“Trước đây gia đình tôi chuyên trồng mía, xung quanh nhà, vườn, ruộng toàn là mía. Từ hồi bị tai nạn giao thông, sức khỏe giảm sút, tôi chuyển hẳn sang trồng đinh lăng. Trồng đinh lăng nhàn hơn, thu nhập cũng ổn định. Một đặc điểm mà tôi thích ở đinh lăng là cây rất dễ trồng, dễ chăm bón”, lão nông Phạm Văn Quang, xóm 2, xã Trực Thắng (Trực Ninh) cho biết. Cũng như gia đình ông Quang, vài năm trở lại đây, một số hộ dân ở Trực Thắng đang chọn cây đinh lăng để trồng thay thế nhiều giống cây khác. Vì thế, về Trực Thắng hôm nay, xen giữa mênh mông cau, ruộng mía bạt ngàn, vườn cây cảnh, cây ăn quả sai trĩu..., người ta còn dễ dàng bắt gặp màu xanh mát, tốt tươi của những vườn cây đinh lăng.
Ông Phạm Văn Quang, xóm 2, xã Trực Thắng chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh trên vườn đinh lăng của gia đình. |
Quãng trên 3 năm trước, ông Quang bắt đầu tính đến chuyện trồng đinh lăng để thay thế cây mía. Nghĩ là làm, vợ chồng ông lấp ao, cải tạo vườn tược, đồng ruộng để trồng đinh lăng. Theo đó, ông vượt đất, đánh luống, chia rãnh trồng cây. Năm đầu tiên ông cấy thử nghiệm trên dưới nghìn cây. Năm 2017 là 1.600 cây, năm 2018 ông cấy thêm 2.500 cây. Thực tế, trồng cây đinh lăng không phải khó nhưng cũng không dễ nếu không biết cách áp dụng các bước kỹ thuật trồng cây khoa học như phải đảm bảo mọi mặt từ giống, thời vụ trồng và nhất là hiểu đặc điểm của cây để tìm ra hướng chăm sóc sao cho phù hợp nhất. “Quy trình cấy đinh lăng của tôi “phức tạp”, kỳ công hơn nhiều các hộ gia đình khác. Trước khi trồng, tôi đã phải đi rất nhiều nơi tham quan mô hình, tìm đọc các tài liệu hướng dẫn về cây, cách trồng”, ông Quang chia sẻ. Do đinh lăng là loài cây ưa ẩm không chịu được khô hạn nên ông tiến hành cải tạo đất sao cho thật tơi xốp, thoáng, giữ ẩm tốt, không còn các tạp chất như đá, hạt cỏ. Quá trình cải tạo, làm đất, theo lão nông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Có đảm bảo được yếu tố này cây mới thực sự phát triển nhanh. Cải tạo đất xong, vợ chồng ông đánh luống chuẩn bị xuống giống. Mỗi luống cây, ông đánh cao khoảng 40-50cm so với mặt đất, chiều rộng trung bình luống từ 1,5-2m. Đánh luống xong ông đào hố trồng cây. Mỗi hố ông Quang đào sâu khoảng 15-20cm, khoảng cách giữa hố với hố, rãnh với rãnh là 50cm. Nói về lý do đào hố sâu, theo kinh nghiệm của ông là để cành cắm rễ được sâu, giúp cây ra nhiều rễ, củ to hơn. Kỳ công khi trồng cây đinh lăng của ông Quang còn thể hiện ở khâu chuẩn bị phân bón. Đây cũng là điểm ông tự nhận mình “khác” nhiều người trồng đinh lăng. Để chuẩn bị phân, ông ủ hỗn hợp đất ải, phân gà, vịt, phân lân, tro, vỏ trấu từ… 3 tháng trước. Cũng bởi theo ông, không thể dùng phân tươi để bón cho đinh lăng. Phân tươi sẽ khiến cây bị xót, chết cây, tắc rễ. Đầu năm 2018, để cấy thêm lứa đinh lăng mới, ông Quang đầu tư mua 100 bao trấu, 1 triệu tiền tro. Ủ hỗn hợp phân xong, với mỗi hốc cây, trước khi đặt hom ông đổ 1,5 xẻng phân xuống gốc. Quá trình trồng, chăm sóc cây, ông rất hạn chế tưới đạm cho cây. Cây đinh lăng không ưa đạm, nếu dùng nhiều lá cây sẽ bị rụng. Việc làm đất, đào hố đã xong, ông Quang chờ thêm 15-30 ngày cho đất ổn định, hệ vi sinh phát triển cân bằng mới xuống giống cây. Đến tận vườn hoặc vào các đại lý uy tín, chọn giống đinh lăng lá nhỏ, khỏe mạnh, tương đối già cành, có tuổi đời từ khoảng 3 năm trở lên mua về làm giống. Đặt cây vào chính giữa hố trồng, lấp đất đồng thời nén nhẹ xung quanh, vun cao ở gốc để tránh đọng nước. Thông thường một năm có hai thời điểm thích hợp để cấy đinh lăng là đầu xuân hoặc tháng 6, tháng 7 âm lịch. Giai đoạn cây còn nhỏ, (6 tháng đầu), người trồng nên thường xuyên tưới nước để giữ ẩm cho cây nếu trời không mưa. Sau này bộ rễ phát triển thì tùy theo tình hình cây, thời tiết sẽ tưới lượng nước phù hợp. Khi tưới đinh lăng, ông Quang tưới vừa đủ, không để đọng nước quá lâu, bộ rễ dễ bị nấm bệnh tấn công. Ngoài việc bón lót ban đầu, ông còn bón thúc thêm cho cây khoảng 2-3 lần/năm. Đến cuối năm thứ 2, sau khi cắt tỉa cành, ông bón thúc lần nữa để kích thích cây ra cành mới, nhanh chóng hồi phục.
