Nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch, cơ cấu đầu tư của các ngành, địa phương, thời gian qua, Sở KH và ĐT đã phối hợp các sở, ngành liên quan không ngừng nâng cao chất lượng công tác giám sát và đánh giá đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực ngành. Thông qua việc giám sát, đánh giá giúp cung cấp thông tin kịp thời về tình hình triển khai và kết quả thực hiện các chương trình dự án, cho phép cơ quan quản lý Nhà nước nắm được cụ thể diễn biến của quá trình đầu tư và có các quyết định xử lý kịp thời, phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thực hiện chương trình dự án đúng tiến độ, đúng yêu cầu chất lượng và trong giới hạn chi phí được duyệt.
Thi công xây dựng trường tiểu học chất lượng cao tại Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch. |
Theo đánh giá của Sở KH và ĐT, công tác giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước thời gian qua được các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30-9-2015 của Chính phủ và Thông tư số 13/2016/TT-BKHĐT ngày 29-9-2016 của Bộ KH và ĐT về đánh giá và giám sát đầu tư. Đến hết tháng 6-2018, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giao kế hoạch của tỉnh là 3.252,831 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương được UBND tỉnh giao là 1.896,27 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương được Chính phủ giao là 1.255,661 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ giao là 100,9 tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) đã giải ngân trước ngày 30-6-2018 là 1.300,63 tỷ đồng, đạt 43,6%. Trong đó, ngân sách địa phương đã giải ngân 1.040,76 tỷ đồng, đạt 64%; ngân sách Trung ương đã giải ngân 259,87 tỷ đồng, đạt 43,68%. Công tác quản lý nguồn vốn đầu tư công tiếp tục được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 18-5-2018 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018. Tỉnh cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong từng ngành, từng lĩnh vực và nguồn vốn đều ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở KH và ĐT đã tham mưu phê duyệt chủ trương đầu tư 28 dự án với tổng mức đầu tư 1.452,98 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án nhóm B, 22 dự án nhóm C. Công tác thẩm định, phê duyệt dự án được kiểm soát chặt chẽ về phạm vi, quy mô đầu tư của từng dự án. Thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm chỉ đạo. Các cấp, các ngành ngày càng kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu… đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Chất lượng và tiến độ xây dựng các công trình đảm bảo được giám sát và đánh giá chặt chẽ từng giai đoạn, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhờ vậy, trong 6 tháng năm 2018, tỉnh đã thu hút đầu tư được thêm 29 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 1.180,46 tỷ đồng (trong đó 28 dự án đầu tư cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 1.074,06 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư điều chỉnh tăng vốn là 106,40 tỷ đồng); 13 dự án FDI, trong đó 7 dự án FDI đăng ký mới và 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng đăng ký và điều chỉnh vốn là 156,2 triệu USD.
Tuy công tác giám sát đánh giá đầu tư đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đi vào nề nếp. Các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo định kỳ; công tác giám sát cộng đồng chưa được chú trọng nên chưa thực sự phát huy hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2018, Sở KH và ĐT đã tổ chức đoàn giám sát đầu tư 5 dự án đầu tư. Chất lượng báo cáo công tác giám sát đầu tư còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu nội dung phân tích, đánh giá cũng như các biểu mẫu theo quy định. Chưa nêu ra những khó khăn vướng mắc, không đề xuất được những thay đổi về cơ chế chính sách, quy định của Nhà nước cho phù hợp cũng như những tồn tại, xử lý vi phạm hoặc đề ra những biện pháp khắc phục, rất khó khăn trong công tác tổng hợp. Trong quá trình kiểm tra, Sở đã kịp thời phát hiện các sai sót như: thủ tục đầu tư xây dựng còn thiếu sót (thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường…); chế độ báo cáo và nội dung báo cáo giám sát các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ theo quy định. Các chủ đầu tư còn chưa quan tâm, coi trọng công tác giám sát, đánh giá đầu tư dự án, đồng thời chưa chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ về công tác giám sát, đánh giá đầu tư nên việc triển khai còn lúng túng, không thường xuyên. Các biểu mẫu còn phức tạp gây khó khăn cho việc cập nhật và thực hiện, đặc biệt đối với các chủ đầu tư ở cấp huyện, xã. Ngoài ra, còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách như: Nghị định 84 chưa quy định tiêu chuẩn năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư; chưa quy định chi tiết quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm và biện pháp xử lý vi phạm của các cơ quan, đơn vị ở các cấp thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư; chưa có yêu cầu, phương pháp và tiêu chí đánh giá các dự án, để từ đó có thể đánh giá mức độ đạt được mục tiêu, yêu cầu mà dự án đề ra. Đối với các tiêu chí đánh giá chưa đạt, hoặc không hiệu quả chưa có quy định biện pháp, chế tài xử lý. Hiện chưa có quy định rõ các khoản mục chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của từng cấp được tính trong phân bổ NSNN cấp hằng năm cho các cơ quan, đơn vị hoặc trong tổng mức đầu tư của dự án…
Thời gian tới, Sở KH và ĐT sẽ tổ chức kiểm tra một số dự án nhóm B hoàn thành trong năm 2018 và kiểm tra đột xuất một số dự án lớn, trọng điểm theo yêu cầu của UBND tỉnh. Tổ chức kiểm tra công tác báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư một số dự án sử dụng vốn nguồn NSNN và một số dự án vốn ngoài ngân sách. Kiến nghị Bộ KH và ĐT và các bộ, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác giám sát, đánh giá đầu tư; quy định chi tiết chế tài xử lý, thẩm quyền xử lý, mức độ xử lý đối với các vi phạm trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư; cần quy định chế tài xử lý cả các nhà đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài NSNN. Quy định rõ hơn năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Bổ sung biện pháp xử lý hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm công tác giám sát, đánh giá đầu tư; Bổ sung nội dung yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong các quyết định đầu tư dự án, quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư./.
Bài và ảnh: Đức Toàn