Hải Hậu phát triển kinh tế sinh vật cảnh

04:08, 10/08/2018

Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, những năm qua phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở huyện Hải Hậu có bước phát triển mới; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của các hộ dân.

Vườn cây sanh thế của ông Hoàng Văn Hữu ở thôn Hưng Đạo, xã Hải Tây có giá trị kinh tế cao.
Vườn cây sanh thế của ông Hoàng Văn Hữu ở thôn Hưng Đạo, xã Hải Tây có giá trị kinh tế cao.

Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội SVC huyện Hải Hậu cho biết: Hội SVC huyện hiện có trên 1.000 hội viên ở 35 xã, thị trấn; trong đó có 65 hội viên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân SVC gồm: 6 nghệ nhân Trung ương, 43 nghệ nhân cấp tỉnh, 17 nghệ nhân cấp huyện. Ngoài 7 CLB SVC cấp huyện (trong đó có 2 CLB được thành lập trên 30 năm: CLB hoa xuân và CLB hoa lan và một số CLB khác như: CLB nghệ nhân, CLB chim cảnh, CLB diều sáo…), các xã: Hải An, Hải Đường, Hải Long, Hải Sơn, Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung, Thị trấn Cồn, Thị trấn Thịnh Long cũng thành lập các CLB cây cảnh nghệ thuật và CLB bon-sai. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 1.500ha đất trồng cây cảnh, cây thế, cây ăn trái, hoa… Những năm gần đây, hoạt động của Hội SVC huyện có nhiều khởi sắc, đem lại nguồn thu lớn cho nhân dân địa phương. Tổng giá trị thu nhập từ cây cảnh trong toàn huyện ước đạt trên 450 tỷ đồng, đạt bình quân 250 triệu đồng/ha. Nhiều địa phương có phong trào SVC phát triển, có doanh thu cao từ kinh tế SVC; tiêu biểu như các xã: Hải Minh, Hải Sơn, Hải Tây, Thị trấn Cồn… Xã Hải Sơn từ lâu được đánh giá là “lá cờ đầu” trong phong trào SVC huyện. Xã có 5 làng nghề SVC được UBND huyện công nhận là: Năm Sơn, Đông Thành, Trần Phú, Hưng Thịnh và Nam Bình. Tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của xã hiện tại đạt 70ha, trong đó ngoài diện tích chủ yếu là trồng sanh, toàn xã có gần 40 gia đình trồng địa lan, mỗi vườn có gần 100 chậu; khoảng 20 hộ trồng quất cảnh; gần chục hộ trồng cúc, đào… Hội SVC xã có 11 chi hội ở 11 xóm với trên 300 hội viên và CLB cây cảnh nghệ thuật bon-sai với 43 hội viên. Các hội viên CLB đã tích cực triển khai việc trồng, phát triển cây bon-sai, đưa các tác phẩm tham dự các triển lãm, trưng bày SVC trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật dưới bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của các nghệ nhân trong huyện đã tạo ra nhiều cây có giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí có những cây trị giá vài tỷ đồng. Nhiều hộ đã làm giàu từ cây cảnh và được tôn vinh là những “nghệ nhân làng nghề”. Anh Trần Văn Trung, nghệ nhân làng nghề ở xóm 7, xã Hải Sơn đã hơn 20 năm trồng cây cảnh. Anh Trung cho biết: Mỗi gốc cây là một thế khác nhau được hình thành từ tình yêu và sự sáng tạo của người chơi cây cảnh. Với niềm đam mê sẵn có, anh trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân SVC và nắm bắt nhu cầu thị trường, thành lập trang website giới thiệu sản phẩm cây cảnh nghệ thuật. Hiện anh là chủ của khoảng 3.500 cây cảnh, doanh thu mỗi năm gần chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động. Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại, nhà vườn mang tính chuyên nghiệp với hệ thống chăm sóc cây tự động hóa được đầu tư phát triển đúng hướng, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, dày công tạo ra những cây cảnh nghệ thuật đẹp để thu hút khách và cạnh tranh trên thị trường. Tiêu biểu như: Nhà vườn ông Hoàng Văn Hữu ở làng nghề cây cảnh Hưng Đạo, xã Hải Tây sở hữu vườn cây sanh 2ha với số lượng gần 1.000 cây gồm 300 cây trưởng thành hàng chục năm tuổi và hơn 500 cây phôi có tuổi từ 5-10 năm. Trong đó nhiều cây có giá trị kinh tế cao từ 1-5 tỷ đồng hội tụ đủ 3 yếu tố “cổ - kỳ - mĩ” với các thế, dáng đẹp, độc đáo như: long thăng, bạt phong, ngũ phúc… Nhà vườn nghệ nhân SVC Nguyễn Văn Định ở tổ dân phố số 3 (Thị trấn Thịnh Long) hiện sở hữu 3 vườn cây cảnh với tổng diện tích trên 10 nghìn m2. Mỗi năm doanh thu từ cây cảnh của ông đạt 200-300 triệu đồng.

Hằng năm, Hội SVC huyện đều tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân chuyển đổi theo hướng đa dạng các loại hình cây cảnh nghệ thuật; tích cực giao lưu học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong việc cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh để có nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị kinh tế. Hiện tại, Hội SVC huyện tiếp tục duy trì hoạt động của tổ kỹ thuật cây cảnh gồm những người có tay nghề cao trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc, uốn tỉa cây thế cho các hội viên theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”. Tổ giáo viên dạy nghề của Hội SVC huyện đã kết hợp với Trung tâm dạy nghệ huyện tổ chức mở 7 lớp học với tổng số 1.200 người tham gia. Thông quá các lớp học dạy nghề, các hội viên đã nắm bắt và áp dụng kỹ thuật cơ bản vào chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh; nâng cao kiến thức, ý tưởng phương pháp tạo hình cây nghệ thuật, vừa giữ được nét cổ truyền thống, vừa sáng tạo theo hướng hiện đại. Tham dự các triển lãm cây cảnh nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, các tác phẩm của Hội SVC Hải Hậu nhiều lần đạt giải cao. Tính đến hết năm 2017, Hội SVC huyện đã có trên 1.500 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, chủ yếu thuộc CLB bon-sai 30-4, CLB nghệ nhân, CLB bon-sai Thị trấn Cồn… Tại Hội chợ triển lãm SVC tỉnh năm 2017, Hội SVC huyện có 120 tác phẩm dự thi giành 8 giải vàng, 10 giải bạc và 15 giải đồng.

Thời gian tới, Hội SVC Hải Hậu tiếp tục vận động hội viên phát triển trồng đa dạng các loại hoa, cây cảnh, gắn sản xuất với thị trường. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào uốn tỉa, gieo trồng các loại cây phôi; mở rộng giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn truyền nghề, dạy nghề, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên và nhân dân tham gia. Chủ động tìm thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định cho các hộ làm kinh tế SVC./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com