Chủ động xúc tiến thu hút đầu tư về nông thôn

08:08, 20/08/2018

Để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư, ngoài các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, các địa phương cũng chủ động đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đảm bảo mặt bằng cho xây dựng nhà xưởng, cải tạo tăng năng lực giao thông, nâng cấp lưới điện, tổ chức đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi... Nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN tại địa bàn nông thôn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần xây dựng NTM bền vững và phát triển.

Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty TNHH một thành viên Vĩnh Thực, xã Yên Trị (Ý Yên).
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty TNHH một thành viên Vĩnh Thực, xã Yên Trị (Ý Yên).

Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Triều, Chủ tịch UBND xã Yên Trị (Ý Yên) cho biết, để thu hút doanh nghiệp, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN, làng nghề. UBND xã ưu tiên dành quỹ đất, nâng cấp hệ thống giao thông và các điều kiện cần thiết khác (hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động; tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng; đảm bảo an ninh trật tự...) giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Trước kia khi lưới điện nông thôn chưa chuyển đổi quản lý về ngành điện nên hạn chế sự phát triển của ngành nghề. Khi lưới điện được bàn giao về ngành điện, xã Yên Trị đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện và ngân sách xã để đầu tư cải tạo lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất CN-TTCN của nhân dân và các doanh nghiệp. Đến đầu năm 2018, toàn xã đã có 11 trạm biến áp với tổng công suất 3.600kVA; hệ thống đường truyền tải trung áp (tổng chiều dài 8,396km với 97 cột điện li tâm) và hạ áp (tổng chiều dài 45,128km với 1.485 cột chữ A) thường xuyên được cải tạo, nâng cấp đảm bảo theo các quy định kỹ thuật của lưới điện nông thôn và nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Với chủ trương đúng đắn đó, đến nay toàn xã có 28 doanh nghiệp, tổ hợp tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 3.500 lao động địa phương và các xã lân cận với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều địa phương không có lợi thế về vị trí địa lý; kinh tế chủ đạo là sản xuất nông nghiệp, không có ngành nghề phụ cũng xác định thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN là giải pháp tiên quyết để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhưng làm thế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư về xã khi điều kiện tự nhiên không thuận lợi bằng những xã xung quanh; thậm chí còn khó khăn hơn? Trước tình hình đó, ngay từ năm 2012 khi lập quy hoạch xây dựng NTM, xã Yên Tân (Ý Yên) đã vận động nhân dân hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa; quy hoạch gọn vùng đất công để tạo quỹ đất cho phát triển sản xuất CN-TTCN. Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, quảng bá, vận động kêu gọi con em làm ăn thành đạt giới thiệu, dẫn dắt các doanh nghiệp về đầu tư. Xã cam kết tuân thủ tối đa các chính sách hỗ trợ của cấp trên và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Được xã tạo điều kiện cho mượn mặt bằng, miễn thu thuế 1 năm và trước mắt chỉ thu thuế mặt bằng tương đương với giá hoa màu trồng trên đất, hỗ trợ đào tạo nguồn lao động tại chỗ (thông qua các chương trình khuyến công, Đề án 1956), Cty CP May 5 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy may tại thôn Mai Thanh với 12 chuyền may, 1 dây chuyền cắt, tạo việc làm, thu nhập cho trên 400 lao động của xã và các xã lân cận. Ngoài tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xã Đại Thắng (Vụ Bản) đã tận dụng cơ sở vật chất của các HTXNN Thiện Linh, Nhất Trí… cho doanh nghiệp mượn làm nhà xưởng sản xuất ban đầu. Tháng 9-2010, Cty CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đã được địa phương cho mượn hội trường của HTXNN Thiện Linh làm nhà xưởng, lắp đặt 3 dây chuyền đi vào sản xuất, tạo việc làm cho gần 100 lao động. Đến năm 2012, Cty đã đầu tư gần chục tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất rộng gần 2.500m2 đủ chỗ cho 7-10 dây chuyền may. Hiện tại Nhà máy may Đại Thắng (Cty CP May 4) đã có 4 dây chuyền may hoạt động, tạo việc làm cho 160 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH May Đồng Tâm cũng được UBND xã Đại Thắng tạo điều kiện cho mượn hội trường, hệ thống kho và các công trình phụ trợ của HTXNN Nhất Trí làm nhà xưởng sản xuất. Với sự hỗ trợ tích cực của xã, chỉ sau một thời gian ngắn, Cty đã nhanh chóng ổn định sản xuất, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. 

Với sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp đã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì thế, nhiều xã thuần nông trước đây đã thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư tại địa bàn như: Cty CP May Sông Hồng đầu tư 350 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng); Cty CP May 9 - Nhà Bè  đầu tư khoảng 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy may tại Thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh). Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng chọn các xã là điểm đến. Tại huyện Hải Hậu đã có hàng loạt doanh nghiệp như: Dự án xây dựng nhà máy sản xuất, gia công các linh kiện điện tử xuất khẩu của Cty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL Việt Nam với tổng diện tích 3,1ha, tổng vốn đầu tư 8 triệu USD, lao động 1.000 người tại xã Hải Thanh; dự án Nhà máy may công nghiệp Smart Shirts Garments Manufacturing Hải Hậu với tổng diện tích 62,8 nghìn m2 tại xã Hải Hà, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, lao động dự kiến 3.600 người; dự án nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép của Cty TNHH Việt Power (Đài Loan), diện tích 9,9ha, tổng vốn đầu tư 22,3 triệu USD, lao động dự kiến 6.000 người tại xã Hải Tân. Huyện Nam Trực có dự án của Cty TNHH Việt Pan Pacific (Hàn Quốc) đầu tư nhà máy may công nghiệp diện tích 50 nghìn m2, dự kiến thu hút khoảng 3.000 lao động tại xã Đồng Sơn... 

Quá trình nỗ lực “vào cuộc” xúc tiến thu hút đầu tư về nông thôn đã giúp các địa phương đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu mục tiêu xây dựng NTM bền vững. Ngoài các kết quả về thu hút đầu tư và các giá trị kinh tế cụ thể, quá trình này còn giúp rèn luyện, đào tạo và củng cố năng lực xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng phát triển phù hợp với xu thế hội nhập./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com