Theo quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định đến năm 2025, dự báo nhu cầu sử dụng nước của thành phố trong phạm vi quy hoạch đến năm 2020 là 124.863 m3/ngày đêm (ngđ) và đến năm 2025 là 153.663 m3/ngđ. Để chủ động phát triển hợp lý, đồng bộ hệ thống cấp nước sạch cho khu vực quy hoạch đến năm 2025, Cty CP Cấp nước Nam Định đã xây dựng phương án quy hoạch đầu tư hạ tầng đến năm 2020. Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 29-3-2017. Trong đó các giải pháp chính là nâng công suất Nhà máy nước Thành phố Nam Định từ 75 nghìn m3/ngđ lên 105 nghìn m3/ngđ đến năm 2020 và xây dựng hệ thống xử lý bùn cặn của Nhà máy với công suất 105 nghìn m3/ngđ. Xây dựng thêm 1 nhà máy nước ở phía bắc sông Đào đặt tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) với công suất là 26 nghìn m3/ngđ phục vụ cấp nước đến năm 2025. Đồng thời, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước phù hợp với phương án phát triển công suất của nhà máy nước và nhu cầu cấp nước. Tổng kinh phí thực hiện ước tính hơn 775 tỷ đồng từ nguồn vốn của Cty CP Cấp nước Nam Định, vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Công nghệ xử lý nguồn nước mặt cũng được xác định là áp dụng công nghệ trộn - phản ứng - lắng - lọc nhanh - khử trùng. Hệ thống các đường ống và nhà máy nước cần được đầu tư, nâng cấp được xác định rõ với tổng chiều dài 55,65km, tập trung vào thay thế tuyến ống D600 trên đường Lê Hồng Phong và tuyến ống D400 trên đường Hàng Tiện, cải tạo, nâng cấp các tuyến ống truyền tải từ D300-D800.
Nhân viên Cty CP Cấp nước Nam Định (TP Nam Định) kiểm tra áp lực nước tại trạm bơm cấp nước. |
Ngay trong năm 2017, Cty đã triển khai một số công trình cải tạo, mở rộng mạng lưới cấp nước theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tại khu vực thành phố, Cty đã xây dựng bổ sung tuyến ống nước thô D800 từ trạm bơm cấp 1 về khu xử lý đảm bảo kế hoạch cấp nước an toàn và phục vụ việc nâng cấp công suất cấp nước trong giai đoạn tiếp theo. Bổ sung đường ống hút nước thô HDPE-OD 630 cho trạm bơm cấp 1-FA 3. Lắp đặt tuyến ống nhựa HDPE-OD 280 để tăng cường cấp nước khu vực phía tây nam thành phố tại Quốc lộ 38B (đoạn từ cầu An Duyên đến Quốc lộ 10). Cải tạo, thay thế tuyến ống gang bằng ống nhựa HDPE mới và các mối nối đầu bát ống gang cho khu vực đường Trần Phú, đường Giải Phóng và một số khu vực khác trong thành phố. Tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án quản trị mạng lưới cấp nước thành phố nhằm nâng cao năng lực quản lý mạng lưới cấp nước và chống thất thoát, thất thu nước sạch. Thực hiện thay thế trên 14 nghìn cụm đồng hồ năm 2017, kết hợp dịch chuyển vị trí các cụm đồng hồ chưa đảm bảo yêu cầu quản lý. Phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố vỡ ống, điểm rò rỉ thất thoát nước với 520 mối chảy đường trục lớn, nhỏ và các mối chảy nhỏ từ cụm đồng hồ gia đình. Đồng chí Trần Ngọc Chiến, Phó Giám đốc Cty CP Cấp nước Nam Định cho biết: “Năm 2018 là năm đầu tiên Cty hoạt động theo mô hình chuyển đổi thành Cty CP với nhiều khó khăn thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh vốn đầu tư công cắt giảm, ngân sách tỉnh hạn chế, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Cty đã chỉ đạo cán bộ, công nhân viên nâng cao trách nhiệm cá nhân; cơ cấu, sắp xếp lại nguồn vốn, ưu tiên đầu tư có trọng điểm và hợp lý, nỗ lực thực hiện song hành cả hai mục tiêu mà UBND tỉnh đã giao”. 5 tháng đầu năm 2018, Cty đã tiếp tục cải tạo dây chuyền xử lý nước sạch thành phố bao gồm nâng cấp công suất khu bể hợp khối từ 25 nghìn m3/ngđ lên 35 nghìn m3/ngđ với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng. Triển khai xây dựng tuyến ống cấp nước theo quy hoạch mở rộng thành phố giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025 cấp nước phục vụ nhu cầu xây dựng KCN Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cty cũng tiến hành lắp đặt bổ sung một số tuyến ống cấp nước HDPE-OD 355, OD280 để san tải giữa các tuyến truyền tải chính của mạng, tăng cường cấp nước cho CCN An Xá và khách hàng khu vực phía tây nam thành phố gồm các tuyến đường Trần Hưng Đạo, đường Trần Tế Xương và Mạc Thị Bưởi, đường Mỹ Xá với tổng mức đầu tư 12,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cty đã thay thế các tổ máy bơm làm việc kém hiệu quả, tiêu tốn năng lượng; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ máy móc thiết bị đảm bảo an toàn trong sản xuất và cung cấp nước sạch. Đối với khu vực huyện Vụ Bản, Cty đã khởi công dự án xây dựng công trình trạm bơm nước thô mới cho Nhà máy Nước Vụ Bản tại xã Đại Thắng với tổng mức đầu tư là 85,8 tỷ đồng. Trạm bơm nước thô mới có công suất thiết kế là 20 nghìn m3/ngđ sẽ lấy nguồn nước trực tiếp từ sông Đào bằng tuyến ống nước dài 12km chạy dọc qua 3 xã Đại Thắng, Vĩnh Hào, Tam Thanh về Nhà máy Nước Vụ Bản thay thế cho nguồn nước sông Sắt đã bị ô nhiễm nặng nề, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước khiến người dân bức xúc trong thời gian qua. Công trình sẽ góp phần đảm bảo chất lượng nước đầu vào cho toàn bộ các công trình cấp nước sạch ở phía bắc huyện Vụ Bản. Cty cũng đang phối hợp với Trung tâm kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị (Viện Kiến trúc quốc gia) nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng khu xử lý bùn cặn nhà máy với công suất 105 nghìn m3/ngđ.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển của Thành phố Nam Định về cấp nước đến năm 2025, gồm: đến năm 2020 tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đạt 100%; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 18%, đến năm 2025 đạt dưới 15%... Cty sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan tiếp tục thay thế các tuyến ống cũ, khắc phục xử lý các điểm thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn thành phố và tại các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc. Phân bổ vốn đầu tư hợp lý vừa đảm bảo cấp nước sạch an toàn cho địa bàn thành phố theo quy hoạch đã được phê duyệt, vừa đạt mục tiêu kinh doanh. Năm 2018, Cty phấn đấu doanh thu đạt trên 195 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn