Trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cơ sở hạ tầng (CSHT) bao gồm 4 chỉ tiêu thành phần liên quan đến chất lượng CSHT (giao thông, viễn thông - năng lượng, công nghệ thông tin) ở các địa phương. Đó là mức độ sẵn có và chất lượng của các KCN; hệ thống đường giao thông về độ bao phủ đường trải nhựa và các chi phí gián tiếp phát sinh từ đó; chi phí và độ tin cậy của dịch vụ viễn thông và năng lượng; khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương. Chỉ số CSHT được đánh giá độc lập và không nằm trong 10 chỉ tiêu thành phần của PCI do không hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định và nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, đây là yếu tố quan trọng nhất tác động đến chất lượng hàng hóa, giá thành sản phẩm, lợi nhuận, vì vậy luôn được các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm trước khi đưa ra quyết định rót vốn đầu tư. Do vậy đây cũng là những lĩnh vực UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực phát triển.
Đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến phà Sa Cao vào khai thác. |
Trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch có tính liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch biển của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tập trung triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng như: tuyến tránh Thành phố Nam Định (Quốc lộ 38B), tỉnh lộ 487, tỉnh lộ 488 đoạn từ cầu Vòi đến nút giao Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489C đoạn từ cầu Lạc Quần đến phà Sa Cao, đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long. Về hạ tầng các KCN, tỉnh ta có tổng số 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển các KCN toàn quốc với tổng diện tích 2.028ha. Trong đó có 4 KCN đã được thành lập là các KCN: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung và Dệt may Rạng Đông với tổng diện tích mặt bằng trên 1.110ha; đang tiến hành triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận. Đối với các KCN tỉnh chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch theo hướng lâu dài, ổn định, phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, hình thành những đô thị mới, đô thị vệ tinh phục vụ phát triển các KCN và tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các KCN chưa được lấp đầy để sẵn sàng cho nhà đầu tư lựa chọn. Trên địa bàn tỉnh, đi đôi với đầu tư củng cố hệ thống lưới điện trọng tâm, hệ thống điện nông thôn, các khu vực dân cư, các làng nghề, các CCN cũng đặc biệt được quan tâm. Hiện, Cty Điện lực Nam Định đã chủ động xây dựng kế hoạch, tìm kiếm nguồn vốn để sớm đưa điện đến KCN Dệt may Rạng Đông. Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 sau thời gian dài chuẩn bị đến nay đã chính thức được cấp chứng nhận đầu tư, đang chờ khởi công. Khi dự án hoàn thành đi vào vận hành sẽ đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất của các ngành công nghiệp và bổ sung vào nguồn điện lưới quốc gia. Về hệ thống viễn thông, thông tin di động, tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật số hiện đại và phủ sóng tới 10/10 huyện, thành phố, hệ thống internet băng thông rộng và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả kể trên đã thể hiện nỗ lực của tỉnh trong công tác đầu tư phát triển hệ thống CSHT, cải thiện môi trường đầu tư. Trong PCI năm 2017, điểm số CSHT KCN tỉnh đạt 12,07 điểm, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố; điểm số đường giao thông đạt 18,34 điểm và xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố; điểm số dịch vụ tiện ích cơ bản về hạ tầng (viễn thông, năng lượng) đạt 14,79 điểm và xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố; điểm số tiếp cận và ứng dụng CNTT đạt 17,89 điểm, xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện nay các sở, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu CSHT đồng bộ phục vụ hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư. Ngành GTVT tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên xây dựng, nâng cấp các công trình có tính quan trọng, cấp bách để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải của người dân và doanh nghiệp. Tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, huyết mạch trên địa bàn tỉnh, đưa vào khai thác đúng tiến độ đảm bảo hiệu quả. Trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ thi công đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư tuyến đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics chuyên ngành vận tải nhằm giảm bớt chi phí, thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; rà soát, giảm chi phí cầu, đường. Hỗ trợ các đơn vị vận tải thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị vận tải để tăng tỷ lệ vận tải hai chiều, nâng cao hiệu quả kinh tế của các đơn vị vận tải. Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Công khai quỹ đất sạch trong các KCN bằng nhiều hình thức khác nhau để nhà đầu tư, doanh nghiệp biết. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đầu tư và quản lý đối với các dự án đầu tư trong các KCN. Tham mưu cho UBND tỉnh việc quản lý mức phí, lệ phí trong các KCN của các nhà đầu tư hạ tầng KCN. Ngành Công thương phấn đấu khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 tại huyện Hải Hậu; chỉ đạo Cty Điện lực tỉnh đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, cung cấp điện đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đầu tư hạ tầng cấp điện, nâng cấp hệ thống truyền tải đảm bảo việc thực hiện chỉ số tiếp cận điện năng theo đúng mục tiêu đề ra. Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục về thỏa thuận đấu nối, mua bán điện theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền đảm bảo mục tiêu. Sở TT và TT triển khai hiệu quả dự án “Phát triển hạ tầng khung Chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020”; đề án “Xây dựng khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Nam Định”; quản lý và vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh, góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý