Những khó khăn trong thực hiện quy định bảo hành công trình

07:06, 19/06/2018

Thời gian qua, việc đảm bảo chất lượng công trình các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh không ngừng được quan tâm; hầu hết các chủ đầu tư đều nghiêm túc thực hiện quy định bảo hành công trình (BHCT) xây dựng theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Tuy nhiên, liên quan đến công tác quản lý, đảm bảo chất lượng xây dựng công trình, hiện tại chủ đầu tư và cơ quan quản lý đang gặp vướng mắc trong giải quyết, xử lý sự cố công trình do một số quy định của Nghị định 46. 

Dự án Shophouse tại KĐT Dệt may Nam Định trên đường Trần Phú (TP Nam Định).
Dự án Shophouse tại KĐT Dệt may Nam Định trên đường Trần Phú (TP Nam Định).

Từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng đã tiến hành thẩm định 38 hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình với tổng dự toán lập là 384 tỷ 254 triệu đồng. Qua thẩm định, dự toán giảm 4 tỷ 442 triệu đồng (tương đương 1,15%). Trong dự toán công trình, chủ đầu tư đều yêu cầu BHCT với giá trị tương đương 3-5% giá trị hợp đồng tuỳ thuộc vào cấp công trình. Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp nhận báo cáo, kiểm tra hồ sơ hoàn thành, kiểm tra hiện trường thi công xây dựng công trình và ban hành 13 thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình của chủ đầu tư. Trong các kết quả nghiệm thu công trình, khi kiểm tra đều yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công nghiêm túc thực hiện quy định BHCT, bảo lãnh BHCT. Điều 34 của Nghị định 46 quy định nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm BHCT, bảo hành thiết bị; thời hạn bảo hành được tính kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của hợp đồng xây dựng, hợp đồng cung ứng thiết bị nhưng không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng; không ít hơn 12 tháng đối với công trình các cấp còn lại; mức bảo hành là 5% giá trị hợp đồng. Thời hạn BHCT nhà ở thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở. Trong thời hạn bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình phải thực hiện việc bảo hành sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư. Nếu các nhà thầu không tiến hành bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa. Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong BHCT xây dựng; mức tiền bảo hành và việc lưu giữ, sử dụng, hoàn trả tiền bảo hành theo quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Việc bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận. Bên nhận thầu chỉ được hoàn trả bảo đảm BHCT sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành. Trong thời hạn bảo hành, bên nhận thầu phải thực hiện việc bảo hành trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sửa chữa của bên giao thầu. Tuy nhiên, các quy định trong Nghị định 46 mới chỉ rõ trách nhiệm cũng như quy trình thực hiện đánh giá hư hỏng công trình trong trường hợp công trình chỉ do một nhà thầu thực hiện. Còn đối với các công trình phức tạp, có nhiều nhà thầu, hiện vẫn chưa có phương thức xác định rõ thời gian BHCT một cách hợp lý để xác định trách nhiệm sửa chữa hư hỏng của các nhà thầu. Mặt khác quy định về BHCT mới chỉ được thực hiện nghiêm túc tại các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, còn đối với các công trình sử dụng vốn khác việc BHCT ít được các chủ đầu tư quan tâm đưa vào hợp đồng, đa số chỉ dựa trên giao dịch miệng nên giá trị bảo đảm về mặt pháp lý không cao. Nghị định số 46 cũng mới chỉ quy định yêu cầu tối thiểu đối với thời gian bảo hành cho các công trình xây dựng mà chưa có phương thức xác định thời gian bảo hành hợp lý cho từng gói thầu xây dựng, nhất là các gói thầu công trình đường giao thông, nhà ở chung cư hay các khu đô thị, dự án thực hiện trong nhiều năm. Đặc biệt khi sự cố xảy ra, công tác điều tra xác định nguyên nhân và trách nhiệm sửa chữa của từng nhà thầu trong thời gian bảo hành đối với các hạng mục rất khó khăn do thời gian xây dựng kéo dài. Theo cơ quan chuyên môn, tồn tại phổ biến nhất về BHCT là việc xác định nguyên nhân hư hỏng thường kéo dài, nhà thầu thường đùn đẩy trách nhiệm... Trong khi đó, các hư hỏng thường xuất hiện do 3 nguyên nhân như: thi công không đúng quy định, thiết kế không phù hợp, sử dụng sai thiết kế (chẳng hạn như quá tải) mà rất khó để xác định hư hỏng là do nguyên nhân nào. Bên cạnh đó, thời gian bảo hành của các nhà thầu với công trình nhiều nhà thầu thường không trùng nhau. Nhiều nhà thầu thường chối bỏ BHCT khi có sự cố ở những dự án cũ do ngoài việc phát sinh chi phí và nhân lực để khắc phục sửa chữa, việc xác nhận lỗi cũng ảnh hưởng đến uy tín và việc dự thầu ở những công trình khác. Trong khi đó chủ đầu tư công trình, là người được giao trực tiếp quản lý và vận hành các công trình công cộng cũng không có động cơ để yêu cầu nhà thầu khắc phục các lỗi nếu nhà thầu không tự giác. Bởi công trình đã được chính chủ đầu tư nghiệm thu, do đó nếu yêu cầu nhà thầu sửa chữa chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng chẳng khác nào tự nhận là quyết định nghiệm thu, việc nghiệm thu là không chính xác. Việc xử lý sự cố công trình sẽ càng khó khăn hơn khi công trình đã hết hạn bảo hành vì khi đó nguyên nhân phải được các bên đánh giá chính xác để có cơ sở xác định nguồn vốn xử lý sự cố công trình. Nhà thầu thi công chỉ có trách nhiệm khắc phục hư hỏng khi chủ đầu tư và các bên liên quan hoặc một tổ chức độc lập khẳng định được lỗi đó thuộc về nhà thầu.

Nhằm khắc phục tồn tại trên, đảm bảo chất lượng công trình được ổn định xuyên suốt trong quá trình khai thác, vận hành sử dụng ngay cả khi hết thời hạn bảo hành, công tác giám sát, nghiệm thu công trình phải được quản lý chặt chẽ với đầy đủ hồ sơ, nhật ký thi công, hồ sơ hoàn công, hồ sơ quyết toán từng phần và hồ sơ hoàn thành BHCT giữa chủ đầu tư với các nhà thầu thi công nhằm xác định rõ trách nhiệm sửa chữa hư hỏng đối với các nhà thầu khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, người sử dụng công trình phải thường xuyên bảo trì công trình, có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng công trình hằng năm theo quy định hiện hành. Các chủ đầu tư cũng phải chủ động yêu cầu bảo lãnh BHCT trong hợp đồng xây dựng, tránh tình trạng nhà thầu bỏ bê công trình sau khi hoàn thành. Sở Xây dựng cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định về hợp đồng xây dựng, bảo hành, bảo trì đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế và an toàn trong khai thác sử dụng cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com