Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý, ổn định thị trường, giảm tối đa thiệt hại cho người tiêu dùng. Đây là giải pháp thiết thực lập lại nền nếp thị trường mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong điều kiện thị trường nhóm hàng này của tỉnh có nhiều bất ổn với diễn biến khó lường.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát sản phẩm hoá mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn huyện Hải Hậu. |
Thực trạng sản xuất, tiêu dùng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh bất ổn ở cả khâu sản xuất và kinh doanh. Đến nay, sau gần 3 tháng cơ quan chức năng thu giữ 750 sản phẩm chữa bệnh ung thư giả bằng than tre Vinaca do Cty Vinaca (Hải Phòng) sản xuất, kinh doanh tại 5 cơ sở thuộc các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực và Thành phố Nam Định, người tiêu dùng vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sản phẩm được quảng cáo rầm rộ công khai là “cứu cánh” trong điều trị căn bệnh nan y lại bị làm giả một cách trắng trợn. Hay vụ việc một số cơ sở làm đẹp quảng cáo với khách hàng các loại mỹ phẩm có công dụng tắm trắng, tẩy da chết, triệt lông vĩnh viễn được quảng cáo là có nguồn gốc từ thảo dược và chứng minh độ an toàn bằng việc nếm mỹ phẩm trước mặt khách. Tuy nhiên kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn cho thấy các loại mỹ phẩm này đều được nhập sỉ từ Trung Quốc về rồi chia ra các lọ nhỏ hoặc tự pha chế từ nước cốt chanh, đường, có bổ sung thêm chất làm trắng và cô đặc lại hay đun nóng tùy vào mục đích sử dụng. Nếu sử dụng trong một thời gian dài sẽ khó tránh được tình trạng kích ứng da dẫn đến viêm nhiễm do chất tẩy trắng mang lại. Việc kinh doanh, phân phối nhóm hàng này còn phức tạp hơn với những thủ đoạn gian lận về giá bán, chất lượng sản phẩm… Thị trường đông dược với hàng trăm vị thuốc khác nhau từ rễ cây cỏ đến vị thuốc bắc... cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo được sản xuất ở cả trong và ngoài nước nhưng lại hết sức mù mờ về nhãn hiệu... Giá của những loại dược liệu này cũng có biên độ dao động lớn khiến người tiêu dùng “không biết đường nào mà lần”. Tại phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định), giá 1kg tam thất dao động từ 2 triệu đồng đến 30 triệu đồng tùy thuộc vào tuổi và nguồn gốc thu hái tự nhiên hay là sản phẩm trồng. Cùng là nấm linh chi, nấm lim xanh, có loại chỉ 2 triệu đồng/kg, nhưng cũng có loại 10 triệu đồng/kg… Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc y học cổ truyền hoàn tán dạng bột hoặc viên người mua không biết thành phần nguyên liệu… như thế nào ngoài lời giới thiệu của người bán. Đó là chưa kể đến việc các nguyên liệu để làm ra sản phẩm còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản… Đặc biệt trong thời gian gần đây với công nghệ chiết xuất tiên tiến, nhiều dược liệu quý được thị trường ưa chuộng nhập khẩu từ nước ngoài về như nấm linh chi, sâm, đông trùng hạ thảo… được cho rằng đã bị rút hết dược chất, phần đến tay người tiêu dùng chỉ là phần xác được tẩm hương liệu để đánh lừa người mua. Về các chiêu chào bán sản phẩm thì ngoài việc quảng cáo quá sự thật công dụng của sản phẩm, hầu hết các loại dược liệu, thực phẩm chức năng đều được lợi dụng uy tín của các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở để bán hàng thông qua hình thức hội thảo, tri ân khách hàng, cho, biếu, tặng sản phẩm… Một lý do quan trọng khiến thị trường sản phẩm này bát nháo như vậy là do việc quản lý của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện tại mới chỉ thống kê được hệ thống các cửa hàng kinh doanh tân dược và y dược cổ truyền, còn cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm thì không có số liệu chính xác bởi nhóm hàng hóa này được bày bán ở khắp các cửa hàng tạp hóa, trên mạng internet và bán lưu động.
Trước thực trạng nêu trên của thị trường mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, các ngành chức năng đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, các đơn vị thuộc ngành y dược tập trung rà soát trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới phù hợp với thực tế quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào kiểm soát nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người. Lực lượng chuyên ngành của các Sở Công thương, Công an tỉnh, Sở KH và CN tập trung rà soát, thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong sản xuất, kinh doanh nhóm hàng này, nghiêm túc xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Do đó việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đã được chấn chỉnh; tình trạng quảng cáo sai sự thật; mời chào mua bán theo hình thức bán hàng đa cấp… đã giảm hẳn. Riêng lực lượng Quản lý thị trường chỉ trong vòng gần 2 tháng triển khai đợt cao điểm đã tổ chức kiểm soát trên 50 lượt và phát hiện trên 20 vụ vi phạm ở cả 10 huyện, thành phố. Vi phạm chủ yếu đối với các cơ sở này là không đảm bảo các điều kiện kinh doanh, sử dụng nhân viên không có chứng chỉ đứng bán hàng thuốc tân dược; vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và sản phẩm hết hạn sử dụng. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính theo quy định đối với các cơ sở vi phạm, đồng thời yêu cầu khắc phục và tiến hành hậu kiểm sau 1 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt. Sau một thời gian tập trung cao điểm cho việc kiểm soát thị trường mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, ngoài việc kịp thời phát hiện những sai phạm, lực lượng chức năng cũng chỉ rõ những bất cập trong quá trình thực thi pháp luật trong sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm này. Trong đó, lĩnh vực dược liệu y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chế tài xử phạt nhẹ và thiếu trong khi vi phạm rất nhiều, thủ đoạn tinh vi; cán bộ làm công tác kiểm soát thị trường còn mỏng, thiếu chuyên môn sâu về y dược nên khó phát hiện vi phạm kịp thời; công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ nên hiệu quả kiểm soát chưa cao. Hơn thế nữa, điều đáng lo ngại hiện nay là phần lớn các chủ cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn hầu hết không có kiến thức về bảo quản và kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cũng góp phần làm giảm chất lượng sản phẩm và là điều kiện để các đối tượng mua bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng lợi dụng, đưa hàng không rõ xuất xứ vào tiêu thụ. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại đối với nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm này nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương làm tốt công tác phối hợp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường điều tra trinh sát, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao nhất trong việc chống gian lận thương mại nhóm hàng mỹ phẩm, dược phẩm, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự thận trọng của người tiêu dùng để không trở thành nạn nhân cũng như tiếp tay phân phối hàng gian, hàng giả trên thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương