Góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho người chăn nuôi

07:07, 31/07/2018

Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành chăn nuôi, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp tiếp tục mở rộng nguồn vốn cho khách hàng vay phát triển chăn nuôi bò, nuôi lợn, gia cầm và thủy cẩm. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã duy trì sản xuất ổn định và từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. 

Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Agribank Xuân Trường giúp anh Trần Văn Hạ, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) mở rộng quy mô chăn nuôi mang lại thu nhập ổn định.
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Agribank Xuân Trường giúp anh Trần Văn Hạ, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) mở rộng quy mô chăn nuôi mang lại thu nhập ổn định.

Theo số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, đến hết tháng 6-2018, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của toàn tỉnh đạt 51.293 tỷ đồng, tăng 3.693 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 8.256 tỷ đồng (19,1%) so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay phân theo ngành kinh tế: ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 22,7%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 41%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 36,3%. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 24.364 tỷ đồng, chiếm 47,5% tổng dư nợ cho vay. Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813 của Thống đốc NHNN Việt Nam đến nay trên địa bàn tỉnh đạt dư nợ 11,5 tỷ đồng. Chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ có dư nợ 727,5 tỷ đồng với hàng chục nghìn khách hàng là các hộ, chủ gia trại, trang trại chăn nuôi, nhiều hộ đã mở rộng quy mô, tăng thu nhập và làm giàu bền vững. Tại Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định, thời gian cao điểm nhất, dư nợ đầu tư cho chăn nuôi khoảng 700 tỷ đồng, hiện nay mức dư nợ này còn khoảng 300 tỷ đồng với hơn 1.500 hộ khách hàng vay nuôi lợn. Anh Mai Văn Luyện, xã Kim Thái (Vụ Bản) cho biết: Thời kỳ cao điểm gia trại của gia đình tôi nuôi hơn 100 con lợn thịt, khoảng 500 con gà, thường xuyên vay vốn của Agribank Vụ Bản 200 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay, tôi đã có điều kiện chủ động hơn trong chi phí đầu vào sản xuất, nhất là việc mua thức ăn chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, có năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hưng ở xã Yên Phong (Ý Yên) đầu tư trang trại nuôi lợn nái 200 con với số vốn lên đến hơn 4 tỷ đồng. Khi đàn lợn chuẩn bị cho sinh sản thì giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục dẫn tới giá lợn giống cũng xuống theo. Trong lúc khó khăn, ông đã được ngân hàng cho vay thêm 500 triệu đồng để mua thức ăn duy trì đàn lợn với tính toán nhiều hộ chăn nuôi sẽ bỏ không nuôi nữa, khi đó giá lợn thịt sẽ dần tăng trở lại. Lợn giống chưa xuất bán được, ông Hưng giữ nuôi thành lợn thịt nhằm duy trì chăn nuôi trong thời gian xuống giá. 

Theo các ngân hàng thương mại trên địa bàn, trong gần hai năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá lợn hơi xuống thấp dẫn tới nhiều khách hàng gặp khó khăn khi trả nợ vốn. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều ngân hàng đã cơ cấu lại các món vay, lùi thời gian trả nợ cho bà con. Thời kỳ cao điểm, Chi nhánh Agribank Nam Định đã giải ngân cho hơn 10 nghìn khách hàng vay nuôi lợn với nguồn vốn dư nợ khoảng 1.300 tỷ đồng, chưa kể hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi vay. Khi giá lợn xuống thấp, Agribank Nam Định đã chỉ đạo Agribank các huyện, thành phố phân công cán bộ trực tiếp làm việc với các hộ chăn nuôi có sử dụng vốn của ngân hàng, tổng hợp số nợ gốc, tiền lãi khả năng chi trả và những khó khăn của bà con để tìm cách tháo gỡ. Quan điểm chỉ đạo của Chi nhánh là tập trung thu nợ gốc trước, thu lãi sau và cơ cấu lại nợ cho những khách hàng thực sự khó khăn. Đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, có kinh nghiệm khả năng phân tích thị trường và duy trì sản xuất, Chi nhánh vẫn tiếp tục duy trì giải ngân vốn. Còn các hộ đã giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng, Chi nhánh vận động bà con chuyển đổi ngành nghề sản xuất để có nguồn thu duy trì cuộc sống và trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, Agribank các huyện còn tập trung giải ngân nguồn vốn cho khách hàng vay nuôi trâu, bò thịt, gia cầm, thủy cầm... với mục tiêu thúc đẩy ngành chăn nuôi tăng trưởng. Không chỉ có hệ thống Ngân hàng Agribank quan tâm hỗ trợ người chăn nuôi, đồng hành với người chăn nuôi trong lúc khó khăn, đồng chí Trần Văn Thiện, Giám đốc Vietinbank Nam Định khẳng định: Chia sẻ với những khó khăn trong chăn nuôi của bà con, Chi nhánh đã tích cực triển khai chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của NHNN Việt Nam. Tính đến ngày 30-6-2018, tổng số dư tín dụng cho vay theo chương trình nông nghiệp, nông thôn đạt gần 200 tỷ đồng. Vietinbank Nam Định đã thường xuyên tư vấn các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp với quy mô, loại hình sản xuất, kinh doanh cho các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Hướng dẫn các khách hàng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý để vay vốn ngân hàng theo quy định. Chủ động cung ứng các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với nhu cầu của khách hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên giám sát hoạt động kinh doanh của khách hàng để có các phương án tín dụng phù hợp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn của khách hàng. 

Với sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng đã giúp ngành chăn nuôi của tỉnh bước đầu vượt qua thời kỳ khó khăn duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com