Chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất vụ mùa

06:07, 16/07/2018

Vụ mùa 2018, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 76.500ha lúa và trồng 9.500ha cây rau màu các loại. Với phương châm: “Tổ chức sản xuất vụ mùa gắn với các biện pháp chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất vụ mùa 2018 với các huyện, thành phố, tập trung vào các nội dung: Quản lý chặt chẽ cơ cấu giống theo kế hoạch đã xây dựng; không sử dụng giống lúa BT7 và các giống nhiễm nặng rầy, bệnh bạc lá trong sản xuất vụ mùa 2018. Áp dụng phương thức gieo cấy phù hợp với các chân ruộng, các trà lúa; quyết liệt chỉ đạo và thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa việc gieo sạ; xây dựng được ít nhất 2 mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn về quy trình thâm canh, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, phòng chống bệnh lùn sọc đen và các nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trong vụ mùa, vụ đông 2018.

Nông dân xã Hoành Sơn (Giao Thủy) xuống đồng cấy lúa mùa.
Nông dân xã Hoành Sơn (Giao Thủy) xuống đồng cấy lúa mùa.

Trước vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu giống và thời vụ theo yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu; điều hành tập trung, thống nhất các nhiệm vụ sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông theo các nội dung Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phân công cán bộ cấp ủy và cán bộ chuyên môn tăng cường xuống các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn sản xuất. Các xã, thị trấn chủ động khắc phục khó khăn, bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện tích cực vận động nông dân tổ chức thực hiện tốt sản xuất; đặc biệt là đảm bảo cơ cấu giống, thời vụ. Cơ cấu giống tập trung vào các giống lúa thuần với tỷ lệ 70-75% diện tích, sử dụng các giống lúa chịu úng, ít nhiễm rầy, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và có chất lượng cao như: Kim Cương 111, Thiên ưu 8, Nếp 97… thay thế cho BT7. Trên các chân ruộng trũng, ruộng nhiễm chua, phèn, mặn và những diện tích có nguy cơ bị ngập úng cấy lúa lai (15-20% diện tích) với các giống CT16, Bắc ưu 903 kháng bạc lá, TEJ vàng… Lúa đặc sản được sản xuất theo vùng quy hoạch tập trung với các giống Nếp Bắc, Nếp cái hoa vàng, Tám xoan, Dự hương chiếm 10% diện tích. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nửa cuối năm 2018 bão và áp thấp nhiệt đới ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, trong đó có từ 1-2 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh. Tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm nhưng có các đợt mưa lớn tập trung trong tháng 7-8 khi đang gieo cấy vụ mùa và lúa còn thấp cây. Ðể đảm bảo công tác tưới, tiêu phòng chống úng, hạn trong vụ mùa, vụ đông 2018, các Cty KTCTTL đã đầu tư kinh phí sửa chữa máy móc, thiết bị, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; phối hợp giải tỏa được nhiều vi phạm; điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy trình vận hành hệ thống công trình; xây dựng các phương án phòng chống úng, hạn và kế hoạch tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Trong vụ đông xuân 2017-2018, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng và các xã, thị trấn trong huyện đã nạo vét, đắp ấp trúc bờ vùng, bờ thửa với tổng khối lượng trên 370 nghìn m3 đất; sửa chữa, xây đúc các công trình đầu mối và nâng cấp 99 công trình nội đồng. Tổng kinh phí thực hiện trên 24 tỷ đồng. Ðồng chí Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch HÐQT Cty cho biết: Ðến nay, Cty đã hoàn thành công tác bảo dưỡng tu sửa nhỏ, thay thế dây cáp, các thiết bị chi tiết máy móc hư hỏng trước mùa mưa bão, đảm bảo 100% công trình vận hành an toàn phục vụ cho sản xuất và nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Ngoài ra, công tác giải tỏa, khơi thông được làm thường xuyên nên toàn bộ hệ thống kênh mương, dòng chảy sạch sẽ, thông thoáng, phát huy hiệu quả năng lực tưới, tiêu của các công trình.

Từ thực trạng bệnh lùn sọc đen gây hại nặng trong vụ mùa 2017, nguồn rầy lưng trắng mang vi-rút lùn sọc đen và nguồn bệnh được tích lũy trong vụ xuân 2018 kết hợp thời tiết nắng, mưa xen kẽ thuận lợi cho rầy phát triển, do đó vụ mùa 2018 việc bùng phát bệnh lùn sọc đen có nguy cơ rất cao. Ðể chủ động phòng ngừa và sẵn sàng phòng chống đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh ban hành kế hoạch, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa năm 2018 tỉnh; có công văn chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn với các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ. Sở NN và PTNT phối hợp với các địa phương quyết liệt chỉ đạo đảm bảo các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ cơ cấu giống, thời vụ, phương thức gieo cấy, quy trình thâm canh lúa mùa 2018 gắn với các biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý nguồn bệnh, môi giới truyền bệnh trong quá trình làm đất, vệ sinh đồng ruộng và gieo mạ mùa. Các huyện, thành phố đã ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ mùa 2018; tổ chức tuyên truyền, tập huấn quy trình thâm canh lúa mùa và hướng dẫn nông dân chủ động phòng chống dịch bệnh lùn sọc đen theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Huyện Xuân Trường là một trong những địa phương thực hiện quyết liệt nhất công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen. Ðồng chí Vũ Tuấn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ký cam kết với UBND huyện về thực hiện nhiệm vụ sản xuất và phòng chống bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa; hướng dẫn các địa phương tổ chức họp xóm, ký cam kết tới từng hộ nông dân. Huyện hỗ trợ kinh phí mua thuốc phòng trừ dịch bệnh cho các hộ nông dân áp dụng phương pháp gieo mạ nền cứng. 100% lượng hạt giống gieo mạ nền cứng được các địa phương phun thuốc hóa học Cruiser plus 312,5FS từ ngày 28-6 đến 1-7; phun tiễn chân mạ cho 100% diện tích từ ngày 6 đến 8-7; chỉ đạo hỗ trợ thuốc xử lý 100% lượng hạt giống cho 915ha gieo sạ; diện tích mạ muộn đã phun trừ rầy 2 lần. Diện tích ruộng bỏ hoang trong vụ xuân 2018 tại 14/20 xã, thị trấn đã được cày lật đất để gieo cấy 5ha, phun trừ rầy 27ha, hiện còn 21ha ruộng bỏ hoang đang tiếp tục được các địa phương tổ chức phun trừ rầy.

Ðến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc phun trừ rầy di trú. Ðã xử lý hạt giống cho mạ được 2.201ha, đạt 38,9% diện tích mạ; xử lý hạt giống cho lúa sạ 2.305ha, đạt 11,7% so với diện tích dự kiến sạ; phun trừ rầy cho 5.134ha mạ nền cứng và mạ dược, đạt 90,8% diện tích mạ; phun trừ rầy cho 32ha và bừa lồng, vệ sinh đồng ruộng cho 18,6ha trên tổng số 378ha diện tích bỏ hoang cần xử lý. Ðến hết ngày 12-7-2018, toàn tỉnh đã bừa cấy 95% diện tích; diện tích cấy và sạ 49.451ha, đạt 65% diện tích. Các huyện có tiến độ gieo cấy nhanh là: Vụ Bản 87%, Ý Yên 75%, Hải Hậu 70%... Diện tích cây màu hè thu đã trồng là 5.025ha, đạt 53% diện tích; trong đó: cây lạc 825ha, cây ngô 880ha, đậu tương 540ha và cây rau màu khác 2.780ha. Thời gian tới, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố, các Cty KTCTTL quan tâm thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ mạ và lúa mới cấy. Tập trung huy động phương tiện và nhân lực đẩy nhanh tiến độ làm đất, không để tình trạng “mạ chờ ruộng”. Hướng dẫn các hộ nông dân tranh thủ thời điểm sáng sớm và chiều mát để cấy lúa mùa, phấn đấu cấy cơ bản trước 20-7. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn; chủ động các biện pháp phòng chống mưa úng. Khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho từng vùng để phục vụ tốt công tác làm đất và cấy lúa mùa. Các Cty KTCTTL và các xã chuẩn bị thêm máy bơm dầu, bơm điện để sẵn sàng tham gia chống úng, hạn. Tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường kinh doanh thuốc BVTV; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh thuốc BVTV cung ứng, hướng dẫn nông dân sử dụng những loại thuốc theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com