Theo số liệu của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến hết tháng 6-2018, các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn tỉnh có tổng dư nợ đạt hơn 2.799 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng so với đầu năm. Hiện có 108 nghìn 366 hộ gia đình đang còn vay vốn, trong đó có nhiều hộ gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được nguồn vốn tín dụng chính sách “tiếp sức” để đầu tư phát triển kinh tế vươn lên ổn định cuộc sống...
Được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng, gia đình bác Trần Văn Minh, ở thôn Bái, xã Trung Thành (Vụ Bản) đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình gia trại mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. |
Đồng chí Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, 6 tháng đầu năm đã có 749 hộ nghèo, 2.519 hộ cận nghèo, 1.122 hộ mới thoát nghèo, hàng trăm gia đình thương, bệnh binh được vay vốn, góp phần giúp 537 hộ thoát nghèo, 520 hộ ra khỏi diện cận nghèo; tạo việc làm cho 997 lao động, 2.805 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 21.472 công trình nước sạch, vệ sinh; 10 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát hay chưa có nhà, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương. Có thể thấy, nguồn vốn này đã kịp thời “tiếp sức” cho các hộ vay vốn có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hộ, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững và ổn định cuộc sống. Là một trong những gia đình chính sách của xã Trung Thành (Vụ Bản), thời gian qua gia đình bác Trần Văn Minh và Đoàn Thị Mỳ ở thôn Bái đã được Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư phát triển gia trại. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn chè xanh, ao nuôi các loại cá truyền thống, chuồng nuôi gà, lợn rộng gần 3 sào, bác Minh kể: Tháng 10-1976, bác lên đường nhập ngũ và được điều động vào đơn vị xe tăng, chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ. Đầu năm 1979, trong trận chiến đấu bác đã bị thương nặng, hỏng cả 2 mắt nên được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện 121 của Cần Thơ 2 tháng; sau đó chuyển ra Bệnh viện 108 để tiếp tục điều trị. Hai tháng sau, bác được chuyển về Trại thu dung của quân đội đóng ở xã Nam Hùng (Nam Trực). Sau quá trình điều trị bác được giám định bị mất 91% sức khỏe nên được chuyển về Trại Điều dưỡng Thanh Liêm (Hà Nam) để an dưỡng và điều trị. Đầu năm 1987, bác Minh xin được về sinh sống tại gia đình... Trở lại với cuộc sống đời thường, đứng trước bao khó khăn, thách thức, đất ở không có, vợ chồng bác Minh đã được huyện và xã tạo điều kiện cấp đất để làm nhà, HTX cho thuê khoán 4 sào ao để tăng gia sản xuất nuôi bản thân và chăm lo cho 2 con ăn học... Đầu năm 2006 được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng cộng với nguồn vốn tích cóp của gia đình, bác Minh đầu tư trồng 1 sào đào, quất cảnh phục vụ thị trường tết, kè ao nuôi cá, tận dụng bờ ao, vườn trồng chè xanh bán hằng ngày và xây chuồng nuôi gà, lợn. Nhờ tập trung phát triển kinh tế theo mô hình gia trại đa dạng cây, con nên nguồn thu đều, mỗi năm cũng mang lại cho gia đình bác cả trăm triệu đồng. Nhờ đó bác đã đầu tư sửa chữa ngôi nhà ngói cũ 3 gian khang trang sạch sẽ, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt phục vụ cuộc sống, 2 người con đã trưởng thành “yên bề gia thất”. Cũng như vợ chồng bác Minh - Mỳ, gia đình bác Vũ Minh Đáng, sinh năm 1956 ở xã Nam Thái (Nam Trực) đã được Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực cho vay vốn theo 2 chương trình là nước sạch, vệ sinh môi trường và hộ mới thoát nghèo với số vốn 62 triệu đồng. Bác Đáng từng tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Căm-pu-chia và là bệnh binh mất 65% sức khỏe. Được tổ vay vốn và tiết kiệm thôn Nam Trang hướng dẫn vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng và chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn 12 triệu đồng, bác Đáng đã vay thêm của họ hàng để đầu tư nuôi 5 con bò sinh sản. Hiện, đàn bò sinh sản của gia đình bác phát triển khá tốt, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Bác Đáng cho biết: “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH thực sự có ý nghĩa lớn đối với gia đình tôi trong giai đoạn khó khăn”.
Đánh giá về hiệu quả chương trình tín dụng đối với các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Trước đây, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thường tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các gia đình thương, bệnh binh ít được vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH và cũng không có khả năng tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng thương mại nên việc phát triển kinh tế để thoát nghèo của các hộ này rất khó khăn và thiếu bền vững. Vì vậy, dành tín dụng ưu đãi hỗ trợ các gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn phát triển kinh tế là tạo cơ sở thoát nghèo bền vững. Đây là chương trình tín dụng thực sự có ý nghĩa, đang giúp cho hàng nghìn hộ gia đình chính sách có vốn làm ăn, góp phần giúp cho chương trình giảm nghèo của các địa phương bền vững hơn. Thực hiện chương trình cho vay hộ gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ... các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tích cực chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố triển khai thực hiện chương trình tín dụng cho hộ thương, bệnh binh đúng quy trình, thủ tục vay vốn, giúp các hộ sớm có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến cuối tháng 6-2018, toàn tỉnh đã giải ngân trên 120 tỷ đồng cho các hộ gia đình thương, bệnh binh vay, phần nào đáp ứng nhu cầu về vốn làm ăn của các gia đình. Qua theo dõi đánh giá, nguồn vốn vay đã được các gia đình thương, bệnh binh quản lý và sử dụng khá tốt, đúng mục đích vay và phát huy hiệu quả thiết thực./.
Bài và ảnh: Văn Đại