Phát triển cây thảo dược - hướng làm giàu hiệu quả

06:07, 13/07/2018

Có bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, đi làm ở Cty với mức lương tháng vài chục triệu đồng, nhưng với mong muốn trở về cống hiến cho quê hương, anh Vũ Đình Kiên, sinh năm 1990, ở xã Trực Nội (Trực Ninh) đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX dược phẩm Hoàng Thành nhằm phát triển mô hình cây trồng thảo dược cho hiệu quả cao.

Xã Trực Nội vốn là một xã thuần nông, có xuất phát điểm thấp trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Những năm qua, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, xã đã chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Nắm bắt cơ hội, Vũ Đình Kiên, một người con quê hương Trực Nội, khi đó đang làm kỹ sư phụ trách kỹ thuật công nghệ thực phẩm cho một Cty tại Hà Nội đã quyết tâm “dứt áo” ra đi, trở về quê để lập thân, lập nghiệp. Kiên chia sẻ: “Ra trường với tấm bằng loại ưu, tôi được nhận vào Cty và làm luôn với mức “lương cứng” 7 triệu đồng/tháng, ngoài ra thu nhập từ các khoản theo doanh thu, thị trường…, tổng thu nhập cũng hơn 20 triệu đồng/tháng. Hơn  4 năm bôn ba với thương trường, nay đây, mai đó, tôi càng thấm thía cảnh đi làm thuê. Cuối năm 2016, tôi quyết định về quê để lập nghiệp”. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất nông nghiệp, Kiên đã mạnh dạn bàn với gia đình đứng ra thành lập HTX dược phẩm Hoàng Thành chuyên trồng, nhân giống các loại cây thảo dược. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX ký kết với các Cty, doanh nghiệp về dược phẩm, đặc biệt là Viện Y học cổ truyền Việt Nam. HTX nhận đấu gần 13,7ha đất để canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ dược liệu trong đó tập trung diện tích trồng các loại cây trạch tả, sài đất, hoa cúc chi (hay còn gọi là cúc tiến vua) để cung cấp cho thị trường.

Từ vùng ruộng trũng hoang hóa, HTX dược phẩm Hoàng Thành, xã Trực Nội (Trực Ninh) đã mạnh dạn đầu tư mở ra vùng trồng cây dược liệu, góp phần mang lại thu nhập cho người dân.
Từ vùng ruộng trũng hoang hóa, HTX dược phẩm Hoàng Thành, xã Trực Nội (Trực Ninh) đã mạnh dạn đầu tư mở ra vùng trồng cây dược liệu, góp phần mang lại thu nhập cho người dân.

Năm 2017, HTX đã trồng khảo nghiệm giống hoa cúc chi theo tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Theo anh Kiên, sản lượng hoa cúc chi đạt tiêu chuẩn thu được 1,5 tạ/sào. Với giá thị trường nếu bán tươi sẽ có giá 8.000-10.000 đồng/kg; nếu hoa cúc chi sấy khô, giá sẽ cao hơn trung bình từ 200-230 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm đến 350-400 nghìn đồng/kg. Công dụng của hoa cúc chi là một loại thảo dược dùng làm trà và làm vị thuốc nam trong y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt. Ngoài ra có thể để chữa các chứng do phong nhiệt như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt, sang lở. Hơn thế, hoa cúc còn giúp chữa đau dạ dày, giải độc, ngừa tế bào ung thư, mất ngủ... Hoa cúc chi rất giàu chất chống oxy hóa và được coi là chất chống viêm và chống vi khuẩn trong tự nhiên rất hiệu quả, vì vậy còn có tác dụng giữ cho da không bị mụn trứng cá hoặc các loại mụn nhọt khác. Bên cạnh hoa cúc chi, Kiên đầu tư trồng cây trạch tả. Trạch tả là cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít bị sâu bệnh, thời gian từ khi ươm giống đến khi thu hoạch từ 3 đến 4 tháng, rất thích hợp trồng trên đất hai vụ lúa. Bình quân 1 mẫu cho thu hoạch khoảng 3 tấn. Chi phí đầu tư trồng một sào cây trạch tả chỉ từ 600-800 nghìn đồng, sau 4 tháng nông dân có thể thu hoạch, năng suất đạt 1-1,2 tạ củ khô/sào. Với giá bán hiện tại 30-40 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân có thể thu lãi 3-3,5 triệu đồng/sào. Cây sài đất là một loại cây dược liệu có nhiều tác dụng như chữa sốt cao, rôm sảy trẻ em, viêm cơ, viêm tuyến vú, mụn, lở, chàm, viêm bàng quang, ung thư môn vị, viêm chân răng, ho gà, huyết áp cao, ban độc, ho ra máu, phòng bạch hầu, phòng sởi,… Theo anh Kiên, cách trồng sài đất rất đơn giản. Đó là phải chọn nơi có đất ẩm ướt, màu mỡ, thân cắt thành từng khúc từ 20-30cm, ưu tiên những đoạn có rễ sẵn, vùi 2/3 xuống dưới đất. Cây phát triển rất nhanh, độ từ ngày thứ 15 là đã mọc tốt, tới ngày thứ 30 trở đi là thu hoạch được rồi. Khi thu hoạch, cắt phần thân, để lại 1 phần trên mặt đất, tiếp tục bón phân tưới nước thì nửa tháng sau lại thu hoạch tiếp. Có thể thu hoạch quanh năm, nhưng chủ yếu là vụ hè từ tháng 4, 5 và 8 vì lúc này cây đang ra hoa. Cây sài đất dùng tươi tốt hơn dùng khô, nếu bắt buộc phải dùng khô thì đồ sôi 5 phút, sau đó mang đi sấy hoặc phơi khô với giá thị trường hiện ở mức 120-130 nghìn đồng/kg. Hiện HTX đã đầu tư mua 2 máy sấy (mỗi máy trị giá 200 triệu đồng) đáp ứng nhu cầu của các thành viên và hộ nông dân trong vùng.

Ngoài trồng các cây dược liệu, HTX tranh thủ mùa vụ để cấy lúa giống Bắc thơm số 7. Vụ lúa xuân năm 2018 vừa qua, sản lượng thóc của HTX đạt 80 tấn (tương đương khoảng 2,1 tạ/sào). Hiện, HTX đang xuất bán thóc cho các đầu mối với giá 7,2 triệu đồng/tấn. Như vậy, doanh thu vụ xuân đã đạt trên 560 triệu đồng; trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng. Theo anh Kiên, đầu tư vào nông nghiệp có khả năng thu hồi nhanh, không bị tồn đọng vốn. Mới đây, anh Kiên đã được UBND xã Trực Đạo (Trực Ninh) tạo điều kiện cho thuê gần 6ha đất công của xã trong thời gian 5 năm để mở rộng diện tích sản xuất trồng các loại cây dược liệu, đồng thời đề xuất hỗ trợ vốn cho những hộ có mong muốn chuyển đổi trồng cây dược liệu trên địa bàn. Với hướng đi mới, hy vọng những nông dân ở các địa phương lân cận sẽ có thêm thu nhập, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com