Người đưa nghề đan lưới cước về làng

06:09, 07/09/2018

Trải qua nhiều khó khăn để đưa nghề đan lưới cước về quê, đến nay, cơ sở sản xuất lưới cước của gia đình ông Đoàn Mạnh Dân, ở tổ dân phố 11, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) khá nổi tiếng với các sản phẩm lưới phục vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm cho hơn 200 lao động ở địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển Hải Thịnh, nay là Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), cũng như bao trai tráng, thanh niên trong xã, năm 1965, anh thanh niên Đoàn Mạnh Dân xung phong nhập ngũ và vào chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên. Năm 1972, sau trận chiến ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông bị thương và được điều về tuyến sau an dưỡng. Là thương binh hạng 4/4, ông được phục viên về quê và tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 1985-1986, bắt đầu cơ chế mở cửa của Đảng, Nhà nước, ông xin thôi làm cán bộ tại HTX dệt lưới, đánh cá biển Hải Thịnh và bắt đầu bươn chải với nghề buôn sợi cước từ Thành phố Hồ Chí Minh về cung cấp, bán lại cho HTX dệt lưới, đánh cá biển Hải Thịnh và những ngư dân trong vùng. Quá trình buôn bán, ông Dân nhận thấy nhu cầu sử dụng lưới cước của ngư dân rất nhiều mà trong vùng lại không có cơ sở sản xuất sợi cước nên gây khó khăn cho bà con khi cần nguyên vật liệu dệt lưới khai thác thuỷ sản. Nghĩ là làm, sau khi có số vốn kha khá trong tay, năm 1991, ông Dân quyết định vay thêm 200 triệu đồng (thời điểm đó tương đương bằng 40 cây vàng) để đầu tư dây chuyền sản xuất sợi cước. Ông vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để mua dây chuyền sản xuất và nguyên liệu cung ứng cho ngư dân. Ông là người đầu tiên đầu tư vào sản xuất sợi cước ở tỉnh và cũng là người thứ hai ở khu vực miền Bắc mạnh dạn đầu tư cho mô hình sản xuất này. Chia sẻ với chúng tôi, ông Dân cho biết: “Thời điểm đó, một số người đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này nhưng bị phá sản do không áp dụng đúng kỹ thuật nên gia đình tôi cũng băn khoăn lắm. Nhưng với sự quyết tâm và kiên trì học hỏi đã giúp tôi thành công sản xuất sợi lưới cước đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của ngư dân quanh vùng”. Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình ông Dân có diện tích 1.000m2, với hệ thống máy dệt công nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động trực tiếp tại cơ sở và gần 200 lao động gián tiếp ở các xã trong huyện Hải Hậu. Thu nhập bình quân của mỗi lao động trực tiếp tại cơ sở đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng. Được biết, tất cả những hộ nhận nguyên liệu về dệt lưới cho doanh nghiệp còn thiếu vốn mua khung dệt đều được ông Dân tạo điều kiện cho vay vốn từ 15-25 triệu đồng (tùy theo giá từng loại khung) không tính lãi và được hướng dẫn kỹ thuật dệt lưới miễn phí một cách bài bản. Sản phẩm làm đến đâu được doanh nghiệp của ông thu mua và tiêu thụ hết đến đó, thậm chí không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thông qua hình thức này, ông Dân đã giúp người lao động tận dụng được thời gian rảnh rỗi tại gia đình để kiếm thêm thu nhập. Chủng loại sản phẩm cũng đa dạng với các loại lưới đánh cá khổ rộng từ 50cm đến 1,8m; dây chão, dây buộc loại từ 3-30mm. Sản phẩm lưới, dây chão trước đây chỉ dùng trong đánh bắt thủy, hải sản nay còn được dùng để quây vùng nuôi ngao, làm rào chắn trong chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại. Từ chỗ sản phẩm lưới chỉ tự cung, tự cấp cho nhu cầu trong phạm vi nhỏ trong xã, trong huyện hiện tại đã được các đầu mối cung ứng cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh bạn như: Hải Phòng, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa... Từ cơ sở của gia đình ông, nghề dệt lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long đã phát triển rộng khắp ra các tổ dân phố. Thị trấn hiện có trên 500 khung dệt cước, 9 cơ sở kéo sợi PE vừa cung ứng nguyên liệu vừa bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia công. Nhiều cơ sở đã phát triển thành doanh nghiệp tư nhân. Mỗi doanh nghiệp ngoài 2 dàn máy kéo sợi còn có từ 50-80 hộ thường xuyên nhận nguyên liệu gia công sản phẩm tại nhà.

Phát huy mô hình sản xuất sợi lưới cước có hiệu quả tại địa phương, những năm gần đây, ông Dân còn mạnh dạn đầu tư thêm 2 cơ sở sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh và giao cho 2 người con trai trực tiếp quản lý. Thương hiệu Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Dân chuyên sản xuất sợi lưới cước cũng đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con ngư dân không chỉ ở trong và ngoài tỉnh mà còn trải dọc từ Bắc vào tận Bình Định suốt hơn 25 năm qua. Với ý chí “tự lực tự cường”, không chịu khuất phục trước đói nghèo lạc hậu, coi việc nâng cao đời sống cho người lao động là hạnh phúc của chính mình, ông Đoàn Mạnh Dân cũng như nhiều cựu chiến binh khác trên địa bàn huyện Hải Hậu nói riêng và toàn tỉnh nói chung đang làm sáng thêm bản chất, hình ảnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ làm giàu cho gia đình và nhiều người lao động ở địa phương, ông Dân còn là người luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở Thị trấn Thịnh Long, nhất là phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Theo đó, khi tổ dân phố 11 phát động phong trào ủng hộ làm đường giao thông theo tiêu chí NTM, gia đình ông Dân đã ủng hộ gần 40 triệu đồng để làm đường dong xóm. Ngoài ra, là một hội viên CCB, khi Hội CCB xã phát động mỗi CCB ngoài việc đóng góp theo khẩu gia đình còn vận động ủng hộ thêm ít nhất 1 tạ xi măng để bê tông hoá đường giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM, ông Dân cũng đã gương mẫu ủng hộ 25 tấn xi măng. Chính điều này đã góp phần đẩy mạnh phong trào Hội CCB cũng như nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM ở địa phương.

Mang nghề mới về vùng quê biển trở thành nghề truyền thống ở địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, ông Đoàn Mạnh Dân là một tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo lời Bác, thương binh “tàn nhưng không phế”./.

Thanh Tuấn

 



Hiểu rõ gen z là gì Tìm hiểu exp là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com