Dưới những đôi bàn tay tài hoa

06:06, 01/06/2018

Tháng 5 trời nắng đổ lửa, mới đầu giờ sáng mà đường vào làng Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên) khá vắng vẻ. Ghé vào một con ngõ đang vang vang những tiếng kỳ cạch giòn giã, chúng tôi gặp 6, 7 phụ nữ tỉ mẩn dùng búa ngồi khảm đồng. Chị Mẫn - vợ anh Phạm Đức Tuân, chủ một cơ sở đúc đồng ở tổ dân phố số 6 đon đả mời khách vào nhà. Chị kể, vợ chồng chị lấy nhau cũng đã hơn chục năm. 22 tuổi, sau vài năm bôn ba làm ăn khắp mọi nơi, anh Tuân trở về quê nối nghiệp xưa. Từ bé đã quen với việc vào lò, đắp khuôn, đổ đồng nên anh rất thạo nghề, thạo việc. Ban đầu 2 vợ chồng làm chung với gia đình, sau có chút vốn liếng thì chuyển ra mở xưởng riêng. Hiện, cơ sở đúc đồng Tuân Mẫn có 7 thợ, là một trong những xưởng đúc có tiếng của thị trấn. Gia đình anh Tuân không phải là cá biệt ở Vạn Điểm. Con đường nối nghiệp truyền thống của họ giống như đại đa số những thanh niên làng nghề khác. Chính nghề đúc đồng truyền thống đã tạo cơ hội cho các thế hệ kế tiếp “giữ lửa”, làm giàu. Nghề đúc đồng, theo anh Tuân, là nghề vất vả, cẩn trọng, công đoạn nào cũng khó.

Anh Phạm Đức Tuân, tổ dân phố số 6, làng Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên) giới thiệu các sản phẩm đồ đồng của gia đình.
Anh Phạm Đức Tuân, tổ dân phố số 6, làng Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên) giới thiệu các sản phẩm đồ đồng của gia đình.

Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, thợ đúc phải trải qua nhiều thao tác, bước chuẩn bị. Đầu tiên người thợ phải tạo mẫu cho sản phẩm giống với hình ảnh của sản phẩm cần sản xuất. Sau đó họ sẽ dùng đất sét để đắp mẫu theo đúng quy định. Loại đất mà họ dùng phải là thứ đất sét nguyên chất được lấy ở cánh đồng làng. Cũng chỉ ở Vạn Điểm mới có được thứ đất sét quý, thích hợp cho việc đúc khuôn, đắp mẫu của thợ đồng. Vào mùa gặt, khi những nông phu chăm chỉ đã thu hoạch xong, thợ đúc đồng lại tranh thủ ra đồng lấy đất. Họ lấy nhiều và tích trữ vào trong các lán trại để dùng quanh năm. Sau khi đắp mẫu xong, thợ tiếp tục chỉnh sửa tỉ mỉ từng đường nét cho hoàn thiện mẫu. Đến khi mẫu đạt được yêu cầu thì tiến hành làm khuôn thạch cao âm bản, chỉnh sửa rồi mới đổ ra khuôn thạch cao. Công đoạn tiếp theo là tạo khuôn cho sản phẩm. Người thợ sẽ dùng đất, trấu và giấy gió để làm khuôn bản âm cho sản phẩm. Sau đó dùng đất bùn kết hợp với trấu và bột chịu nhiệt để làm cốt (giáp phao) bên trong. Khi làm xong, đem khuôn nung chín ở khoảng 700 độ C rồi để nguội. Chỉnh sửa lại khuôn sản phẩm, thợ đồng lau nhẵn, quét sơn chịu nhiệt nung khuôn lại một lần nữa, cuối cùng sẽ ghép khuôn thành một khối để ra khuôn của sản phẩm. Làm khuôn xong, thợ bắt tay vào nhóm lò nấu đồng. Những người thợ to lớn, khỏe mạnh sẽ đảm nhiệm công việc nhóm lò, nấu. Đồng thường nóng chảy ở 1.200 độ C. Sau khi đồng chảy hết, thợ đồng pha những phụ liệu cần thiết theo tỷ lệ thiếc, chì, kẽm đúng với yêu cầu, tăng nhiệt độ và tiếp tục cho nguyên liệu nóng chảy rồi mới rót vào khuôn sản phẩm. Trước đó, người thợ đúc đồng sẽ nung khuôn sao cho nóng đều, đủ nhiệt độ để đảm bảo cho khuôn chịu được nhiệt khi đồng chảy vào khuôn. Đây chính là thao tác khó nhất trong cả quy trình nấu đồng, vì thế cần những nghệ nhân có đủ kinh nghiệm đảm nhận công đoạn này. Quá trình nấu đồng, tùy theo kích thước sản phẩm cần đúc mà xây các lò to, nhỏ khác nhau. Kể cả sản phẩm cần đúc lớn thế nào, người thợ cũng chỉ được đổ lượng đồng đã nấu 1 lần để giúp sản phẩm được liền khối. Cuối cùng, đợi khuôn nguội, thợ đúc dỡ khuôn lấy sản phẩm ra mài, giũa, đục và tạc theo đúng mẫu. Đây là công việc của các thợ khảm. Ở Vạn Điểm, đa phần chị em đảm nhiệm công đoạn này. Mặc dù không vất vả như thợ đúc nhưng thợ khảm có nguy cơ bị ảnh hưởng thính lực do làm việc thời gian dài trong môi trường có nhiều tiếng ồn. Có 2 loại khảm, khảm ngũ sắc và khảm tam khí. Khảm ngũ sắc được dát vàng, bạc, đồng đen, đồng xanh, đồng đỏ; khảm tam khí tức là dát bằng 3 thứ kim loại: bạc, đồng, vàng. Người ta thường khảm lên các hoa văn trang trí trên các sản phẩm đồ thờ cúng. Khảm tam khí quý hơn không chỉ bởi giá trị của vàng, bạc mà còn bởi sự công phu, tài hoa của người thợ khi chế tác.

Làng đúc đồng Vạn Điểm được xem là một trong những cái nôi của nghề đúc đồng truyền thống ở nước ta. Từ Vạn Điểm, dưới đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề, những công trình đồ đồng tầm cỡ quốc gia, thể hiện tinh thần, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại đã ra đời. Đó là tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài Bác Hồ tại Nhà lưu niệm huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), tượng Vua Lý Thái Tổ đặt ngay sát Hồ Gươm, tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), tượng 14 vị vua Trần đặt tại Đền Trần, tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối tại Chùa Non Nước (Sóc Sơn, Hà Nội). Tượng Tam thế Phật, Chùa Bái Đính (Ninh Bình)… Ngày nay, sản phẩm làng nghề rất đa dạng về mẫu mã, kích thước như: đồ thờ, đồ trang trí nội thất, mặt trống, quả trống đồng, tượng Phật và các danh nhân, hình các con thú, 12 con giáp… Ngoài ra, tại các cơ sở đúc đồng trong làng còn nhận đặt  đúc chuông, tượng truyền thần, đồ lưu niệm… Trong các sản phẩm đồ đồng, đúc tượng truyền thần là khó hơn cả bởi theo anh Tuân, tượng phải giống người thật, thể hiện được “hồn người” trong mỗi bức tượng. Hơn nữa, đúc các sản phẩm khác hỏng có thể chỉnh sửa, mài gọt ít nhiều nhưng với tượng thì không. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra khi đúc tượng luôn ở trình độ cao, đã đúc là không hỏng. Làng nghề ngoài sản xuất hàng phổ thông còn làm hàng kỹ tùy yêu cầu của người đặt. Với mỗi dòng sản phẩm làng nghề đều có các mức giá khác nhau cho khách lựa chọn. Ví dụ, một bộ đồ thờ 10 món gồm: đỉnh, hạc, chân nến, lọ hoa, mâm đồng, khay chén, đài, ống hương, đôi đèn, trầu cau nếu khảm tam khí sẽ được bán với mức giá 40-50 triệu đồng. Cùng sản phẩm trên, khảm ngũ sắc sẽ có giá trên 100 triệu đồng. Một cặp tượng chân dung truyền thần cỡ vừa cao 42-60cm, nặng 25-30kg sẽ được bán với mức giá 25-30 triệu đồng. Đối với cặp tượng cỡ lớn khoảng 45kg sẽ tăng thêm 10 triệu đồng… Sản xuất ổn định, sản phẩm đẹp, thương hiệu đúc đồng Vạn Điểm vang danh cả nước. Đời sống của người dân vì thế cũng được nâng lên rất nhiều. Từ nghề truyền thống, nhiều lao động trong ngoài, làng có việc làm, thu nhập ổn định. Với riêng cơ sở của anh Tuân, mỗi năm trừ chi phí, anh ước tính thu về 200-300 triệu đồng.

Trải qua bao thăng trầm, thịnh suy, làng nghề đúc đồng Vạn Điểm vẫn duy trì và phát triển được nghề truyền thống. Đó không chỉ là sự  nhanh nhạy của những thợ nghề, phúc lộc của nghề mà trên hết do bàn tay tài hoa, cái tâm mong muốn giữ nghề của mỗi thợ nghề. Rời làng, chúng tôi vẫn cảm thấy nhịp lao động khẩn trương ở đây theo từng tiếng búa gõ đanh giòn, hừng hực trong những lò mới đốt. Chúng tôi cảm nhận rằng, làng nghề sẽ còn hưng thịnh nữa./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com