Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Nghĩa Hưng đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi như: sử dụng một số giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, xây dựng các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi, các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế cao theo hướng trang trại, gia trại tập trung... góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Nông dân xã Nghĩa Phong chăm sóc cây ngô. |
Đối với cây lúa, các giống lúa dài ngày, năng suất cao nhưng chất lượng gạo thấp được thay thế nhanh bằng các giống mới ngắn ngày có năng suất khá, chất lượng đáp ứng với yêu cầu thị trường như: BT7, BC15, TBR225... Hiện diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng của huyện đạt 62% tổng diện tích/vụ. Trong sản xuất lúa đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Khâu làm đất và gặt đã được cơ giới hóa toàn bộ, khâu phơi thóc đang dần được thay thế bằng công nghệ lò sấy có công suất lớn góp phần nâng cao chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đến nay, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, gieo sạ đạt 43%, thu hoạch đạt 90% diện tích. Vụ xuân năm 2018, diện tích các cánh đồng lớn đạt 3.800ha. Các vùng sản xuất lúa tập trung đã triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn; nông dân sản xuất cùng giống, cùng thời vụ, cùng áp dụng quy trình thâm canh, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ khâu làm đất, thu hoạch. Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác năm 2017 của Nghĩa Hưng đạt 101 triệu đồng. Trên địa bàn huyện đã quy hoạch và xây dựng được 3 vùng liên kết chuỗi giá trị gồm: Mô hình liên kết để sản xuất - tiêu thụ lúa chất lượng cao với Cty TNHH Toản Xuân; mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các cây dược liệu giữa 638 hộ nông dân của xã Nghĩa Minh và Hoàng Nam với Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú; mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO giữa 306 hộ nông dân các xã Nghĩa Thắng, Nam Điền với Cty CP Traphaco. Trong đó, 2 mô hình liên kết trồng cây dược liệu cho thu nhập bình quân 240-310 triệu đồng/ha/năm. Những năm qua, huyện đã khuyến khích các địa phương thực hiện chuyển đổi trên 120ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, con nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là: Thị trấn Liễu Đề chuyển thành vùng chuyên trồng hoa, cây cảnh thu nhập bình quân 190-265 triệu đồng/ha/năm; xã Nam Điền và Thị trấn Quỹ Nhất chuyển thành vùng chuyên trồng cà chua cho thu nhập cao gấp 3-5 lần trồng lúa…
Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản của huyện đang chuyển từ nhỏ lẻ sang tập trung quy mô trang trại, gia trại được bố trí xa khu dân cư và nhân rộng trên địa bàn. Các điều kiện vật chất, biện pháp kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi ngày càng được tăng cường và từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Các chế phẩm sinh học (EM) đang được sử dụng rộng rãi để tăng hiệu quả chăn nuôi và làm sạch môi trường. Các cơ sở chăn nuôi lớn đều có hệ thống biogas xử lý chất thải để bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Tiêu biểu là trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Thọ, Thị trấn Rạng Đông có quy mô sản xuất 120 lợn nái, trên 500 lợn thịt, 10 lợn đực giống; trang trại nuôi gà công nghiệp của ông Đỗ Đức Việm, xã Hoàng Nam với quy mô mỗi lứa 14 nghìn con… mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. Công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin hằng năm đạt kết quả cao nên nhiều năm qua trên địa bàn huyện không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Các cơ sở giết mổ tập trung đang được đầu tư phát triển tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng. Trong nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi thủy sản Cồn Xanh được bảo vệ bằng hệ thống đê bao kiên cố tạo điều kiện để nuôi thâm canh các loại cá bống bớp, cá song, tôm... cho thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, cá bống bớp Nghĩa Hưng đã được cấp chứng nhận thương hiệu. Vùng Nông trường Rạng Đông và ven sông Đáy, sông Ninh Cơ đã hình thành vùng nuôi đa dạng cả nước ngọt và mặn lợ với phương thức nuôi ghép là chính, đối tượng con nuôi chủ yếu là cá chim trắng, cá lóc bông, tôm thẻ chân trắng... Vùng nuôi nước ngọt ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Châu duy trì tốt các đối tượng con nuôi truyền thống, thu nhập bình quân đạt 200-245 triệu đồng/ha/năm.
Quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng chí Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Mặc dù việc chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng diện tích chuyển đổi so với nhu cầu thực tế còn ít. Nguyên nhân do chính sách bảo vệ đất trồng lúa cũng như thủ tục hành chính về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhiều địa phương còn lo ngại công tác quản lý đất đai gặp khó khăn sau khi chuyển đổi. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch vẫn còn chậm. Sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản còn thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao mang thương hiệu của Nghĩa Hưng. Công nghiệp chế biến phát triển chậm, chưa gắn kết với sản xuất nông nghiệp, thủy sản; việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Lao động nông nghiệp ngày càng giảm về cả số lượng và chất lượng. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đa dạng, chậm đổi mới. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế…
Để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng xác định tập trung phát triển ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp nhưng mỗi sản phẩm phải được sản xuất theo các vùng tập trung. Quản lý và sử dụng linh hoạt, hiệu quả trên 10.500ha đất trồng lúa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa từ 1.000-1.500ha. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại áp dụng quy trình an toàn sinh học, để đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, tập trung vào con nuôi có thế mạnh là lợn, gà, vịt. Quy hoạch và xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, có hệ thống cấp, thoát nước hoàn chỉnh và độc lập. Hoàn thành quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để thuận lợi cho công tác quản lý, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định. Về thủy sản, xây dựng các vùng nuôi theo hướng bền vững, có quy hoạch, thiết kế và xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh cho các vùng nuôi. Khuyến khích khai thác thủy sản xa bờ, sử dụng các hình thức đánh bắt được Nhà nước cho phép, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển. Khuyến khích, động viên các tập thể, cá nhân có điều kiện mở rộng và xây dựng mới trại sản xuất giống để đáp ứng nhu cầu con giống của địa phương. Kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản nhằm thúc đẩy nghề khai thác phát triển. Xây dựng, bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu thuỷ sản đặc trưng của địa phương như: cá bống bớp, cá song, cua biển…
Bài và ảnh: Ngọc Ánh