Những năm qua tỉnh ta đã tập trung quan tâm và làm tốt công tác quy hoạch trong các ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch chung của các cấp, các địa phương đã tạo cơ sở quan trọng để kêu gọi, thu hút đầu tư. 3 năm qua, diện mạo đô thị đổi thay theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Một góc Thành phố Nam Định. |
Với sự nỗ lực của tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, cấp ngành địa phương, cộng đồng người dân, các quy hoạch quan trọng của tỉnh đã được lập và hoàn thành. Đó là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng NTM của 209 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; Quy hoạch phát triển đô thị Thịnh Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng huyện của 9 huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây đều là các quy hoạch chiến lược tạo khung pháp lý cơ sở cho thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản của các địa phương, phục vụ đắc lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Ngọc Đạt, Trưởng Phòng Quy hoạch và quản lý kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: “Các quy hoạch đều được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đảm bảo phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, có khả năng tạo đột phá về hạ tầng đô thị; đảm bảo tính liên kết vùng hiện đại, đồng bộ; đa dạng hóa các nguồn lực; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; là công cụ quan trọng, hữu hiệu để quản lý Nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong xu thế mới. Các quy hoạch đô thị được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai góp phần hình thành các cực đô thị phát triển, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hoà với môi trường, tăng tỷ lệ đô thị hoá nông thôn”. Từ việc xác định công tác quy hoạch có tính chất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Sở Xây dựng đã mời các đơn vị tư vấn chuyên gia hàng đầu tham gia phản biện các đồ án quy hoạch. Cùng với đó, các địa phương, sở, ngành của tỉnh đã trực tiếp làm việc, bám sát cùng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Từ các bước khảo sát, điều tra, thu thập số liệu cho đến triển khai nghiên cứu lập quy hoạch đều được các sở, ngành, địa phương tham gia tích cực và có phản biện cụ thể. Không còn tình trạng “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng các quy hoạch. Các quy hoạch sau khi được phê duyệt đã được đăng tải công khai trên hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh và các sở, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu, tra cứu thông tin cũng như các ngành chức năng triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch. Nhìn chung, các quy hoạch đã cơ bản đảm bảo tính đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Tỉnh cũng đã thực hiện đồng thời việc lập, bổ sung, thay đổi quy hoạch nhằm đảm bảo đồng bộ kết nối vùng và quốc gia, đảm bảo tính hiện đại, có tính đến yếu tố liên tục và kế thừa những quy hoạch có chất lượng cao, bền vững, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng - an ninh. Các quy hoạch địa phương cũng cơ bản hoàn thiện đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đảm bảo tầm nhìn dài hạn và định hướng phát triển cho các ngành và địa phương, phù hợp yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chương trình xây dựng NTM bền vững và phát triển của tỉnh. Đặc biệt, công tác quy hoạch của tỉnh đã được gắn kết với công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh, là cơ sở, nền tảng cho việc định hướng thu hút đầu tư. Trong quá trình thực hiện quy hoạch đã tổ chức tham vấn cộng đồng để đảm bảo tính khả thi, sát thực.
Nhờ vậy, diện mạo các địa phương không ngừng được phát triển mở rộng với hướng hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Hệ thống đô thị và vùng nông thôn được định hướng phát triển bền vững. Kèm theo quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và vùng nông thôn này còn có định hướng phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với từng vùng, khu vực. Giai đoạn đầu tiên đến năm 2020, tỉnh tập trung ưu tiên quy hoạch phát triển hạ tầng trọng điểm và các đô thị hạt nhân vùng. Đó là quy hoạch chung xây dựng Thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh); quy hoạch xây dựng Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đến năm 2040, Quy hoạch bảo tồn phân khu xây dựng quần thể Phủ Dầy, quy hoạch hai bên đường dẫn cầu Tân Phong, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Nam Định đến năm 2020, Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) đến năm 2030; xây dựng khu đô thị trung tâm tại 9 huyện và ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy tỷ lệ đô thị hoá ở các địa phương bằng hình thức xây dựng các khu dân cư tập trung mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng. Tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh ta không ngừng tăng, đạt trên 20%. Hàng loạt dự án đầu tư trọng điểm từ Trung ương được phân bổ góp phần thúc đẩy tỉnh trở thành cực phát triển phía nam đồng bằng sông Hồng như dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường cao tốc ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, cầu Thịnh Long... Các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm như: tỉnh lộ 489C; dự án khu trung tâm lễ hội Đền Trần, KCN Mỹ Trung, KCN Mỹ Thuận, dự án nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Hòa Xá...
Những năm tới, công tác quy hoạch xây dựng tiếp tục được tỉnh và các ngành chức năng xác định là khâu đột phá quan trọng giúp kiến thiết đô thị, nông thôn, góp phần xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh ta ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, thân thiện và mỹ quan, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân và thu hút đầu tư. Tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch gắn liền với kế hoạch thực hiện cụ thể kết hợp sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX, đáp ứng tốt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2018 từ 7-7,5%; cơ cấu kinh tế các ngành nông, lâm, ngư nghiệp: 21,5%; công nghiệp, xây dựng: 35%, dịch vụ 41%... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 15% trở lên. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tương ứng là 18%, 47% và 35%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 70-75 triệu đồng. Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống dưới 10%; tỷ trọng phi nông nghiệp tăng trên 90% trong cơ cấu kinh tế./.
Bài và ảnh: Đức Toàn