Mặc dù là giống cây dễ tính, dễ thích nghi với đất, môi trường, tuy vậy đinh lăng vẫn bị một số loại sâu bệnh như bọ muội tấn công vào những ngày mùa xuân ẩm ướt. Vì vậy, ông Quang phải phun thuốc phòng trừ sâu bọ cho đinh lăng. Được chăm sóc đúng quy trình, đảm bảo khoa học kỹ thuật, vườn cây nhà ông nhanh chóng cho thu hoạch. Thường đinh lăng chỉ cho thu từ năm thứ 3 trở đi nhưng trên 2 năm vườn của ông Quang đã có người hỏi mua. Giữa năm nay đã có thương lái vào hỏi đặt mua cả vườn. Năm 2017, ông bán được 5 tạ đinh lăng với giá 25-30 nghìn đồng/kg đinh lăng tươi. Củ đinh lăng được ông bán với mức giá 100 nghìn đồng/kg; lá khô có giá 10 nghìn đồng/kg; cây giống được bán từ 30-35 nghìn đồng/kg. Nhìn chung, hầu hết các bộ phận của cây đinh lăng đều có tác dụng y học và được tận thu. Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng từ thân, cành, lá cho đến bộ rễ và vỏ cây đều được thu mua với mức giá phù hợp do nhu cầu thị trường lớn, rộng mở. So với trồng lúa, trồng đinh lăng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Mặc dù đã có thể thu hoạch, tuy nhiên ông Quang chỉ bán một số ít diện tích cây đinh lăng trong vườn nhà. Ông dự tính để thêm từ 1-2 năm nữa mới bán tiếp. “Đinh lăng càng để lâu, càng được giá. Tôi đã từng chứng kiến 1 gốc đinh lăng có tuổi đời khoảng 5 năm được thương lái trả với giá 500 nghìn đồng/gốc”, ông Quang kể. Do hiệu quả kinh tế của cây đinh lăng mang lại, nhiều hộ gia đình ở Trực Thắng đã cải tạo vườn tạp, tận dụng đất quanh nhà chuyển sang trồng đinh lăng với quy mô lớn. Một số hộ gia đình trồng nhiều trong xã có thể kể đến như ông Bốn, anh Toản... Trồng đinh lăng, người trồng còn tận dụng được đất để trồng thêm các loại cây khác trên cùng một diện tích. Cụ thể, trên 4 sào đinh lăng, hộ gia đình ông Phạm Văn Quang xen canh trồng thêm 40 gốc mít, 100 gốc na, trên trăm gốc cau. Năm 2017, riêng tiền bán cau, ông thu về 15 triệu đồng. Năm nay, những gốc na đầu tiên của ông đã cho thu hoạch, ước tính sẽ mang lại thu nhập tương đối cao. Với ưu điểm thị trường khá ổn định, không tốn nhiều công sức chăm sóc, đầu tư giống, phân bón, sâu bệnh ban đầu ít, cây đinh lăng có thể mang về những mùa vụ bội thu cho người trồng cấy.
Ngoài giá trị kinh tế cao, cây đinh lăng còn được biết đến là một loài cây thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả và được ví như nhân sâm Việt. Chính vì vậy mà cây đinh lăng hiện nay được rất nhiều bà con trong tỉnh áp dụng, nhân rộng thành các mô hình trang trại kinh tế vô cùng hiệu quả. Trước khi chia tay chúng tôi, lão nông Phạm Văn Quang hồ hởi: “Một vài năm nữa, khi vợ chồng tôi ngày càng cao tuổi hơn, đây chính là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vườn đinh lăng này, do đó là “của để dành”. Tôi tin rằng, theo thời gian, cây đinh lăng sẽ ngày càng được đánh giá cao, thị trường ưa chuộng. Thành quả này xứng đáng là “trái ngọt” mà những nông dân như chúng tôi được hưởng”, ông khẳng định./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân