Xếp hạng kết quả thu hút đầu tư toàn quốc năm 2017, Nam Định đứng thứ 7/59 tỉnh, thành phố về thu hút vốn FDI. Trong đó, đa số các doanh nghiệp tham gia lấp đầy các KCN của tỉnh đều thuộc ngành dệt, may. Uy tín và sức hút này đối với các đối tác nước ngoài có được một phần vì tỉnh là một địa phương trọng điểm, cái nôi của ngành dệt may toàn quốc. Ngoài bề dày truyền thống, kinh nghiệm sản xuất và quản lý ngành dệt may, tỉnh cũng có một đội ngũ lao động dệt may dồi dào, có tay nghề. Ở KCN đầu tiên của tỉnh là KCN Hòa Xá (TP Nam Định), có rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước, quy mô lớn, thu hút nhiều lao động; trong đó riêng Cty TNHH Youngone Nam Định (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất và kinh doanh các loại quần áo, hàng dệt kim, hàng dệt may; túi xách, ba lô, giày, dép; nguyên phụ liệu cho ngành may, ngành giày dép và nhuộm; hoàn thiện các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam) hiện có trên 7.300 cán bộ, công nhân lao động. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có gần 6.000 cơ sở sản xuất dệt may bao gồm các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Số doanh nghiệp dệt may chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế LHQ tại châu Âu (UNECE), thời trang và chăn nuôi cùng xếp thứ 5 trong danh sách những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nề nhất trên thế giới về mức độ phát thải khí nhà kính. Đây cũng là ngành công nghiệp thứ hai trên thế giới gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng nhiều loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt. Do vậy, tỉnh đã sớm thực hiện các biện pháp chủ động giảm nguy cơ, tác động ô nhiễm môi trường của ngành dệt may.
Sản xuất tại Cty CP May Nam Định. |
Trong đó, tỉnh đã chủ động quy hoạch hợp lý các KCN, CCN, thu hút doanh nghiệp đầu tư sẵn hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường phục vụ tối ưu nhu cầu sản xuất của ngành dệt may. Ngày 4-4-2017, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với 56 CCN có tổng diện tích giai đoạn đến năm 2020 khoảng 804,8ha, đến năm 2025 khoảng 1.588,07ha; trong đó ưu tiên đến năm 2020 đầu tư 24 CCN với diện tích khoảng 447,05ha để từng bước di chuyển các doanh nghiệp dệt may từ các đô thị tập trung đông dân cư về các huyện. Hiện nay, nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục triển khai xây dựng CCN Thành Côi (Vụ Bản) diện tích khoảng 50ha; CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy) diện tích khoảng 22ha, mở rộng CCN Đồng Côi diện tích khoảng 25ha... Với mục tiêu xây dựng một KCN dệt may hiện đại nhằm phát triển theo hướng khép kín quá trình sản xuất, tạo chuỗi giá trị gia tăng cao cho ngành dệt may, đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước, từ tháng 4-2017 tỉnh đã khởi công xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông. KCN Dệt may Rạng Đông có tổng diện tích quy hoạch là 519,6ha (giai đoạn 1), do Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 4.628 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng KCN này, vấn đề giảm thiểu tác động môi trường do hoạt động của KCN cũng được chủ đầu tư đặc biệt chú ý. Đối với nước thải, KCN Dệt may Rạng Đông áp dụng mô hình xử lý tập trung; trong đó các nhà máy sẽ xử lý sơ bộ nước thải của đơn vị bằng hệ thống tại chỗ, sau đó đổ vào hệ thống xử lý chung của nhà máy xử lý nước thải lớn, công suất 110 nghìn m3/ngày đêm của KCN. Hệ thống ống dẫn từ các nhà máy đến khu vực xử lý tập trung được làm bằng ống gang đúc đặt nổi trên mặt đất chứ không đặt ngầm, bảo đảm công khai hoạt động xả thải và kịp thời phát hiện các vị trí thẩm lậu, rò rỉ ra môi trường. Các tiêu chuẩn xả thải của KCN đáp ứng yêu cầu của Bộ TN và MT cũng như tiệm cận với thông lệ ở các nước Nhật Bản, Xinh-ga-po, bảo đảm nguồn nước xả thải ra môi trường luôn đạt ở mức A. Về xử lý chất thải rắn, nhà đầu tư dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác công suất từ 20-30 tấn/ngày đêm. Hiện tỉnh đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện KCN Dệt may Rạng Đông để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phụ trợ của ngành dệt may. Đối với các doanh nghiệp dệt may có nguy cơ gây ô nhiễm nằm trong nội đô, xen kẽ trong khu dân cư, tỉnh đã yêu cầu phải di dời vào các khu, CCN và bắt buộc các dự án sợi, dệt nhuộm mới phải đầu tư vào KCN, CCN để dễ kiểm soát xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh kiên quyết chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo đầu tư các hạng mục xử lý chất thải đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, định hướng thu hút các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại các khu, CCN phát triển sản xuất theo chuỗi, khép kín. Tiêu biểu như KCN Bảo Minh (Vụ Bản). Trong đó, Tổng Cty Dệt may Việt Nam và các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông đã liên kết sản xuất khép kín, từ bông dệt thành sợi, có nhà máy nhuộm, từ đó dệt và đến cuối cùng là nhà máy may, may những sản phẩm có thương hiệu quốc tế để xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp dệt may bên cạnh việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung còn áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn. Điển hình như Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã triển khai áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn như: Công nghệ xử lý khí thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi; sử dụng định mức tiêu hao hợp lý nguồn nguyên, nhiên liệu thông qua các giải pháp kỹ thuật, quản lý để giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn; có các hệ thống xử lý nước thải cho các dây chuyền dệt, nhuộm... Việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn đã giúp Cty đáp ứng các yêu cầu về môi trường và rào cản kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế.
Bám sát chủ trương không ngăn cản và không kỳ thị ngành dệt, nhuộm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương do đầu tư dệt - nhuộm - hoàn tất hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải, mới đây trong Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh về thực hiện định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh ta nêu rõ quan điểm: phát triển ngành công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp, nông thôn; chuyển mạnh sản xuất từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và lấy xuất khẩu làm phương thức cơ sở cho sự phát triển của ngành… UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương định hướng đối với các nhà đầu tư mới đến các địa điểm đã được quy hoạch; khi thu hút đầu tư lĩnh vực dệt may, da giày phải bảo đảm cân đối về lao động giữa các vùng, miền trong toàn tỉnh cũng như việc kết nối hạ tầng và bảo đảm các yếu tố về môi trường. Tăng cường giám sát xả thải, kiểm soát ô nhiễm và quan trắc môi trường; đồng thời coi trọng khâu hậu kiểm trong quản lý các dự án đầu tư nước ngoài nói chung, dự án dệt may nói riêng. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ, chi tiết các tiêu chuẩn về môi trường, nếu sau khi đi vào hoạt động không đáp ứng được thì phải bị xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép đầu tư./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy