Cộng Hòa phát triển kinh tế nông thôn

06:07, 20/07/2018

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ðào Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (Vụ Bản) vui mừng cho biết: Sau gần 2 năm được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong xã đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của xã đã đạt kết quả khả quan như: thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,84%; 91% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Hiện nay xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn (theo quy định của Bộ Xây dựng) đạt 96,5%...

Sản xuất thùng đựng hàng, kệ hàng, lô cuốn cáp điện… tại Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nam Ngọc, xã Cộng Hòa.
Sản xuất thùng đựng hàng, kệ hàng, lô cuốn cáp điện… tại Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nam Ngọc, xã Cộng Hòa.

Xã Cộng Hòa có trên 5.400 nhân khẩu, trong đó có trên 3.600 lao động trong độ tuổi. Thực hiện nghị quyết đại hội Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, xã Cộng Hòa đã tập trung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM theo phương châm: đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và tăng thu nhập cho người dân; chú trọng thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề. Ðể sản xuất nông nghiệp phát triển, Ðảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, quy hoạch quỹ đất sản xuất nông nghiệp thành 11 vùng trồng lúa hàng hóa, diện tích 250,69ha; 6 vùng trồng lúa năng suất cao, diện tích 144,38ha; 8 vùng trồng màu với diện tích 55,45ha; 9 vùng phát triển kinh tế trang trại với diện tích 125,38ha. Xã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện, của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại... Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng phát huy tiềm năng nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi (có gần 2km Quốc lộ 38B và gần 5km Quốc lộ 37B chạy qua địa bàn), làm tốt công tác quy hoạch tạo quỹ đất tập trung lớn cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển. Trong năm 2017, xã đã phối hợp với xã Minh Tân hoàn thành quy hoạch xây dựng CCN mới Tân Hòa có tổng diện tích 50ha đã được UBND tỉnh quyết định bổ sung vào quy hoạch phát triển các CCN mới đến năm 2025. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN như: may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, mộc... để tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động tại chỗ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được xã tín chấp với các tổ chức tín dụng cho vay vốn với tổng dư nợ lên đến 18,6 tỷ đồng. Với các biện pháp đồng bộ, đến nay trên địa bàn xã Cộng Hòa đã phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN như: chế biến gỗ, may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây, tre đan… Theo thống kê của UBND xã, ước tính 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt khoảng 37 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 2-3 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn xã đã phát triển được 2 doanh nghiệp may công nghiệp là các Cty TNHH: Trường Phát, Nhung Dung tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Trần Văn Hiệu, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Dệt may xuất khẩu Trường Phát cho biết: được sự quan tâm tạo điều kiện của xã, Cty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu các sản phẩm áo giắc két, quần âu, áo T-shirt... xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, EU. Hiện Cty có 150 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 6-6,5 triệu đồng/người/tháng; doanh thu bình quân hằng năm đạt từ 20-25 tỷ đồng. Xây dựng dân dụng cũng là nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động của xã. Ngoài 2 doanh nghiệp xây dựng thường xuyên nhận được các hợp đồng lớn trong huyện, trong tỉnh là các Cty TNHH: Xây dựng Thành Nam, Huy Tùng, xã còn có gần 20 đội thợ xây dựng với quy mô từ 7-20 lao động/đội.

Trong đó, đội thợ của các ông Phạm Văn Nhuận, Nguyễn Hữu Thể (đều ở thôn Bối Xuyên Thượng) thường xuyên có trên 20 lao động tham gia có việc làm và thu nhập ổn định. Nghề chế biến gỗ cũng phát triển mạnh với 2 doanh nghiệp và hàng chục cơ sở sản xuất sử dụng bình quân từ 5-7 lao động/cơ sở nằm rải rác ở các thôn: Ngọc Sài, Bùi Trung, Thiện Vịnh, Tháp... Sản phẩm mộc của xã đa dạng từ đồ dùng dân dụng như: bàn, ghế, giường, tủ đến các loại tượng, đồ thờ và cả thùng, kệ hàng, lô cuốn cáp điện… Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Thương mại Nam Ngọc, thôn Thông Khê ngoài sản xuất một số mặt hàng gỗ phục vụ công nghiệp như thùng đựng hàng, lô cuốn cáp điện còn ký kết được nhiều hợp đồng xây dựng cầu treo dân sinh tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay, Cty tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương và trên 50 lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Cộng Hòa chủ trương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất CN-TTCN để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt từ 13% trở lên; giá trị sản xuất CN-TTCN đạt từ 70-75 tỷ đồng trở lên./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com