Nuôi thủy sản phát triển ổn định

08:07, 24/07/2018

Những tháng đầu năm, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường khiến dịch bệnh trên một số đối tượng nuôi thủy sản đã xuất hiện. Theo kết quả quan trắc môi trường vào trung tuần tháng 5-2018 của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) cho thấy tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy đã có sự gia tăng tác nhân gây bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan - tụy cấp tính trên tôm. Cụ thể, mẫu nước quan trắc tại cống số 4 xã Hải Chính (Hải Hậu) cho thấy nồng độ khí NO2 trong nước đã vượt ngưỡng cho phép, tạo điều kiện cho mầm bệnh gây hại cho tôm. Một số ao nuôi tôm tại các xã Hải Chính, Hải Đông (Hải Hậu) đã xuất hiện mầm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Trước thực trạng trên, ngành thủy sản tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, khai thác, phát triển nguồn lợi, nuôi thủy sản…

Kiểm tra chất lượng con giống cá nước ngọt sản xuất tại Trung tâm Giống thủy đặc sản (Sở NN và PTNT).
Kiểm tra chất lượng con giống cá nước ngọt sản xuất tại Trung tâm Giống thủy đặc sản (Sở NN và PTNT).

Sở NN và PTNT đã chủ động tổ chức tập huấn hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt mọi biện pháp kỹ thuật nhằm tiêu diệt, khống chế dịch lây lan và nâng cao sức đề kháng cho các đối tượng nuôi. Các hộ nuôi thủy sản đều nâng cao tinh thần chủ động chăm sóc, bảo vệ các đối tượng nuôi. Anh Trần Văn Dũng, xã Giao Hải (Giao Thủy) sản xuất ngao giống cho biết: “Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, tôi luôn chú ý vệ sinh mặt bãi, vây cọc, kiểm tra chân vây, thường xuyên dùng te phá váng trên mặt ao và thay 30% nước ao vào mỗi kỳ con nước, đảm bảo an toàn nguồn nước. Ngoài ra, tôi còn định kỳ 15-20 ngày tiến hành đảo ngao, san thưa một lần, thu loạt ngao to chuyển sang ao ương khác hoặc ao nuôi thương phẩm”. Bên cạnh đó, ngành NN và PTNT đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư chuyên ngành đảm bảo các hộ nuôi được cung ứng nguồn giống, vật tư thủy sản tốt nhất. Với những nỗ lực đó, đến nay, nuôi thủy sản toàn tỉnh những tháng đầu năm đã chủ động khắc phục được khó khăn, tiếp tục phát triển đều khắp trên các lĩnh vực. Về sản xuất giống ở cả nước ngọt và mặn lợ đều tiến hành muộn hơn so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã sản xuất được 10.810 triệu con giống các loại, đạt 95,12% so với kế hoạch. Trong đó, giống thủy sản nước ngọt là 1.490 triệu con, giống thủy sản mặn lợ là 9.320 triệu con. Các đối tượng chủ yếu là các loại cá truyền thống, ngao, cá bống bớp tiếp tục được sản xuất với số lượng lớn nhằm đáp ứng được cơ bản nhu cầu con giống tại địa phương. Đến nay, các đối tượng thủy sản nước ngọt đã thả giống đều sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Các đối tượng nuôi mặn lợ cơ bản đã thả giống từ tháng 4 đến tháng 5. Riêng tôm thẻ chân trắng, vụ nuôi đầu năm 2018, người nuôi có xu hướng thả muộn hơn so với năm 2017. Tính đến hết tháng 6, đã thả giống được 650ha, tương đương 80% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của toàn tỉnh. Diện tích nuôi tôm sú quảng canh, nuôi xen tôm - cá đã thả giống toàn bộ. Về sản lượng nuôi các đối tượng “thu tỉa, thả bù” như các loại cá truyền thống, ngao và một số đối tượng quảng canh đạt kích cỡ thương phẩm được người nuôi thu hoạch liên tục. Tổng sản lượng nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 43.680 tấn, đạt 46,72% so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt ước đạt 21.254 tấn, nuôi mặn lợ ước đạt 22.426 tấn. 

Trong những tháng cuối năm, Chi cục Thủy sản tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở căn cứ nhu cầu thực tiễn để sản xuất đảm bảo cung ứng đủ con giống cho người nuôi; những cơ sở đã hoàn thành kế hoạch sản xuất nhanh chóng thực hiện vệ sinh, sửa chữa, chuẩn bị cơ sở vật chất cho vụ sản xuất sau. Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống thủy sản, đặc biệt là các cơ sở cho sinh sản và ương giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Về nuôi thủy sản, Chi cục Thủy sản tiếp tục giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, nắm bắt tình hình thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm. Chú trọng thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tăng cường các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt sức khỏe đối tượng nuôi. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường quản lý các cơ sở, đại lý kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, các loại hóa chất, kháng sinh dùng trong nuôi thủy sản. Phấn đấu hết năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 16.150ha, trong đó nuôi mặn lợ đạt 6.435ha, nuôi nước ngọt đạt 9.715ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 93.500 tấn. Phấn đấu hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn 2030. 

Với những biện pháp triển khai như hiện nay nếu không có tình huống bất thường xảy ra các kỹ sư thủy sản nhận định, năm 2018 sản xuất thủy sản vẫn có nhiều cơ hội đạt hiệu quả cao hơn năm trước./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com