sát của tỉnh ta giảm 11 bậc so với năm 2016, nằm trong nhóm trung bình của cả nước.
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty TNHH KIARA Việt Nam, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh). |
Trước kết quả không mấy khả quan trên, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị với các ngành và địa phương yêu cầu nghiêm túc quyết liệt đánh giá kết quả, phân tích những nguyên nhân yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao PCI thời gian qua. Những tồn tại, hạn chế đáng lưu ý là: sau khi giữ nguyên điểm số nhưng giảm 5 bậc vào năm 2016, bước sang năm 2017 chỉ số tính minh bạch tiếp tục giảm thêm 0,73 điểm và làm tụt vị trí của tỉnh ta xuống cuối cùng bảng xếp hạng; có tới 3/10 chỉ số thành phần vừa bị giảm điểm vừa hạ bậc sâu trên bảng xếp hạng (chỉ số gia nhập thị trường giảm 0,96 điểm và hạ 15 bậc; chi phí không chính thức giảm 0,86 điểm và hạ 24 bậc; tính năng động giảm 0,54 điểm và hạ 35 bậc); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp tuy tăng 0,44 điểm (đạt 6,35 điểm) nhưng lại bị hạ tới 23 bậc so với năm 2016. Có tới 10/128 chỉ tiêu thành phần PCI của tỉnh ta có thứ hạng rất thấp: 4 chỉ tiêu xếp hạng 60/63; 4 chỉ tiêu xếp hạng 61/63; 2 chỉ tiêu xếp cuối cùng 63/63… Từ kết quả điểm số và thứ bậc cho thấy năm 2017 ở một số lĩnh vực đánh giá, các địa phương khác có sự bứt phá mạnh mẽ hơn hẳn trong khi ở tỉnh ta điểm số không tăng hoặc tăng không đáng kể dẫn đến giảm bậc xếp hạng. Các cuộc lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp (được tổ chức định kỳ 2 lần/năm) chưa giải quyết dứt điểm, thỏa đáng những kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động và chất lượng Cổng Thông tin điện tử của tỉnh còn hạn chế, thiếu tính tương tác nên chưa phát huy được vai trò là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp; hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh) chưa hiệu quả; việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 21-7-2017 của UBND tỉnh) còn tồn tại nhiều vướng mắc; công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trực tiếp thực thi công vụ chưa đạt yêu cầu, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng; hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa tuân thủ quy định không quá 1 lần/năm của Thủ tướng Chính phủ; công tác cải cách hành chính vẫn chưa đi vào thực chất; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (cả dịch vụ công và tư nhân cung cấp) còn yếu và thiếu cả về chất lượng và số lượng...
Từ thực trạng hạn chế yếu kém nêu trên, để hoàn thành nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI năm 2018 của tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 3 nhóm mục tiêu là: tiếp tục giữ vững và phát huy 44 chỉ tiêu có thứ hạng tốt (từ 1-20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước); tích cực cải thiện 61 chỉ tiêu xếp hạng từ 21-50; tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị để quyết liệt cải thiện 23 chỉ tiêu xếp cuối bảng. 7 nhóm giải pháp được hội nghị thống nhất đề ra và quán triệt thực hiện là chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Các giải pháp/nhóm giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh yêu cầu phải quyết liệt cải thiện, nâng cao ngay là: Sở KH và ĐT, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức hiệu quả, nâng cao chất lượng các hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp định kỳ và phát huy hiệu quả đường dây nóng hỏi - đáp trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận và nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Tích cực kiểm tra, rà soát, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ và tốt các chủ trương, chính sách của tỉnh. Xử lý triệt để tình trạng chồng chéo, đảm bảo thực hiện đúng quy định kiểm tra/thanh tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm. Quyết liệt chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; thường xuyên cập nhật đầy đủ các chủ trương, chính sách của tỉnh (đặc biệt là các văn bản liên quan đến các lĩnh vực: cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư...) để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của nhân dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư: đẩy nhanh tiến độ xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông, hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng KCN Mỹ Thuận và chuyển giao chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Trung; triển khai xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh ta với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư tuyến đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; sớm khởi công xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1... Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực: hoàn thiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đề xuất dự án đầu tư...; xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh về trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định và tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí phát sinh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề tại chỗ để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động của nhà đầu tư và chất lượng các dịch vụ liên quan đến: công nghệ, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại... để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Nghiêm túc thực hiện đúng, minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và tỉnh ban hành. Tăng cường công tác hỗ trợ và quản lý sau cấp phép để giúp nhà đầu tư triển khai nhanh chóng dự án, rút ngắn thời gian, giảm chi phí phát sinh. Thúc đẩy các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh ta mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường...
Xác định nhiệm vụ cải thiện PCI đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ cần triển khai quyết liệt các biện pháp để nâng cao các chỉ số thành phần liên quan còn thấp, đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư; duy trì và phát huy những chỉ số thành phần có thứ hạng cao. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và từng cá nhân liên quan./.
Bài và ảnh: Thành Trung