Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi trong phát triển kinh tế hộ

06:09, 14/09/2018

Sản xuất theo chuỗi khép kín với sự đầu tư về khoa học kỹ thuật, bảo đảm đầu ra đã giúp các thành viên HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) sản xuất các sản phẩm chăn nuôi an toàn, sạch bệnh đối với người sử dụng. Đây cũng là HTX đầu tiên trong huyện đi tiên phong trong chuỗi sản xuất và kinh doanh thịt lợn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. HTX gồm 11 thành viên là những hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn. Tham gia vào HTX, ngoài việc được tuyên truyền các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các thành viên HTX còn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua việc tổ chức lại quy mô sản xuất, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đầu vào giá rẻ, bảo đảm chất lượng, an toàn và có địa chỉ tin cậy. Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Mặc dù phải đầu tư lớn nhưng chăn nuôi theo mô hình khép kín có nhiều ưu việt. Về lâu dài, hình thức chăn nuôi này giúp giảm chi phí, đặc biệt là ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, HTX đã tổ chức chuỗi sản xuất, kinh doanh thịt lợn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và cung ứng sản phẩm dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng”. Hiện đàn lợn của HTX có 350-400 con lợn nái sinh sản và 4.000 con lợn thịt. HTX cũng xây dựng lò giết mổ đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh dịch bệnh. Đầu năm 2017, HTX ra mắt 2 điểm cung ứng thịt lợn sạch mang thương hiệu Nam Sơn trên địa bàn xã Yên Lợi và Thị trấn Lâm (Ý Yên) để cung cấp sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP cho người tiêu dùng. HTX đã cung ứng ra thị trường trên 1 tấn thịt lợn sạch/ngày; từ đó ổn định việc làm, nâng cao mức thu nhập cho thành viên và cho người lao động.

Trước đây, một số hộ dân chăn nuôi lợn trong xã Trực Thái (Trực Ninh) theo hình thức tự phát, chưa có liên kết, người nuôi phải mua thức ăn, con giống với giá cao. Chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Với mong muốn tạo ra sự liên kết trong chăn nuôi, cung cấp cho người chăn nuôi nguồn thức ăn, con giống, thuốc thú y bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý, anh Nguyễn Văn Thục đã cùng một số thành viên họp bàn, thống nhất thành lập HTX Chăn nuôi Long Phú theo Luật HTX năm 2012. Từ khi ra đời đến nay, HTX đã làm tốt vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế hộ, vận động các hộ chăn nuôi tham gia HTX, cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất. HTX chủ động phối hợp với các đơn vị chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; cử thành viên tham gia các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi để bổ sung kiến thức. Trong HTX, anh Thục là người đi tiên phong trong phát triển chăn nuôi lợn sạch. Năm 2015, anh đã áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi lợn để tăng sức đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm “lợn sạch” cung cấp đến người tiêu dùng. Qua nghiên cứu tài liệu, anh bắt đầu đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn. Anh đã đầu tư máy chế biến thức ăn chăn nuôi với nguyên liệu chế biến gồm: ngô, cám gạo, cá khô, đậu tương và thảo dược (gồm: kim ngân, khổ sâm, hoa hồi, quế chi, hoàn ngọc). Theo anh Thục, đưa thêm thảo dược vào thức ăn sẽ phòng chống bệnh tật và giải độc, kháng khuẩn cho lợn. Bình thường, giá bán thịt lợn sạch của gia đình anh chỉ cao hơn so với thịt lợn thường từ 8-10 nghìn đồng/kg. Mỗi con lợn bán ra trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 1-1,5 triệu đồng. Quá trình chăn nuôi anh đưa thêm men vi sinh trộn vào thức ăn được lấy men gốc chủng EM của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Thức ăn dùng đến đâu chế biến đến đó nên giá thành giảm so với thị trường khoảng 1.000 đồng/kg mà giá bán lợn thịt vẫn cao hơn so với giá thị trường. Chẳng hạn như thời điểm hiện tại, lợn thịt trên thị trường đang có giá khoảng 50 nghìn đồng/kg lợn hơi nhưng lợn của trang trại gia đình anh vẫn xuất bán được với giá 55 nghìn đồng/kg trở lên. Hiện tại, anh Thục đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn khép kín, quy mô diện tích gần 600m2, số lượng ổn định 400 con lợn với phương pháp chăn nuôi hữu cơ kết hợp thảo dược đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Đặc biệt, trong năm 2015, mô hình nuôi lợn an toàn thực phẩm của anh Thục được tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn nạc theo hướng VietGAHP. Đây là một trong 5 mô hình trên toàn quốc được đưa vào thử nghiệm của Viện Nghiên cứu thủy lợi (Bộ NN và PTNT) về xử lý nước thải sau bi-ô-ga. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh (Sở NN và PTNT) đã kiểm định và kết luận thịt lợn của gia đình anh đạt tiêu chuẩn sạch, không có chất gây độc hại cho người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 10 HTX dịch vụ chăn nuôi, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn. Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, những năm qua, các HTX chăn nuôi đã thúc đẩy mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo động lực cho chăn nuôi gia súc, gia cầm duy trì và nhân rộng, giúp các hộ nông dân chăn nuôi lợn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống… Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ kinh tế tập thể nói chung, HTX dịch vụ chăn nuôi nói riêng phát triển, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, chủ trang trại tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các chủ trang trại, người lao động. Các sở, ban, ngành tăng cường nghiên cứu thông tin thị trường, định hướng sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, gia trại, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu sản phẩm; hỗ trợ kinh phí, đồng hành cùng các chủ trang trại, gia trại tổ chức chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp các chủ trang trại mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy hiệu quả. Tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ; nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn phát triển bền vững./.

Thanh Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com