Việc một số cơ quan Nhà nước chưa minh bạch, không công khai thông tin cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế. Doanh nghiệp phải tốn kém nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan chính quyền thay vì đầu tư nguồn lực đó vào phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả. Để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh việc công khai rộng rãi thông tin.
Sản xuất tại Cty CP May Nam Định. |
Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh, chỉ số tính minh bạch thông tin có xu hướng giảm dần từ năm 2012 đến nay. Đến năm 2016, chỉ số tính minh bạch thông tin chững lại ở mức điểm 6,06, không tăng so với năm 2015. Thậm chí đến năm 2017, chỉ số này của tỉnh tiếp tục tụt sâu xuống còn 5,33 điểm và trở thành địa phương có mức điểm thấp nhất trong 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng chí Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: “Qua thanh tra hầu như các địa phương còn thiếu sự chủ động, không đầy đủ khi cung cấp, nhất là các thông tin liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…”. Dù một số sở, ngành đã tích cực cải thiện tính công khai, minh bạch thông tin bằng cách niêm yết tại các trụ sở và đăng tải trên website nhưng quan trọng nhất là người dân và doanh nghiệp chưa được hỗ trợ để nắm bắt cụ thể, sâu, rõ về thông tin mình quan tâm. Cụ thể như người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin chung về quy hoạch sử dụng đất nhưng vẫn chưa tiếp cận cụ thể, rõ ràng đâu là vị trí quy hoạch dành cho sản xuất, cây xanh, cây xăng... Tại một số địa phương, việc niêm yết các thủ tục hành chính mang tính hình thức, không thực sự để phục vụ nhu cầu của người dân vì vậy thường niêm yết tại những vị trí bị hạn chế về tầm nhìn, hoặc xa nơi tiếp nhận thủ tục. Tại một số địa phương đã công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị nhưng người dân rất khó xem được bản đồ vì treo quá cao(?!) Điều này khiến người dân, doanh nghiệp đánh giá các sở, ngành, địa phương chưa chủ động, không công khai, hoặc thiếu công khai thông tin hoặc vị trí công khai khó tiếp cận; công khai nhưng thiếu những dữ liệu cơ bản; công khai dưới dạng chung chung... Những bất cập trong công khai thông tin cũng tạo cơ hội để một số lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, không ít người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tìm cách “thiết lập các mối quan hệ” riêng để tìm kiếm tiếp cận thông tin, kéo theo sự gia tăng đáng kể “chi phí không chính thức” trong tiếp cận đầu tư, giải quyết thủ tục.
Nhằm tăng cường tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, tại Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đa dạng kênh công khai, minh bạch các TTHC, quy trình, quy định hành chính để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng nhất. UBND tỉnh giao Văn phòng tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các công cụ như: “Đường dây nóng”, "hỏi - đáp" trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận, phản hồi các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Sở TT và TT nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao chất lượng hoạt động Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị bảo đảm việc tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư được thuận tiện, dễ dàng. Công khai hóa quá trình thụ lý và xử lý hồ sơ công việc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư gửi tới UBND tỉnh. Công khai hóa tất cả các văn bản của UBND tỉnh lên Cổng thông tin điện tử (trừ văn bản mật và văn bản trao đổi công việc). Giao Sở TT và TT là đầu mối chủ trì, theo dõi, đánh giá hiệu quả việc cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang web của sở, ngành, địa phương. Đồng thời, tập trung triển khai và phát huy hiệu quả đầu tư của dự án “Phát triển hạ tầng khung Chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020”; đề án “Xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định”; tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, nâng cao chất lượng, số lượng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, để tích cực giảm gánh nặng hành chính của việc trả lời những câu hỏi và yêu cầu thông thường của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp được chủ động tiếp cận thông tin thay vì thụ động nhận thông tin, tại kỳ họp thứ 11 ngày 6-4-2016 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin 2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018, không phải chờ các nghị định và thông tư hướng dẫn thêm như các luật trước đây. Vì vậy, các cơ quan hành chính Nhà nước, từ cấp phường, xã trở lên cần phải hết sức quan tâm nắm bắt và nghiêm túc thực hiện đúng quy định về bảo đảm tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Cụ thể, Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định buộc cơ quan Nhà nước từ cấp phường, xã trở lên phải công khai cung cấp rộng rãi cho người dân 46 loại thông tin, trong đó có những thông tin rất quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách Nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Người dân cũng có quyền được biết những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Đặc biệt, để giảm chi phí tiếp cận thông tin cho người dân, Luật Tiếp cận thông tin quy định ngoài trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, UBND xã còn có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.
Việc nhanh chóng quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Tiếp cận thông tin cùng với sự tăng cường các biện pháp bảo đảm tính công khai, minh bạch, bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các thông tin cần thiết từ phía các cơ quan chức năng sẽ góp phần giúp tỉnh sớm cải thiện chỉ số tính minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng phát triển kinh tế tại địa bàn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy