Thực hiện chủ trương phát triển ngành nghề sản xuất CN-TTCN để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, Đảng ủy, UBND xã Hải Hưng (Hải Hậu) đã có nghị quyết chuyên đề và đề án về phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Nhờ đó, đến nay toàn xã đã có trên 1.000 lao động trong độ tuổi thường xuyên có việc làm từ các ngành nghề sản xuất CN-TTCN; tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 1,96%.
Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, UBND xã đã rà soát tình hình lực lượng lao động, nhu cầu học nghề và khả năng phát triển nghề của từng thôn, xóm để triển khai kế hoạch “nhân cấy” nghề, thu hút đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN. Hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp dạy nghề cho hàng trăm lượt lao động; chuẩn bị sẵn nguồn lao động có tay nghề để đón các nhà đầu tư. Xã đã ưu tiên quy hoạch để tạo quỹ đất cho sản xuất CN-TTCN, đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục thuộc thẩm quyền địa phương nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài xã đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN; tích cực vận động, tìm kiếm, đưa nghề mới về địa phương. Xã đã đứng ra tín chấp với các Ngân hàng NN và PTNT, CSXH, Quỹ tín dụng nhân dân để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, các nghề: mộc gia dụng, cơ khí, xây dựng dân dụng đã từng bước phát triển. Toàn xã hiện có 13 cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cơ sở có mức đầu tư lớn cho thiết bị máy móc nên đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh khá. Với kinh nghiệm gần 20 năm sản xuất sản phẩm mộc gia dụng, đến nay cơ sở sản xuất của ông Lại Văn Dũng đã trang bị đầy đủ các loại máy xẻ gỗ đường kính tối đa 1m, loại máy vanh, cắt mộng và 6 loại máy cầm tay… tạo việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động. Mỗi năm cơ sở sản xuất của ông tiêu thụ từ 30-40m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm bàn ghế, cửa, cầu thang... phục vụ nhu cầu của nhân dân và các công trình công sở, trường học. Ngoài nghề mộc, nghề may công nghiệp của xã cũng phát triển với 7 cơ sở sản xuất gia công; 1 xưởng sản xuất các loại chăn - ga - gối - đệm tạo việc làm cho trên 200 lao động. Với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, năm 2016, tranh thủ chủ trương của xã, ông Mai Hồng Khanh, xóm 1 đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và trang bị 3 dàn máy thêu vi tính (mỗi dàn gồm 22 đầu máy 9 kim), 3 dàn máy chần bông vi tính và 20 máy may công nghiệp các loại để sản xuất các loại chăn - ga - gối - đệm. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở sản xuất được từ 1.500 bộ sản phẩm các loại xuất ra thị trường trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực miền Bắc, miền Trung. Cơ sở thu hút 20 lao động làm việc tập trung với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng và khoảng trên chục hộ nhận gia công các công đoạn sản phẩm tại nhà. Nghề xây dựng ở xã Hải Hưng cũng phát triển với trên 20 đội thợ thường xuyên nhận được các hợp đồng xây dựng công trình lớn thu hút trên 700 lao động tham gia với thu nhập bình quân từ 120-170 nghìn đồng/người/ngày. Đối với những lao động không có điều kiện tham gia sản xuất CN-TTCN, xã khuyến khích cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế sinh vật cảnh, trồng hoa. Từ chỗ phát triển nhỏ lẻ, đến nay, làng nghề hoa, cây cảnh ở xóm 3 đã giúp nhiều hộ có thu nhập cao như hộ các ông Mai Văn Phương, Mai Văn Trung với thu nhập 80-100 triệu đồng/năm, được huyện, tỉnh công nhận đủ tiêu chuẩn làng nghề theo các tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Cùng với phát triển đa dạng ngành nghề, xã Hải Hưng còn chủ trương đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN. Năm 2016, xã Hải Hưng đã thu hút được dự án đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu với tổng số vốn đầu tư gần 160 tỷ đồng của Cty CP Đầu tư Hải Đường. Hiện tại, dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn I với 1 xưởng may 2 tầng (tổng số 28 chuyền may); hệ thống các công trình phụ trợ như nhà điều hành, nhà ăn, kho... đang tiếp tục được hoàn thiện. Xưởng sản xuất được trang bị hệ thống làm mát bằng quạt hút, cửa thông gió, 80% máy may công nghiệp được gắn mô tơ liền; máy vắt sổ có lắp đặt hệ thống hút bụi... nên nhiệt độ trong xưởng sản xuất luôn ở mức 28 độ C, đảm bảo vệ sinh công nghiệp. Hiện tại, dự án đã đi vào sản xuất các mặt hàng dệt kim xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, Hàn Quốc..., thu hút trên 400 lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ tập trung thực hiện các biện pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cuộc sống của người dân xã Hải Hưng ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ các hộ khá, giàu tăng nhanh. Năm 2018, xã Hải Hưng phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ chiếm 70% tỷ trọng cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm./.
Thành Trung