Dấu hiệu tích cực từ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018

08:07, 17/07/2018

Tính đến hết tháng 6-2018, tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đạt mức tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế tỉnh nhà. 

Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Hải Thanh (Hải Hậu).
Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Hải Thanh (Hải Hậu).

Theo số liệu của Chi nhánh NHNN tỉnh, 6 tháng đầu năm nay tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 51.293 tỷ đồng, tăng 3.693 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 8.256 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 61,7%; trung và dài hạn chiếm tỷ trọng 38,3%. Dư nợ cho vay phân theo ngành kinh tế: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 22,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 41%; thương mại, dịch vụ chiếm 36,3%. Phân loại theo khách hàng vay: 1.715 doanh nghiệp có dư nợ 17.925 tỷ đồng, chiếm 35%; 27 HTX có dư nợ 91 tỷ đồng, chiếm 0,2%; 246.172 hộ gia đình, cá nhân có dư nợ 33.277 tỷ đồng, chiếm 64,8%. Nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,06% tổng dư nợ cho vay. Theo đánh giá chung, mức tăng trưởng trên cho thấy những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế với khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng khá tốt. Hầu hết các chương trình tín dụng như: Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cho vay phát triển thủy sản; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg; cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ... đều có mức tăng trưởng vượt sự kỳ vọng. Phân tích sâu về mức tăng trưởng cho thấy sự cải thiện tích cực trong tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ cho vay ngắn hạn. Tính đến hết tháng 6-2018, tổng mức dư nợ tín dụng cho vay ngắn hạn của toàn tỉnh chiếm tới 61,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh của các chương trình tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng có bước tăng trưởng đột phá. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.733 tỷ đồng, tăng 144 tỷ đồng (5,6%) so với đầu năm. Dư nợ tập trung chủ yếu ở một số chương trình: Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường chiếm tỷ trọng 31,1%; cho vay hộ cận nghèo chiếm tỷ trọng 25,5%; cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 15,5%; cho vay học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng 11,2% tổng dư nợ cho vay.  

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn tín dụng, mặt bằng lãi suất cũng có những diễn biến tích cực theo hướng tạo thuận lợi hơn cho khách hàng vay do lãi suất tiếp tục giảm. Cụ thể, nhằm tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2018 các ngân hàng thương mại Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 6%/năm, giảm từ 0,5 đến 2% so với thời điểm đầu năm 2017. Riêng Ngân hàng NN và PTNT mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 7,5%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất huy động bằng VND đang phổ biến từ 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; khoảng 4,3-5,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; khoảng 5,3-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng và từ 6,5-7,3%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay bằng VND các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 9,3-11%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất huy động bằng USD thực hiện theo quy định là 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến 2,8-6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 4,6-6%/năm. Đây là các mức lãi suất được doanh nghiệp, người dân đánh giá là phù hợp khi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần quan tâm trong tình hình hoạt động và kết quả tín dụng trong nửa đầu năm nay. Theo các chuyên gia tài chính, nền kinh tế hoạt động cần cả tín dụng ngắn và dài hạn, hiện mức tăng trưởng tín dụng dài hạn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp trong khi tín dụng dài hạn mới là động lực chính tạo ra giá trị tăng trưởng trong tương lai. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng chưa quyết liệt trong việc triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Đầu tháng 4-2017, NHNN Việt Nam đã ban hành hướng dẫn chi tiết việc cho vay gói lãi suất thấp 100 nghìn tỷ đồng đầu tư vào chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên đến nay theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trên địa bàn toàn tỉnh mới có dư nợ cho vay chương trình này là 11,5 tỷ đồng. Đây là mức vốn khá “khiêm tốn” so với nhu cầu thực của thị trường. Hiện tại đang có một làn sóng mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù vậy, bên cạnh việc hưởng lợi từ nguồn vốn có chi phí thấp và những chính sách ưu đãi, những quy định về quy trình cho vay cũng như sự hiệu quả của sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang đặt ra không ít những vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 10-12-2015, NHNN đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, bao gồm: Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Ngoại thương tham gia cho vay. Tuy nhiên đến nay chương trình này vẫn chưa triển khai được do Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính chưa cân đối, bố trí được nguồn ngân sách để cấp vốn cho Ngân hàng CSXH triển khai cho vay và cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm xử lý, song những dấu hiệu tích cực từ mức độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, Chi nhánh NHNN tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, an toàn; mặt bằng lãi suất ổn định và tiếp tục giảm nhẹ, góp phần cùng toàn ngành thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com