Suốt một thời gian dài không được quan tâm, cảnh báo nguy hiểm nên việc vứt bừa bãi vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng ngay tại cánh đồng và mương nước đã trở thành thói quen của nhiều nông dân. Các loại bao bì này sản xuất bằng các chất liệu nhựa, ni lon, vẫn còn dư lượng thuốc khi bị vùi xuống lòng đất dù trong thời gian dài cũng không phân hủy được, tồn dư thuốc ngấm vào đất, mạch nước ngầm gây ô nhiễm môi trường đất và nước, không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, từ hiệu quả thực tiễn của một số mô hình tự phát ở các địa phương thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV bằng bê tông ngay tại ruộng. Bước đầu mô hình này đã cho thấy những hiệu quả nhất định và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương.
Bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đồng Sơn (Nam Trực). |
Trong các đợt phát động phun thuốc phòng trừ bệnh lùn sọc đen, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá… từ đầu vụ xuân 2018 đến nay, tình trạng vứt bỏ bừa bãi vỏ thuốc BVTV ra các khu vực ruộng, mương nước giảm đi đáng kể. Tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), việc xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ môi trường của bà con nông dân. Như đã thành thói quen, sau mỗi lần pha chế thuốc để phun xịt trên đồng ruộng, ông Hà Văn Lệ xóm 1 Thiên Bình luôn cẩn thận thu gom các loại bao bì, chai lọ thuốc BVTV đưa vào bể thu gom của xã. Ông Tuân cho biết, thói quen vứt chai lọ, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng của nông dân, một phần do chưa hiểu hết tác hại lâu dài của rác BVTV đối với môi trường. Sau khi được tuyên truyền về tác hại lâu dài của rác thải thuốc BVTV đối với môi trường, hầu hết người dân địa phương đã tự giác thu gom bao bì thuốc BVTV. “Trước đây chưa có bể, chúng tôi thường tiện đâu vứt đấy, nên ruộng rất nhiều vỏ thuốc BVTV, nhất là gần khu vực có nguồn nước, nơi tiện pha chế thuốc. Từ hôm có bể thu gom, khi pha chế xong thuốc người dân trong xóm đều bỏ vỏ bao bì vào đó. Việc này đã trở thành thói quen của bà con” - ông Tuân chia sẻ. Đến nay, cùng với nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ và kinh phí xã hội hóa, chương trình xây dựng NTM, các địa phương đã xây dựng được 10.380 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Sở NN và PTNT phối hợp với Sở TN và MT cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom các loại chất thải, bao bì thuốc BVTV vào các bể chứa theo quy định. Mô hình này đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và người dân. Nhận thức của cộng đồng và người sản xuất trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động được nâng cao, từ đó chủ động thực hiện, đặc biệt trong việc đầu tư xây dựng bể chứa, thu gom bao bì thuốc BVTV. Hiện các bể chứa đều phát huy tác dụng. Ước tính trong năm 2017, toàn tỉnh đã thu gom được 100 tấn bao bì thuốc BVTV (chai nhựa, thủy tinh, gói nilon) đã qua sử dụng. Toàn bộ lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được UBND các xã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý với Cty CP Đầu tư và kỹ thuật Tài nguyên môi trường ETC; đã xây dựng quy chế thu gom vận chuyển vỏ bao bì thuốc BVTV qua sử dụng về nơi tập kết, được xử lý chôn lấp hoặc đốt cùng rác thải sinh hoạt. Ông Trần Văn Nam ở thôn Trai, xã Nam Cường (Nam Trực) chia sẻ: Gia đình ông có 3 sào ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa nên phải sử dụng nhiều loại thuốc BVTV từ khi gieo cấy cho đến khi lúa bắt đầu trổ bông. Bình quân ruộng ít nhất mỗi năm phun hết 200gam thuốc BVTV cho mỗi sào. Theo ông Nam, vỏ thuốc BVTV rất độc hại, do vậy việc thu gom và xử lý loại rác thải này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân như ông. Từ lúc có điểm tập kết bao bì thuốc BVTV, được chính quyền tuyên truyền nên ý thức người dân được nâng lên, tất cả bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng xong được gom lại, vừa tiện lợi lại an toàn.
Có thể nói, sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân khi tham gia mô hình thu gom, xử lý bao, gói thuốc BVTV trên đồng ruộng có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên những cánh đồng sạch, an toàn. Đây cũng là thành công lớn của mô hình. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt; ý thức và nhận thức của một bộ phận nông dân về vệ sinh môi trường, an toàn sức khỏe lao động còn hạn chế, chủ quan nên chưa chủ động, tự giác thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Qua khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn các mẫu thiết kế bể thu gom bao bì thuốc BVTV chưa theo quy chuẩn về kích thước, chất liệu, cấu tạo, vì vậy đa phần các bể chứa được xây bằng xi măng không có nắp đậy nên chưa đáp ứng yêu cầu thu gom an toàn (hóa chất tồn dư trong bao gói, chai lọ vẫn có thể khuếch tán vào không khí). Lượng chất thải vỏ chứa hóa chất BVTV thu gom vào các bể lưu chứa ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh chưa có hướng xử lý hợp vệ sinh. Do thiếu khu vực lưu chứa, phương án xử lý nên sau khi thu gom lại tập kết chung với rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp của xã; một số nơi xử lý bằng cách đốt cả các loại chất thải chứa hóa chất BVTV tại các bể chứa để tiêu hủy làm phát sinh khí thải độc hại, hình thành các điểm ô nhiễm cục bộ. Ngoài ra, ngân sách địa phương hạn hẹp nên kinh phí hỗ trợ xây dựng bể chứa, khu vực lưu chứa và thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng còn hạn chế.
Để công tác thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn lãnh đạo các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh phối hợp nâng cao chất lượng công tác thu gom, xử lý vỏ thuốc BVTV. Lồng ghép các chương trình dự án về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong việc tuyên truyền, tập huấn và xây dựng bể chứa hoặc khu vực lưu chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng. Từ nay đến hết năm 2018 toàn tỉnh xây mới từ 3.000-5.000 bể chứa vỏ thuốc BVTV. Triển khai thí điểm xây dựng khu vực lưu chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định tại 2-3 huyện, thành phố. Thực hiện vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định về xử lý chất thải nguy hại. Ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Trước mắt tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định, quy chuẩn thu gom tại những nơi sử dụng nhiều thuốc BVTV như: vùng trồng hoa, cây cảnh, chuyên canh rau màu và một số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh