Giao Thủy hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

08:07, 09/07/2018

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện Giao Thủy đã có những chuyển biến toàn diện, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh và công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của một địa bàn ven biển chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Kênh Ngô Đồng 3, xã Giao Tiến được bê tông hóa phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Kênh Ngô Đồng 3, xã Giao Tiến được bê tông hóa phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Về Giao Thủy hôm nay, ai cũng có thể nhận thấy sự “thay da, đổi thịt” ở hầu hết các làng quê. Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được chuẩn hóa theo tiêu chí NTM. Sau khi hoàn thành dồn điền, đồi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp, nguồn lực đất đai của huyện được sắp xếp quy hoạch hợp lý cho các mục tiêu phát triển. Đối với đất nông nghiệp tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đồng thời, phân định cụ thể đất công ích, đưa vào quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân góp đất mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông - thủy lợi nội đồng. Tổng diện tích đất nông nghiệp các hộ dân tự nguyện đóng góp là gần 392ha, có 54 hộ hiến đất thổ cư từ 150m2 trở lên. Giao Thủy được đánh giá là một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Nhiều công trình trọng điểm quy mô lớn như Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489 và các tuyến huyện lộ được cải tạo, nâng cấp, làm mới đã góp phần tạo sự kết nối thông suốt trên toàn hệ thống đường bộ từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn cũng như với các huyện lân cận. Bằng các nguồn vốn, trong 7 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã bê tông hóa 638,8km (đạt 100%) đường trục xóm, đường ngõ xóm. Cùng với gần 15km quốc lộ đạt chuẩn cấp III và IV đồng bằng, 2 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài gần 32km đạt chuẩn cấp V đồng bằng, 2 tuyến đường huyện tổng chiều dài 19km đạt chuẩn cấp V đồng bằng; 282km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa 100% đạt chuẩn quy định. Đường trục chính nội đồng có 508,4km/787,6km (đạt 64,5%) mặt đường bê tông xi măng đạt chuẩn theo quy định của Bộ GTVT. Hầu hết các tuyến đường trục xã, trục thôn xóm và đường ngõ xóm có lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Tại xã Hồng Thuận - địa phương gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, với sự chỉ đạo của huyện, địa phương đã có nhiều cố gắng nỗ lực, huy động nhân dân cùng vào cuộc xây dựng các công trình phúc lợi và các công trình thôn, xóm. Đến nay, xã đã nâng cấp, làm mới hơn 13km đường giao thông từ xã tới các thôn, xóm. Nhân dân 18 xóm ở Hồng Thuận tự nguyện đóng góp các nguồn lực hoàn thiện 25km tuyến đường trục thôn, xóm. Không chỉ nâng cấp, làm mới các tuyến đường liên xã, liên thôn, Hồng Thuận cũng đã quy hoạch và cứng hóa mặt đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài trên 7km, bằng hơn 51% tổng chiều dài mạng lưới đường nội đồng tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nhất là đưa cơ giới hóa trong khâu làm đất, cấy lúa và thu hoạch, góp phần giảm chi phí cũng như sức lao động cho người nông dân. 

Trong những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi của huyện Giao Thủy luôn được quan tâm, đầu tư nâng cấp, cải tạo đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, dân sinh, kinh tế và phòng chống thiên tai, phù hợp với quy hoạch hệ thống thủy lợi của tỉnh đã được phê duyệt. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy quản lý trên địa bàn 24 cống dưới đê; 54 cống đập trên kênh cấp I; 404 cống, đập cấp II; 70 đập điều tiết trên kênh cấp II; trong đó: 36 kênh cấp I với tổng chiều dài 160,8km đã kiên cố hóa hơn 18km; 506 kênh cấp II với tổng chiều dài 571km đã kiên cố hóa gần 14km; 36 trạm bơm điện cố định được sửa chữa nâng cấp. Các xã, HTX quản lý từ cống cấp III đến mặt ruộng và các trạm bơm điện di động gồm: 227 trạm bơm điện di động và 2.879 kênh mương cấp III. Đến nay, các xã, thị trấn đã kiên cố hóa được 30,6km kênh cấp III, tiêu biểu là: Giao Phong 5.669m, Giao Tiến 3.340m, Ngô Đồng 3.063m, Giao Yến 2.300m, Giao Hải 1.685m… Việc quan tâm đầu tư tu sửa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng đã tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp, kể cả trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động hằng năm đạt 100%; trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 9.172ha (7.491ha đất trồng lúa, 1.681ha đất trồng cây hằng năm và lâu năm khác); đất nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) 5.109ha; đất lâm nghiệp 1.776ha; đất làm muối 451ha và 91ha đất nông nghiệp khác. Hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa được đẩy mạnh, tạo điều kiện hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn”, mô hình “NTTS tập trung”. Đây được coi là bước đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng chuyên canh sản xuất lúa tập trung, sản xuất rau màu và vùng NTTS giá trị hàng hóa cao ở Giao Thủy. Trong sản xuất lúa, cơ giới hóa của huyện đạt 100% diện tích ở khâu làm đất và 85% diện tích ở khâu thu hoạch. Huyện đã xây dựng được 24 cánh đồng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao; 35 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà. Năng suất lúa của Giao Thủy luôn dẫn đầu toàn tỉnh, bình quân đạt 130 tạ/ha/năm. Tại một số vùng chuyên canh rau màu, sản xuất theo phương thức VietGAP, điển hình là ở xã Giao Phong mang lại giá trị doanh thu mỗi năm từ 200-300 triệu đồng/ha cho nông dân. Về NTTS, có 11 mô hình nuôi tập trung ở các xã: Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Phong, Bạch Long... với các đối tượng nuôi là ngao, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển, ốc hương, các loại cá nước lợ, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Nếu như thời điểm năm 2010, giá trị sản phẩm trồng trọt và NTTS của huyện bình quân chỉ đạt gần 90 triệu đồng/ha thì đến nay đã đạt trên 200 triệu đồng/ha.

Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nên việc thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng của Giao Thủy đạt kế hoạch đề ra, vừa tăng năng lực lưu thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, NTTS đáp ứng yêu cầu đi lại thuận lợi cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần đưa Giao Thủy trở thành huyện NTM năm 2017./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com