Từ năm 2005 trở lại đây, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều dự án nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, góp phần tích cực phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trước điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) và yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hệ thống thủy lợi của tỉnh cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Kiểm tra công tác tiêu úng tại cống Ninh Mỹ thuộc hệ thống thuỷ nông Hải Hậu. |
Theo thống kê của Sở NN và PTNT, hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) của tỉnh ta gồm có 340 cống qua đê chính, đê bối và đê dự phòng; 798 trạm bơm điện tưới tiêu có 1.228 máy bơm với tổng công suất 2.360.180 m3/giờ; 1.427 đập điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng trên kênh cấp I, II; 2.497 cống cấp II; 409 đập điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng trên kênh cấp III; 40.626 cống cấp III và cống khoảnh; 271 kênh cấp I với tổng chiều dài 1.206km; 2.934 kênh cấp II với tổng chiều dài 3.672km; 35.561 kênh cấp III với tổng chiều dài trên 10 nghìn km. Tuy nhiên so với yêu cầu năng lực hệ thống còn thấp. Hệ thống tưới mới đạt từ 0,86-1 l/s/ha, trong khi yêu cầu là 1,25-1,31 l/s/ha. Hệ số tiêu mới đạt khoảng 4-5,5 l/s/ha (yêu cầu là 7-7,2 l/s/ha). Hệ thống công trình hiện còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo yêu cầu phân phối, điều tiết và quản lý: Thiếu công trình điều tiết; nhiều công trình điều tiết nội đồng đang sử dụng đã bị hư hỏng trầm trọng, không đảm bảo cho khoanh tách hệ thống. Hệ thống động lực chưa được phát huy đúng mức nên không đáp ứng được nhu cầu thâm canh cây lúa trong giai đoạn khẩn trương, khi thời tiết biến động lớn. Đa số các cống qua đê đã xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 30 năm, một số cống được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc nên quy mô nhỏ, hình thức kết cấu đơn giản. Các cống chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều nên bị nước mặn xâm thực, tốc độ xuống cấp rất nhanh trong khi kinh phí dành cho sửa chữa rất hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu tu sửa, nâng cấp công trình. Phần lớn các trạm bơm trong hệ thống được xây dựng từ lâu đã xuống cấp và thiết bị máy móc hư hỏng nhiều, hiệu suất bơm thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất hiện nay. Một số trạm bơm thiết kế lắp đặt máy bơm cũ lạc hậu, điện năng tiêu thụ lớn nhưng công suất bơm nhỏ. Hầu hết các kênh từ cấp I đến cấp III đều bị bồi lắng lòng kênh, mái kênh bằng đất bị sạt lở, mặt cắt ngang kênh bị thu hẹp, nhỏ hơn nhiều so với thiết kế ban đầu. Hơn nữa tình trạng vi phạm lấn chiếm mặt cắt kênh diễn ra ở các địa phương với mọi hình thức, ngày một gia tăng, nhất là những kênh đi qua vùng thị trấn, thị tứ, khu dân cư. Vì vậy, năng lực chuyển tải nước giảm rất nhiều so với năng lực thiết kế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến yêu cầu phục vụ sản xuất. Trong khi đó, các vùng sản xuất thâm canh còn phân tán, manh mún, chưa gắn chặt chẽ với hệ thống CTTL. Nhu cầu tưới, tiêu của các vùng khác nhau gây khó khăn lớn cho việc điều hành nước. Một số mô hình chuyển đổi sản xuất chưa gắn với việc quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi nhằm đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu hiệu quả. Đặc biệt là ở các dự án nuôi trồng thủy sản, phương thức tưới, tiêu khác với việc tưới tiêu cho lúa nhưng lại nằm trong vùng trồng lúa dẫn đến phá vỡ quy hoạch thủy lợi. Việc phục vụ tưới tiêu cho các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây vụ đông còn hạn chế do chưa quy hoạch thành các vùng tập trung mà còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất chưa đồng bộ với việc tăng năng lực đáp ứng của CTTL.
Trong 10 năm qua, tỉnh đầu tư, nâng cấp 18.527 CTTL và kiên cố hóa 710km kênh mương các loại. Hằng năm, các Cty KTCTTL sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí và nguồn kinh phí chống hạn đầu tư sửa chữa máy móc, thiết bị, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; phối hợp giải tỏa các vi phạm pháp lệnh về CTTL; xây dựng các phương án phòng chống úng, hạn và kế hoạch tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, BĐKH tác động càng bộc lộ hạn chế của hệ thống CTTL, làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhất là 2 năm gần đây, trong vụ mùa chịu ảnh hưởng của thiên tai kép: “Thiên vũ - lũ giáng - triều dâng”. Nổi lên trong 2 năm qua ở hệ thống thủy nông Nam Ninh, ngoài tiêu bằng trạm bơm, hướng tiêu tự chảy duy nhất của hệ thống là hạ lưu sông Ninh Cơ qua các cống dưới đê từ cống Lương Hàn đến cống Rõng. Việc tiêu tự chảy phụ thuộc vào thời gian và mực nước ngoài sông. Ở các vụ mùa 2017, 2018, do mưa lớn vượt tần suất thiết kế của các CTTL kết hợp nước lũ dâng cao trên sông Ninh Cơ khiến việc tiêu rút nước không có hiệu quả. Vào mùa khô thì tình trạng cạn kiệt trên sông Hồng, sông Đáy và xâm nhập mặn vùng cửa sông gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vùng sản xuất thuộc hệ thống thủy nông Nghĩa Hưng có 2.500-3.000ha bị ảnh hưởng mặn nên cây trồng thường xuyên bị giảm năng suất từ 20-30% so với diện tích không bị nhiễm mặn. Ở hệ thống thủy nông Xuân Thủy, có thời điểm mặn cao xâm nhập sâu vào cửa sông, kết hợp lượng nước nguồn thấp làm giảm thời gian mở cống lấy nước phục vụ sản xuất. Cá biệt như đầu năm 2011, độ mặn đo được tại cống số 7 là 3,9 phần nghìn; trên sông Hồng tại Ngô Đồng độ mặn lên tới 23,5 phần nghìn dẫn tới tình trạng không đủ nước tưới cho hàng nghìn ha… Mặt khác hiện nay, việc sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày với kỹ thuật canh tác cao hơn, đòi hỏi thời gian cấp và thoát nước nhanh hơn, do đó cần có quy hoạch thủy lợi hợp lý, khoa học.
Trước ảnh hưởng bất lợi của BĐKH, thiên tai bão lụt ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn, để chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, việc củng cố, nâng cấp và tăng cường quản lý khai thác hệ thống thủy nông là giải pháp cơ bản và lâu dài. Do đó, ngành NN và PTNT cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp nâng cao khả năng tưới, tiêu của các CTTL, bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh. Tính toán lại hệ số tưới, tiêu cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn; đầu tư kiên cố hóa, cải tạo, sửa chữa máy móc thiết bị và nạo vét khơi thông hệ thống kênh mương do các Cty TNHH một thành viên KTCTTL Mỹ Thành, Vụ Bản, Ý Yên quản lý, nâng cao hiệu suất các công trình, giải quyết vấn đề tưới cho vùng phía bắc tỉnh. Đối với các hệ thống thủy lợi Nghĩa Hưng, Nam Ninh, Xuân Thủy, Hải Hậu tiếp tục nạo vét, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nhằm giảm tổn thất nước; cải tạo sửa chữa, nâng cấp, xây mới một số công trình đầu mối và công trình nội đồng đảm bảo đạt được hệ số tưới, tiêu theo thiết kế. Bổ sung trạm bơm tưới, tiêu cho các vùng cao cục bộ. Ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy cần tăng khả năng lấy nước của công trình đầu mối, giảm thời gian cần lấy, tranh thủ đầu nước cao, chất lượng tốt để lấy nước, đảm bảo ngả ải đúng lịch thời vụ theo quy trình thâm canh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh