Nỗ lực xây dựng và bảo hộ thương hiệu các sản phẩm tiêu biểu

08:08, 01/08/2018

Khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng để tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại toàn cầu đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước. Mỗi thương hiệu không chỉ là tập hợp các yếu tố để phân biệt sản phẩm mà là yếu tố cạnh tranh quan trọng, là tài sản có giá trị lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hóa. Do vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển xuất khẩu, Sở KH và CN luôn chú trọng ưu tiên hỗ trợ xây dựng, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Sản phẩm nước mắm tại xã Giao Châu (Giao Thủy) được Sở KH và CN hỗ trợ xây dựng thương hiệu dưới dạng nhãn hiệu tập thể.
Sản phẩm nước mắm tại xã Giao Châu (Giao Thủy) được Sở KH và CN hỗ trợ xây dựng thương hiệu dưới dạng nhãn hiệu tập thể.

Thời gian qua, chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh được thực hiện gồm: Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Gạo tám xoan Hải Hậu” (Hải Hậu); xây dựng nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ La Xuyên”, xã Yên Ninh (Ý Yên), “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” (Nghĩa Hưng); nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Rượu nếp Yên Phú”, xã Yên Phú (Ý Yên), “Nước mắm Giao Châu”, xã Giao Châu, sản phẩm “Ngao sạch Giao Thủy” (Giao Thuỷ) và gần 300 nhãn hiệu hàng hóa là sản phẩm đăng ký bảo hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan thì việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại bất cập. Cụ thể, số lượng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được đăng ký bảo hộ không nhiều. Việc đầu tư xây dựng thương hiệu tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa tính đến nhu cầu tiêu dùng, khả năng tiêu thụ khiến một số sản phẩm đã có thương hiệu nhưng không phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, không thúc đẩy thương mại hóa mặt hàng được. Một số sản phẩm sau khi xây dựng thành công thương hiệu thì việc sản xuất hàng hóa lại có dấu hiệu mai một. Trong khi đó gian thương lại lợi dụng tình trạng buông lỏng quản lý, bảo vệ chất lượng và thương hiệu sản phẩm để làm giả, làm nhái hàng hóa đó để trục lợi lớn, nhất là nhóm sản phẩm làng nghề đã có thương hiệu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của làng nghề, đặc sản địa phương. Tại huyện Hải Hậu, 15 xã có thổ nhưỡng phù hợp với việc canh tác gạo tám xoan đặc sản. Từ năm 2008, gạo tám xoan Hải Hậu đã được Sở KH và CN, UBND huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Có thể nói đây là sản phẩm gạo đầu tiên của tỉnh cũng như trên cả nước thực hiện xây dựng tên gọi xuất xứ theo thể thức mới, đặc biệt là đã xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình từ sản xuất, chế biến và thương mại, thương hiệu được cả nước biết đến. Tuy nhiên do chưa tổ chức liên kết sản xuất được theo chuỗi nên người sản xuất không quản lý được sản phẩm ra thị trường đến tay người tiêu dùng khiến 90% lượng sản phẩm “Gạo tám xoan Hải Hậu” tiêu thụ trên thị trường bị giả thương hiệu dẫn đến người tiêu dùng không còn tin tưởng. Người canh tác lúa tám Hải Hậu vì vậy cũng không yên tâm đầu tư, phát triển và bảo tồn thương hiệu. Các sản phẩm hàng hóa khác như: Nước mắm Giao Châu, Ngao sạch Giao Thủy, Đồ gỗ La Xuyên… dù đã được cấp nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn loay hoay tìm hướng đi để phát triển theo hướng bền vững bởi các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các làng nghề chưa mặn mà với việc bảo vệ, gìn giữ thương hiệu. Nguyên nhân của thực trạng này được ngành chức năng xác định một phần do xu thế tiêu dùng trên thị trường thay đổi, sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú đa dạng phù hợp với đời sống hiện đại nên các sản phẩm truyền thống phải cạnh tranh khó khăn hơn; nhiều người tiêu dùng không còn mặn mà tìm kiếm sản phẩm truyền thống nữa. Bên cạnh đó các chủ thể quản lý, sử dụng thương hiệu sản phẩm chưa đủ năng lực phát huy được quyền sở hữu của mình khi được pháp luật bảo hộ.

Để khắc phục những bất cập kể trên, Sở KH và CN đã tập trung đẩy mạnh hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ, phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh thương hiệu sản phẩm. Trong đó tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ và chứng nhận độc lập cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Gạo tám xoan Hải Hậu”, nhằm đảm bảo cho nông dân canh tác lúa tám xoan tuân thủ đúng quy trình, chế biến đúng phương pháp, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ người dân làng nghề thuộc dự án phát triển nhãn hiệu tập thể “Rượu nếp Yên Phú” đã được chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu từ giai đoạn trước. Thông qua đó góp phần hỗ trợ hiệu quả cho các Hiệp hội ngành nghề duy trì phát triển nhãn hiệu đã được chứng nhận. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng được Sở KH và CN chú trọng thực hiện qua việc tăng cường kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép quyền SHTT. Tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành, liên tỉnh và Thanh tra Bộ KH và CN để kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, chống sử dụng trái phép các quyền SHTT đối với các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được bảo hộ. Qua thanh tra, kiểm tra, bên cạnh việc xử lý vi phạm, đoàn công tác cũng chỉ ra những sơ hở trong quá trình thực hiện bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ, đồng thời kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về thực trạng thực thi quyền SHTT tại các doanh nghiệp, làm căn cứ xác định nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, năm 2018 Sở KH và CN phối hợp với các địa phương hỗ trợ xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu cho 2 sản phẩm làng nghề tiêu biểu là “Cơ khí Xuân Tiến” của làng nghề Xuân Tiến (Xuân Trường) và sản phẩm “Bánh nhãn Hải Hậu” (Hải Hậu).

Những nỗ lực của Sở KH và CN trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu của địa phương đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi Luật SHTT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đã nâng cao nhận thức về SHTT của toàn dân, của doanh nghiệp và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đây chính là “chìa khóa” giúp các cơ sở sản xuất, làng nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo vệ và phát triển thương hiệu khi tham gia thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com