Theo báo cáo của Sở KH và ĐT, tính đến tháng 6-2018, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được gần 7.600 doanh nghiệp và 650 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký trên 56,6 nghìn tỷ đồng; tăng 11% về số lượng doanh nghiệp và 14,4% tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9,6%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 33.203 tỷ đồng, tăng 12,8%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 871 triệu USD, tăng 19,1% so cùng kỳ năm 2017.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những tháng đầu năm 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh như: ban hành nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; đôn đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo cam kết của lãnh đạo tỉnh tại các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành: KH và ĐT, Công thương, TN và MT, Cục Thuế tỉnh; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh... thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tập trung chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Với sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã có bước cải thiện khả quan cả về số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp và công tác thu hút đầu tư. Trong số 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, dệt may - da giầy là ngành sản xuất ổn định và giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu ngành công nghiệp của các huyện, thành phố, thu hút nhiều lao động nông thôn. Các doanh nghiệp dệt may và da giầy lớn vẫn có đơn hàng ổn định, có mức tăng trưởng cao như: Cty CP May Sông Hồng, Cty TNHH May YSS, Cty TNHH Youngone Nam Định, Cty TNHH Amara Việt Nam, Cty TNHH Yamani Dynasty… Sản xuất, gia công sản phẩm kim khí, dây lưới thép, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản phẩm phục vụ xây dựng như đúc cổng, lan can; sản phẩm gia dụng từ nhôm, sắt, inox… duy trì ổn định… Ngành sản xuất các sản phẩm từ gỗ cùng với các doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường như Cty CP Lâm sản Nam Định, Cty CP Tùng Lâm, Cty TNHH Thành Long, các làng nghề chế biến gỗ phục vụ xây dựng, dân dụng và mỹ nghệ cũng duy trì phát triển tốt ở các xã Hải Vân, Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung (Hải Hậu); Cổ Lễ (Trực Ninh); Trung Lao (Nam Trực); La Xuyên, Yên Ninh (Ý Yên)... Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 153 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 4.625 tỷ đồng; 56 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 2.675,8 triệu USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 5 dự án mới đầu tư vào các KCN, trong đó có 2 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 29,04 tỷ đồng; 3 dự án của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 89 triệu USD. Lũy kế đến nay, các KCN đã có 174 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 134 dự án của 112 doanh nghiệp trong nước, 40 dự án của 37 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.406 tỷ đồng và 769,8 triệu USD; vốn thực hiện là 4.043 tỷ đồng và 456,6 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tại các KCN 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 9.498 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước, thu hút 40.500 lao động. 20 CCN tập trung của các huyện, thành phố duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.830 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, thu hút khoảng 19.700 lao động. Một số dự án đầu tư mới đang triển khai xây dựng tại các địa phương như Cty TNHH Viet Power sản xuất giày dép xuất khẩu (tổng đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, thu hút khoảng 700 lao động); Cty TNHH Dream Plastic Nam Định sản xuất đồ chơi trẻ em (tổng vốn đầu tư khoảng 75 tỷ đồng, thu hút 2.000 lao động) tại CCN Hải Phương (Hải Hậu)…
Năm 2018, năm “bản lề” có tính chất quyết định để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, vì thế, UBND tỉnh yêu cầu ngành Công thương và UBND các địa phương cần căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt để nỗ lực, chủ động xúc tiến kêu gọi đầu tư, chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo ra nhiều lợi thế ưu đãi cho doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tích cực xúc tiến đầu tư để thu hút được các dự án lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Theo đó những tháng cuối năm 2018, ngành Công thương tập trung tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thành lập CCN Yên Dương (Ý Yên), CCN Thịnh Lâm (Giao Thuỷ), mở rộng CCN Đồng Côi (Nam Trực); triển khai xây dựng dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ các sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực theo chỉ đạo của Bộ Công thương; triển khai điều tra năng lực sản xuất và kết quả thực tế sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN năm 2018 với các mục tiêu cụ thể: giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 54,95 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng từ 13% trở lên so với năm 2017; giá trị xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD./.
Thành Trung