Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học

08:08, 24/08/2018

Nam Định là địa phương có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, nguồn lợi thủy sản đa dạng, đặc biệt có Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Nam đồng bằng sông Hồng đã được tổ chức UNESCO công nhận, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn. Thời gian qua tỉnh đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo tồn ĐDSH, song thực tế tài nguyên ĐDSH trên địa bàn tỉnh đang bị suy giảm, suy thoái; Vườn quốc gia Xuân Thủy đang gặp nhiều thách thức do mất cân bằng sinh thái.

Du khách tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy - Khu dự trữ sinh quyển đã được tổ chức UNESCO công nhận có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn.
Du khách tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy - Khu dự trữ sinh quyển đã được tổ chức UNESCO công nhận có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã giao Sở TN và MT phối hợp với Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tiến hành đánh giá một cách đầy đủ hơn về nguồn lợi, tính đa dạng sinh học của khu hệ động thực vật, các hệ sinh thái, những loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng. Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tập trung đề xuất cụ thể giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Qua khảo sát, đánh giá, các đơn vị đã xác định được các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện trạng ĐDSH bị suy thoái và nhiều loài có nguy cơ bị tiệt chủng, bao gồm: Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn loài còn rất hạn chế, thiếu sự quan tâm hỗ trợ. Các chủ trương, chính sách quản lý, bảo tồn được ban hành nhưng thiếu các biện pháp kiểm tra của các cấp quản lý nên thực hiện kém hiệu quả. Một số chính sách còn chưa sát thực tế, chưa đủ sức thuyết phục cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển ĐDSH. Vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa hai ngành NN và PTNT, TN và MT. Nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã được nâng lên nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt trong việc bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện. Một bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp dẫn đến nạn khai thác, đánh bắt, săn bắn, buôn bán gia tăng và trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, sự xuất hiện một số loài sinh vật xâm hại có sức sống mạnh, cạnh tranh, giành môi trường sống của các loài bản địa cũng làm giảm tính ĐDSH trên địa bàn. 

Để từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên, Sở TN và MT, Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ đã đề xuất 8 nhóm giải pháp với 11 chương trình, dự án ưu tiên thực hiện, tổng kinh phí 47 tỷ đồng. Trong đó, có 1 dự án với tổng kinh phí dự kiến là 7 tỷ đồng cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH tỉnh, hướng tới đạt được các mục tiêu: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị liên quan và cộng đồng dân cư về bảo tồn ĐDSH. Thiết lập, duy trì mạng lưới truyền thông ĐDSH nhằm xã hội hóa công tác bảo tồn ĐDSH trên phạm vi toàn tỉnh. Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương về sinh vật ngoại lai, các biện pháp giám sát, kiểm soát và bao vây, tiêu diệt loài ngoại lai xâm hại. Nhóm biện pháp về quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn mới theo quy định của Luật ĐDSH nhằm đưa các khu bảo tồn đề xuất mới sớm có quyết định thành lập đi vào hoạt động có 1 dự án với kinh phí dự kiến 10 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu cụ thể là: Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết và thành lập khu bảo tồn Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu dự trữ thiên nhiên cửa sông Hồng, khu bảo tồn loài sinh cảnh Nghĩa Hưng, khu bảo vệ cảnh quan hồ Vị Xuyên, khu bảo vệ cảnh quan hồ Truyền Thống. Về công tác phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn ĐDSH nhằm tăng cường bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm và các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học và kinh tế của tỉnh có 3 dự án với tổng kinh phí dự kiến 8 tỷ đồng; bao gồm: Điều tra, đề xuất kế hoạch phát triển các cơ sở bảo tồn ĐDSH; Bảo tồn một số giống hoa, cây cảnh quý hiếm của tỉnh nhằm lưu giữ và nhân rộng; Đề án phát triển giống cây đặc sản lúa Tám Xuân Đài, Khoai lang Lim Chợ Chùa, lúa Nếp cái hoa vàng, lúa Dự Nam Định nhằm lưu giữ và nhân rộng các giống cây đặc sản Nam Định. Nhóm đào tạo, tăng cường năng lực thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH cho tất cả các cơ quan quản lý về bảo tồn ĐDSH ở các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương và các khu bảo tồn được phê duyệt quy hoạch có 1 dự án với tổng kinh phí dự kiến 2 tỷ đồng để xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý về bảo tồn ĐDSH cho cán bộ quản lý các cấp của tỉnh. Có 1 dự án với tổng kinh phí dự kiến 3 tỷ đồng để rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý, bảo tồn, phối hợp quản lý, thực hiện bảo tồn và chia sẻ lợi ích giữa các ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng tham gia bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn... Có 2 dự án với tổng kinh phí dự kiến 9 tỷ đồng xây dựng mô hình quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng; Củng cố, phát triển và nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn ĐDSH. 1 dự án với tổng kinh phí dự kiến 6 tỷ đồng với nhiệm vụ phục hồi và trồng mới rừng phòng hộ ven biển và hệ thống rừng ngập mặn theo các loài cây đã được đề xuất. Để ngăn chặn, kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại có 1 dự án với kinh phí dự kiến 2 tỷ đồng với nhiệm vụ tập trung đánh giá hiện trạng sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh; Xác định ảnh hưởng của một số loài sinh vật ngoại lai đến ĐDSH; Đề xuất các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát; đảm bảo 100% các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được đưa vào danh sách và được kiểm soát.

Về giải pháp thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả cao theo Quy hoạch UBND tỉnh cần thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Quy hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành liên quan. Bên cạnh đó, việc triển khai Quy hoạch cần áp dụng các giải pháp dựa trên thực tiễn quản lý và mang tính khả thi cao, bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường năng lực; điều tra nghiên cứu xác định các vùng trọng điểm để bảo tồn; nghiên cứu sử dụng các phương pháp, công cụ và áp dụng các mô hình mới; công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội; hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính kỹ thuật./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com