Làm giàu từ mô hình VAC

06:06, 15/06/2018

“Năng động, chăm chỉ, chịu khó, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương”… là nhận xét của nhiều người về anh Nguyễn Đức Huân, Bí thư chi Đoàn thôn Trung Khu, xã Yên Phong (Ý Yên). Khởi nghiệp từ khá sớm với mô hình VAC, đến nay trang trại của anh Huân cho thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình.

Năng động, dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Đức Huân, Bí thư chi Đoàn thôn Trung Khu, xã Yên Phong (Ý Yên) đã trở thành triệu phú VAC với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Năng động, dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Đức Huân, Bí thư chi Đoàn thôn Trung Khu, xã Yên Phong (Ý Yên) đã trở thành triệu phú VAC với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Năm 2006, sau quãng thời gian dài lăn lộn làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Đức Huân quyết định trở về địa phương lập nghiệp. “Như nhiều thanh niên nông thôn khác, tôi nghĩ các thành phố lớn là nơi dễ làm ăn, có thể là “miền đất hứa”. Tuy nhiên, nhiều năm làm việc ở Sài Gòn, tôi nhận ra, đó không thể là nơi để tôi “lập thân, lập nghiệp” lâu dài. Sinh ra vốn quen với cây lúa, đàn gà, con lợn, nếu muốn ổn định cuộc sống, làm giàu chỉ có thể bắt đầu từ chính quê hương mình”, anh Huân chia sẻ. Về quê, được bố mẹ động viên, anh bắt tay vào làm VAC cùng gia đình. Vốn trước đó bố mẹ anh đã có một trang trại tổng hợp tương đối rộng chuyên nuôi lợn và cá, đến năm 2008, sau khi tích lũy được một số kinh nghiệm, anh quyết định “ra riêng”. Thời điểm bắt tay vào xây dựng trang trại anh Huân gặp vô vàn khó khăn. Để có vốn xây dựng trang trại, anh vay từ Ngân hàng NN và PTNT, bạn bè, người thân được trên 100 triệu đồng; quy hoạch thành các khu, chuồng trại riêng biệt nuôi cá và lợn. Đối với ao cá, anh thuê người đào, múc trên 5.000m2 diện tích mặt nước, quy hoạch thành các ao riêng biệt để nuôi cá thịt và cá giống. Năm đầu tiên khởi nghiệp, anh Huân mạnh dạn thả trên 1 tấn các loại cá truyền thống như trôi, trắm, mè… Ngoài ra anh còn xây thêm 2 khu chuồng trại nuôi lợn. Thời điểm này anh nuôi khoảng 20 con lợn thịt. Năm 2008, sau khi trừ chi phí anh Huân thu về trên 50 triệu đồng tiền lãi. Năm đầu tiên thắng lợi giúp anh củng cố niềm tin trở thành triệu phú VAC. Năm 2009, anh Huân chuyển hướng sang nuôi cá chép và trắm đen. Trước khi nuôi, anh đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ một vài trang trại khác trong và ngoài huyện để nâng cao kiến thức. Anh còn chịu khó đọc sách báo, xem ti vi tìm hiểu thêm cách nuôi, phòng dịch bệnh cho cá. Để nuôi cá trắm đen, cá chép anh Huân cùng vợ không quản đường xa, đến nhiều chợ lẻ thu mua con giắt làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm cộng với phương pháp nuôi chưa khoa học, hướng đi mới của anh nhanh chóng thất bại, gây thiệt hại lớn cho gia đình. Không nản chí, anh tìm cách khắc phục, quay về các con nuôi truyền thống, giảm thiểu rủi ro. Năm 2013, sau khi vay được 100 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, anh Huân có thêm tiền tái đầu tư cho sản xuất. Theo đó, anh nâng cấp, mở rộng khu chuồng nuôi lợn rộng rãi, thoáng mát, lắp đặt hệ thống tưới, tiêu nước… Ngoài ra, anh cũng dành một phần vốn để đặt mua những con giống tốt nhất, phục vụ nhu cầu chăn nuôi hiện đại. Cũng trong năm này, anh nhận đấu thầu thêm đất, mở rộng diện tích trang trại. Trên diện tích đất đấu thầu, anh tiếp tục thuê người múc đất, đắp bờ bao khoảnh, xây hệ thống đường điện, máy sục khí tạo ô xy để nuôi cá. Hiện anh có trên 7.000m2 diện tích ao với 5 ao nuôi; trong đó, quy hoạch thành 2 ao cá giống, 3 ao nuôi cá thịt. Khu vực bờ bao quanh trang trại, anh Huân còn trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, vải, na, chuối… Ngoài ra anh còn cấy 2 mẫu lúa, duy trì trong chuồng từ 50-60 con lợn thịt, 3 lợn nái và khoảng  50 con gà ta. Từ năm 2013 đến năm 2016 là thời điểm “trúng mùa” của gia đình anh, mỗi năm anh Huân thu về từ 200-300 triệu đồng tiền lãi. Năm 2017, mặc dù ao cá bị thất thoát do ảnh hưởng trận lũ lịch sử hồi tháng 10 cộng thêm giá lợn thấp song trừ chi phí anh vẫn thu về hơn 100 triệu đồng.

Là một người trẻ, năng động, anh Huân luôn tìm ra những hướng đi hợp lý, tích cực cho trang trại VAC của gia đình phát triển. Cuối năm 2016 khi giá lợn có dấu hiệu chững lại và xuống đáy vào năm 2017, rất nhanh chóng anh phá đàn tìm hướng chăn nuôi mới. Theo đó, anh chỉ duy trì số lượng lợn thịt khoảng 20 con, bỏ nuôi lợn giống và chuyển sang nuôi chó. Tận dụng những khu chuồng trống, anh mua giống chó ta trong dân về nuôi bán thịt. Hiện trang trại của anh có 20 con chó thịt và giống. 4-5 tháng anh xuất bán 1 lần, trung bình 1 năm anh xuất được 2-3 lứa, thu về khoảng 60 triệu đồng. Theo tính toán của anh Huân nuôi chó lãi và an toàn hơn nuôi lợn, chi phí thức ăn, phòng dịch cũng ít tốn kém hơn. Vì thế, đây cũng là con nuôi được anh ưu tiên trong tương lai. Thời gian tới, anh Nguyễn Đức Huân còn rất nhiều dự định mới trên trang trại VAC của gia đình. Anh chia sẻ: “tôi muốn mở rộng trại hơn nữa, muốn đưa nhiều cây, con mới về nuôi trồng. Trong năm nay tôi sẽ quy hoạch lại các khu chuồng trại để triển khai nuôi ngan và ngỗng. Tôi cũng dự định sẽ mở rộng đàn chó. Mục tiêu của gia đình là mỗi năm trang trại thu lãi từ 200-300 triệu đồng/năm”. Không chỉ là thanh niên làm kinh tế giỏi ở xã Yên Phong, anh Huân còn là cán bộ Đoàn tiêu biểu. Với vai trò là Bí thư chi Đoàn thôn, anh luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, anh thường xuyên truyền đạt cho thanh niên trong chi Đoàn cũng như thanh niên địa phương những phương thức sản xuất mới, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Huân giờ đã là “triệu phú trẻ” làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trang trại, nuôi trồng, trang trại của anh còn là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người trẻ đến học hỏi, tham quan mô hình. Là Bí thư chi Đoàn thanh niên, cũng đã có những thời điểm khởi nghiệp khó khăn, anh hiểu rất rõ những vướng mắc mà nhiều thanh niên nông thôn đang gặp phải khi muốn phát triển kinh tế, làm giàu. Anh mong muốn, Nhà nước, các tổ chức xã hội tạo điều kiện, cơ chế cho những người trẻ như anh để họ mạnh dạn lập nghiệp, có điều kiện gắn bó lâu dài với quê hương. Điều mà thanh niên cần nhất, theo anh là được hỗ trợ nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; Nhà nước có các chính sách khuyến khích, ủng hộ các mô hình kinh tế mới của thanh niên và đặc biệt là trợ giá cho các sản phẩm nông sản để người nông dân nói chung yên tâm sản xuất.

Hiện nay trong khi nhiều thanh niên nông thôn vẫn còn lúng túng chưa tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp thì mô hình kinh tế VAC thành công của anh Nguyễn Đức Huân đã góp phần cổ vũ, động viên nhiều người trẻ khác khởi nghiệp tại quê hương. Ghi nhận những cố gắng của anh, từ năm 2013, anh Nguyễn Đức Huân vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com