Xã Đồng Sơn (Nam Trực) có diện tích đất nông nghiệp gần 1.000ha, chủ yếu độc canh lúa. Do hiệu quả kinh tế từ trồng lúa không cao nên những năm gần đây, nhiều lao động nông nghiệp trong xã không thiết tha với đồng ruộng, đi làm ăn xa. Trước tình hình trên, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thực hiện tích tụ ruộng đất và xây dựng có hiệu quả mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi nông nghiệp hàng hóa.
Dây chuyền sản xuất gạo của Cty TNHH Toản Xuân. |
Xác định muốn thực hiện được liên kết thì phải khắc phục tình trạng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ, xã đã tiến hành khảo sát thực địa, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh; đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây dựng đường giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hiện có những hộ nông dân đã tích tụ, tập trung được những ruộng liền mảnh tới trên 5,8ha. Nhờ đó xã có điều kiện bước đầu xây dựng và thực hiện các mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi. Năm 2013, xã liên kết với Cty CP Hạt giống vàng (Thái Bình) sản xuất lúa BT7 kháng bạc lá. Năm 2014, xã liên kết với Cty CP Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình và Tổng Cty Lương thực miền Bắc sản xuất các giống: A126, LTH1-34, BT7, BC15. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, xã liên kết với Cty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) sản xuất giống lúa BT7; hiện mô hình được UBND tỉnh đánh giá là khá bền vững, đến vụ xuân 2018, diện tích liên kết là 62ha. Đây là loại lúa có chất lượng gạo ngon, đang được Cty xây dựng thương hiệu “gạo sạch Toản Xuân” và bán rộng rãi tại các siêu thị, thành phố lớn trên cả nước. Có được kết quả như hiện nay, Đảng ủy, UBND xã Đồng Sơn luôn quan tâm chỉ đạo việc phát triển sản xuất nông nghiệp. HTXDVNN được giao tổ chức sản xuất cho người dân trong vùng cánh đồng lớn và cánh đồng nông sản sạch. HTX đã liên hệ, ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Theo đó, các hộ nông dân tham gia mô hình được Cty ứng trước giống, phân bón, thuốc BVTV, tập huấn quy trình sản xuất và cử cán bộ kỹ thuật giám sát suốt quá trình sản xuất; các hộ tham gia không phải lo vốn đầu tư ban đầu, phù hợp với điều kiện kinh tế của người trồng lúa.
Xã đã tổ chức xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, những cánh đồng “4 cùng” (cùng giống - cùng cấy - cùng chăm sóc - cùng thu hoạch) tạo độ thuần nhất cho sản phẩm, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn có chất lượng cao đảm bảo điều kiện ký kết hợp đồng tiêu thụ với Cty, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp mua cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 5-7%. Không chỉ người nông dân tăng thêm thu nhập mà việc thực hiện thành công phương thức sản xuất này còn giúp địa phương đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất NTM. Ngoài ra, khi liên kết, khâu xử lý sau thu hoạch do Cty đảm nhiệm bằng công nghệ sấy nên cũng làm giảm thất thoát, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm. Theo tính toán, lúa phơi nắng khi chế biến tỷ lệ hạt gạo đạt 67-69%, nhưng lúa qua máy sấy tỷ lệ gạo có thể đạt 72-74%, hạt gạo trong, bóng đẹp, giữ được phẩm chất cơm ngon, dễ tiêu thụ. Bà Đoàn Thị Tuyết, xóm 14 là một trong những hộ dân tham gia mô hình liên kết cho biết, gia đình có gần 5 sào lúa trong vùng liên kết. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của Cty nên năng suất, chất lượng lúa cao hơn. Bên cạnh đó, Cty tổ chức thu mua lúa tươi tại ruộng, người dân không phải lo phơi thóc và loại bỏ ảnh hưởng xấu của thời tiết sau thu hoạch. Vụ xuân 2018, Cty thu mua thóc với giá 7.200 đồng (quy ra thóc khô), cao hơn 400 đồng so với giá thị trường tại thời điểm thu mua. “Người nông dân chúng tôi đã rất vất vả để làm ra hạt gạo song rất thiệt thòi, lãi chẳng được bao nhiêu do trước đây tự lo tiêu thụ, thường bị tư thương ép giá. Việc các Cty có uy tín tổ chức thu mua sản phẩm tận hộ đã giảm các khâu trung gian, giá cả cũng cao hơn giá thị trường đem lại thu nhập chính đáng cho người nông dân, giúp người nông dân yên tâm sản xuất” - bà Tuyết cho biết thêm. Đồng chí, Đoàn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết: Thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo chuỗi giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích gieo cấy. Đây là sự chuyển đổi quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp tại xã. Mô hình được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt là do có sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành. Và một yếu tố quan trọng là tìm được doanh nghiệp “có tâm, có tầm” biết chia sẻ khó khăn và lợi ích với người nông dân thì liên kết mới bền vững. Đối với doanh nghiệp thì việc xây dựng và duy trì kiên kết giúp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi tổ chức thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi, ông Trường cho biết thêm: Kế hoạch thu mua của các Cty cơ bản là chính xác, song cũng có lúc chưa đảm bảo, đặc biệt về số lượng vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: thời tiết, máy gặt, công suất máy sấy của Cty. Khi thu mua đồng trà, thời gian thu hoạch ngắn, các địa phương cùng một lúc yêu cầu thì không đảm bảo tiến độ thu hoạch cho các hộ do công suất máy sấy không đáp ứng kịp, nhất là vào mùa mưa bão; gặp thời tiết xấu gặt muộn có thể gây tổn thất về năng suất, sản lượng và chất lượng. Việc thu hoạch lúa, nhất là vụ xuân, do phụ thuộc thời tiết, thường theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nên chất lượng sản phẩm không theo hợp đồng (về độ chín là 95-100% mới thu hoạch) gây thất thoát sau sấy, đây cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp. Vẫn còn hộ nông dân chậm thay đổi thói quen sản xuất, thực hiện không đầy đủ theo quy trình của Cty, nhất là khâu khử lẫn, nên sản phẩm còn nhiều tạp chất làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm.
Trong vụ mùa 2018, xã Đồng Sơn tiếp tục duy trì liên kết với Cty TNHH Toản Xuân sản xuất lúa chất lượng cao BT7 theo chuỗi. Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, vừa qua mưa lớn đã gây ngập úng đến diện tích lúa của xã. Hiện xã đang tích cực tiêu nước; chỉ đạo nông dân chăm sóc, bảo vệ tốt lượng mạ còn dư để cấy bù, cấy dặm cho những diện tích bị thiệt hại do mưa úng. Đồng Sơn đang hướng đến mục tiêu trở thành một trong những vùng trọng điểm phát triển lúa của huyện Nam Trực./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh