Ý Yên tập trung các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

08:07, 24/07/2018

Sáu tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Ý Yên đạt 4.070 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Toàn huyện hiện có có 634 doanh nghiệp và 6.185 cơ sở và hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CN-TTCN, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2017. 

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai chương trình phát triển sản xuất CN-TTCN. Giao phòng Công thương là đơn vị thường trực giúp UBND huyện quản lý Nhà nước, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ tiềm lực đầu tư phát triển sản xuất. Huyện chỉ đạo tăng cường quản lý Nhà nước, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Qua nhiều năm đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển CN-TTCN, đến nay trên địa bàn huyện Ý Yên có 3 CCN ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Xá, Yên Ninh. Hiện tại, các CCN tập trung của huyện đã thu hút được trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Được xây dựng và phát triển trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, ngành nghề cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN đều có sự tăng trưởng, phát triển ổn định. Trong đó, CCN Tống Xá tập trung phát triển ngành cơ khí đúc chi tiết máy; CCN Thị trấn Lâm phát triển mạnh nghề đúc đồng mỹ nghệ; CCN Yên Ninh thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên về các mặt hàng mộc mỹ nghệ, dân dụng với thương hiệu đã được thị trường tín nhiệm. Đến nay CCN Tống Xá đã cơ bản được lấp đầy với 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư trên 50,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị các loại máy móc hiện đại để phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp hoạt động trong CCN đều xây dựng và định vị được thương hiệu trên thị trường sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho gần 600 lao động ổn định và hàng trăm lao động thời vụ. Nghề mộc mỹ nghệ truyền thống từ làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh đã phát triển mạnh ra các xã: Yên Hồng, Yên Dương... Tại xã Yên Ninh, làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên có 40 doanh nghiệp và khoảng 580 hộ gia đình tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ. Trong đó, có 200 hộ gia đình có cửa hàng tại làng nghề, 380 hộ chế biến, sản xuất và bán sản phẩm tại gia đình; khoảng 1.400 hộ gia đình tham gia chế biến, gia công các sản phẩm gỗ tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động thường xuyên. Các làng nghề mộc mỹ nghệ mới cũng phát triển mạnh như: Tân Ninh (Thị trấn Lâm); Đằng Động (xã Yên Hồng) và hàng trăm cơ sở sản xuất vệ tinh nhận gia công sản phẩm cho các làng nghề mộc ở các xã Yên Dương, Yên Mỹ, Yên Khánh... Nghề may công nghiệp phát triển mạnh ở các xã Yên Trị, Yên Hồng, Yên Phương... Đến nay toàn xã Yên Trị đã có 28 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, thu hút và tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 3.500 lao động tại địa phương và các xã lân cận với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Từ định hướng đúng với những chính sách ưu đãi trong phát triển ngành nghề, nhiều tổ hợp sản xuất của xã đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị hiện đại mở rộng sản xuất, kinh doanh như: Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh, Doanh nghiệp tư nhân Phương Lan, Cty TNHH Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến… chuyên sản xuất các sản phẩm may công nghiệp. Nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sơn mài xuất khẩu của xã Yên Tiến mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Hiện tại toàn xã có 30 doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn (từ 50-60 lao động tập trung trở lên); có 3.000/3.587 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm sơn mài tre, nứa chắp; mộc mỹ nghệ, hộ ít thì có từ 1-2 lao động thường xuyên; hộ nhiều có từ 3-5 người nhận khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp… 6 tháng đầu năm 2018, ước tính tổng doanh thu từ CN-TTCN trên địa bàn xã đạt gần 100 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện định hướng phát triển sản xuất CN-TTCN là mũi nhọn kinh tế của địa phương, huyện Ý Yên chú trọng phát triển các ngành nghề đã định hình lâu dài trên địa bàn như hàng thủ công mây, tre đan, thêu ren, đồ gỗ mỹ nghệ, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng...; khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 đạt trên 17%/năm. Đồng thời, huyện cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện đúng quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2025 (theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh); phát triển hợp lý các điểm công nghiệp để chuyển cơ sở sản xuất phân tán ở các khu dân cư vào và thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư tăng cường nguồn lực và cơ hội phát triển ngành nghề công nghiệp nông thôn./.

Thành Trung

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com